Thứ 3, 16/04/2024 21:36:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:44, 30/08/2014 GMT+7

Khắc phục thiếu trường, lớp ở bậc học mầm non: Các giải pháp vẫn chỉ tạm thời

Thứ 7, 30/08/2014 | 08:44:00 375 lượt xem
BP - Để con nhập học đúng ngày 18-8, trước đó các bậc phụ huynh, đặc biệt là những người có con học ở bậc mầm non phải chạy đôn, chạy đáo nhiều tháng để xin cho con một chỗ học. Nguyên nhân dẫn đến việc “chạy trường, chạy lớp” do tình trạng quá tải ở hầu hết các trường mầm non công lập. Đây là bài toán khó mà nhiều năm nay ngành giáo dục Bình Phước đang tìm lời giải.

Ép sĩ số

Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), mỗi nhóm trẻ thuộc các trường mầm non nhận tối đa 25 trẻ/nhóm và 35 trẻ/lớp thuộc bậc mẫu giáo. Tuy nhiên, tại các trường mầm non công lập con số này lớn hơn rất nhiều. Theo thống kê của Phòng GD-ĐT Đồng Xoài, toàn thị xã có 12 trường mầm non (trong đó 9 trường công lập và 3 trường tư thục) với tổng số 149 nhóm, lớp. Thầy Vũ Văn Mười, Phó phòng GD-ĐT thị xã cho biết: Tình trạng quá tải ở bậc mầm non đã diễn ra nhiều năm nay. Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh, nhiều điểm trường buộc phải tuyển học sinh vượt số lượng so quy định. Hiện trung bình một nhóm, lớp có 40 trẻ (vượt từ 5 đến 15 trẻ/lớp).

Cô và trò trường Mầm non Hoa Cúc  - Ảnh: Tư Liệu

 
Tại phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài) có 2 trường mầm non với 25 phòng học. Cô Nguyễn Thị Nguyền, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Cúc cho biết: “Toàn phường có 1.967 trẻ trong độ tuổi từ 1-5. Nhưng số phòng học chỉ đáp ứng được khoảng 750 trẻ theo đúng quy định. Số còn lại phải đi nhà trẻ hoặc các trường mầm non tư thục. Năm học 2014-2015, trường nhận 600 trẻ, trong đó 4 lớp lá (trẻ từ 5 đến dưới 6 tuổi), 4 lớp chồi (trẻ từ 4 đến dưới 5 tuổi), còn lại dành cho lớp mầm (trẻ từ 3 đến dưới 4 tuổi) và nhóm trẻ (trẻ dưới 3 tuổi). Trung bình có 45 trẻ/lớp mầm, 48 trẻ/lớp chồi và 50 trẻ/lớp lá”. Như vậy sĩ số lớp đều vượt trên 15 trẻ so quy định của Bộ GD-ĐT. Cô Trần Thị Thủy, giáo viên lớp lá, trường Mầm non Hoa Cúc, cho biết: “Lớp có 52 trẻ nhưng chỉ có 2 giáo viên đứng lớp nên hiệu quả chăm sóc và dạy học sẽ không cao”.

Cô Nguyền cho biết thêm, tình trạng quá tải bậc mầm non chủ yếu ở các điểm trường gần trung tâm thị xã. Bởi tâm lý của phụ huynh muốn cho con được học trường chuẩn nên gây áp lực trong việc tuyển sinh của trường. Nhiều phụ huynh có con dưới 3 tuổi đến nộp hồ sơ nhưng chúng tôi chưa dám nhận, vì phải ưu tiên cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Để hạn chế số hồ sơ, năm nay trường không nhận trẻ trái tuyến, đồng thời trả 59 trẻ ở phường Tân Thiện về trường Mầm non Hoa Đào (trường mới xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm học này).

Chị N.T.T, phụ huynh em Phan Nguyễn Thanh N (3 tuổi) ở ấp Suối Cam, xã Tiến Thành (TX. Đồng Xoài) cho biết: Nhà cách trường mầm non xã gần 3km. Muốn con đi học gần nhà, lại không ngược đường đi làm nên chị T đưa con đến trường Mầm non Họa Mi (phường Tân Phú) nộp hồ sơ. Nhưng vì trái tuyến nên trường không nhận. Chị buộc phải cho con đi học ở trường Mầm non tư thục Vietstar (phường Tân Đồng).

Cũng vì quá tải, nhiều trẻ trong độ tuổi mầm non không được đến lớp. Năm học vừa qua, chị Đinh Thị Loan và chị Nguyễn Thị Phương ở xã Đa Kia (Bù Gia Mập) đều có con 3 tuổi nhưng vì trường không đủ phòng học nên chỉ nhận trẻ từ 4 tuổi trở lên. Các trường tư thục nằm xa nhà nên không có điều kiện đưa con đi gửi. Năm học 2014-2015, hai bé nhà chị Loan và chị Phương mới được đến trường.

Cần khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non

Thầy Huỳnh Công Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải bậc học mầm non là nhiều năm qua cơ sở vật chất các trường học, đặc biệt là trường ở các xã vùng sâu, xa còn nhiều khó khăn. Nhiều trường được xây dựng từ lâu nhưng không đáp ứng nhu cầu hiện tại, diện tích không có để mở rộng. Bên cạnh đó, tâm lý phụ huynh muốn gửi con tại những trường chuẩn dẫn đến tình trạng quá tải ở các trường điểm, gần trung tâm. Một số xã vùng, sâu xa, nhiều thôn, ấp cách xa trường học của xã buộc phụ huynh phải đăng ký cho con học ở những trường gần nhà (học trái tuyến) đã gây áp lực cho các xã lân cận.

Sĩ số lớp học tăng ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học - Ảnh: Cô và trò lớp lá, trường Mầm non Hoa Cúc

 
Ấp Lam Sơn, xã Tân Phước (Đồng Phú) cách trung tâm xã gần 40km. Vì vậy, trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đưa đến học ở những điểm trường lẻ trên địa bàn xã Đồng Tâm (Đồng Phú). Hay trước đây, khi phường Tân Thiện (TX. Đồng Xoài) chưa có trường mầm non, trẻ trong độ tuổi đến lớp phải đi học ở các xã, phường lân cận. Cô Trần Thị Yến Anh, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Đào (phường Tân Thiện, TX. Đồng Xoài) cho biết: Hiện chúng tôi đang tiếp nhận hồ sơ cả học sinh mới lẫn học sinh ở các trường khác chuyển về để các em được học đúng tuyến và gần nhà hơn.

Ngoài ra, việc tăng dân số, dân di cư tự do chủ yếu tập trung ở các khu công nghiệp và trung tâm thị xã Đồng Xoài đã gây áp lực cho các trường ở khu vực này. “Để hạn chế tình trạng quá tải ở bậc mầm non, đảm bảo đủ lớp học cho trẻ 3 và 4 tuổi khi phổ cập cho trẻ 5 tuổi, chúng tôi mong Sở GD-ĐT, UBND tỉnh hỗ trợ, đầu tư xây dựng trường lớp, mở thêm nhiều điểm trường tại các vùng đặc biệt khó khăn, các ấp xa khu dân cư” - thầy Vũ Văn Mười kiến nghị.

Thầy Huỳnh Công Khanh cũng cho rằng: “Ngoài việc đầu tư nâng cấp trường, xây thêm các trường mới, giải pháp tạm thời là chấp nhận số trẻ/lớp vẫn cao so quy định của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, các địa phương và ngành giáo dục cần khuyến khích xã hội hóa, nhất là đối với bậc học mầm non.  

 Thùy Hương

  • Từ khóa
84519

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu