Thứ 6, 29/03/2024 17:23:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:27, 23/07/2016 GMT+7

Khá lên từ vốn tương trợ

Thứ 7, 23/07/2016 | 14:27:00 100 lượt xem
BP - Lấy vỏ bọc tương trợ, rất nhiều đường dây hụi tuyên bố “vỡ” khi chủ hụi đã “ấm thân”. Tuy nhiên, tại xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, nhiều hội viên phụ nữ đã phát huy sự tương trợ theo đúng nghĩa truyền thống để giúp các hội viên trong tổ chức có cuộc sống khá lên từng ngày.

VỎ BỌC TƯƠNG TRỢ VỐN

Hiện trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Hớn Quản nói riêng đang tồn tại rất nhiều đường dây hụi nhưng không mang tính tương trợ lẫn nhau mà là hình thức đầu tư kinh doanh với lãi suất không hề nhỏ. Lợi dụng số tiền dư giả của một số người, chủ hụi đứng ra huy động góp vốn và hưởng phần trăm hoa hồng trên mỗi dây hụi. Tuy nhiên, trong quá trình chơi, người hốt hụi trước thường gây khó khăn trong việc góp hụi chết hằng tháng hoặc chây lỳ không đóng tiếp nên chủ hụi phải tự hốt tiền của những dây hụi khác hoặc vay mượn bên ngoài với lãi suất cao để chi trả cho người hốt hụi sau. Do hám lời, có người tham gia tới 40 dây hụi với các mức góp khác nhau, họ không biết trong mỗi dây có bao nhiêu người nhưng lại tin tưởng giao tiền cho chủ hụi.

Nhờ vốn tương trợ chị Ngô Thị Cẩm Thủy (trái) mở được tiệm tạp hóa, cuộc sống đã khá lênNhờ vốn tương trợ chị Ngô Thị Cẩm Thủy (trái) mở được tiệm tạp hóa, cuộc sống đã khá lên

Trường hợp chị T ở xã Tân Hưng góp vào 2 dây hụi trên địa bàn xã, trong đó có dây đóng 1 triệu đồng/tháng nhưng đã có người chịu bỏ ra 500 ngàn đồng để được hốt trước. Chị T luôn trong tâm trạng phập phồng lo lắng vì không biết người hốt trước có đủ khả năng đóng tiếp hụi chết hoặc chây ì hay không. Chị cho biết, chơi hết 2 dây hụi này, tôi không tham gia nữa vì có quá nhiều rủi ro. Chưa kể một số chủ hụi lợi dụng việc người chơi chưa có nhu cầu hốt đã tự đứng ra hốt hụi, gom tiền hụi của người khác sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến khi gần kết thúc dây hụi thì người chơi mới phát hiện chưa ai được hốt hụi nhưng hằng tháng chủ hụi vẫn thu tiền nên họ đồng loạt yêu cầu được hốt. Lúc này, chủ hụi không đủ tiền chi trả nên tuyên bố vỡ hụi.

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Hớn Quản liên tục xảy ra những vụ vỡ hụi với hàng tỷ đồng. Cụ thể ở xã Minh Đức, dây hụi do bà Trần Thị Cẩm Mỹ, giáo viên Trường tiểu học Trần Cao Vân làm chủ hụi, đến khi tuyên bố vỡ hụi thì số tiền lên tới gần 3 tỷ đồng. Trong vòng chưa đầy 1 năm, chủ hụi đã mở hơn 80 dây hụi với số tiền góp hằng tháng lên đến vài trăm triệu đồng. Hay vụ vỡ hụi và vay mượn tài sản tại xã Tân Quan do vợ chồng ông Lê Văn Lý - bà Lê Thị Bích Liễu làm chủ hụi, số tiền vỡ hụi khoảng 4 tỷ đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, làm mất an ninh trật tự tại địa bàn. Việc làm trên của một số cá nhân đã bóp méo bản chất tốt đẹp của việc hỗ trợ góp vốn, dẫn đến hệ lụy đáng tiếc cho nhiều gia đình.

TƯƠNG TRỢ LÀ “ĐỠ” NHAU

Một trong những hình thức tương trợ mang đậm giá trị nhân văn, có ý nghĩa truyền thống được các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Hớn Quản duy trì có hiệu quả nhiều năm nay là tương trợ vốn trong đoàn viên, hội viên. Theo đó, mỗi thành viên trong tổ tương trợ sẽ góp một số tiền nhất định, hằng tháng họp bình xét cho hội viên vay không lãi hoặc lãi suất thấp. Chị em có kinh tế khá nhường cho chị em khó khăn vay trước. Mỗi tháng một hoặc vài người được vay tùy theo thỏa thuận của tổ. Để tăng cường quản lý và đảm bảo mô hình duy trì bền vững, các tổ vay vốn cử người có trách nhiệm thu tiền của từng thành viên góp hằng tháng theo thời gian quy định. Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Đồng Nơ đã tích cực duy trì hiệu quả cách làm này.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Hội Phụ nữ xã Đồng Nơ đã thành lập được 46 tổ tiết kiệm tín dụng với 1.250 thành viên tham gia. Số tiền chị em góp vào gần 600 triệu đồng cho 560 thành viên vay với lãi suất 0,8-1%/tháng để lấy quỹ hoạt động. Hội còn xây dựng được 23 tổ tương trợ với 756 thành viên, giúp 334 lượt chị vay vốn không lãi với tổng trên 1,1 tỷ đồng.  

Chi hội phụ nữ ấp 2 là đơn vị hoạt động tương trợ hiệu quả nhất của Hội Phụ nữ xã Đồng Nơ. 10 năm trước, chi hội chỉ có 1-2 tổ tương trợ, đến nay đã có đến 18 tổ, mỗi tổ 10-20 người với mức góp từ 1-5 triệu đồng/người/tháng. 3 năm trở lại đây, có 2 tổ số tiền mỗi tổ viên góp lên tới 5 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, mỗi hội viên được vay 50-60 triệu đồng - là khoản tiền “ra tấm ra miếng” để đầu tư sản xuất hoặc sửa nhà. Phong trào duy trì đã nhiều năm, chị em tin tưởng nhau bởi ai cũng khá lên từ đồng vốn này và chưa bao giờ xảy ra tình trạng chây ì hoặc vay không trả.

Chị Cao Thị Thuyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đồng Nơ cho biết: “Nguồn vốn tương trợ được duy trì bền vững thời gian dài. Nhờ đó kinh tế nhiều hội viên đã ổn định, trong đó một số chị giàu lên. Tại ấp 2, chị Trần Thị Hiền không có đất ở, nhờ vốn vay nay đã mua đất, xây được nhà. Chị Phan Thị Vui đã mở được tiệm internet, tăng thu nhập. Hay chị Ngô Thị Cẩm Thủy trước đây làm thuê, nhờ vay 50 triệu đồng vốn tương trợ, chị đã mở quán tạp hóa và hiện đã mua thêm đất, nhà. Có điều kiện chị lại bán thiếu hàng hóa cho chị em trong lúc khó khăn”. Ngoài ra, có 21 chị trong chi hội 2 góp hằng tháng được 72 triệu đồng xoay vòng để lo cho con ăn học.

Khánh An

  • Từ khóa
40557

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu