Thứ 7, 20/04/2024 03:30:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:14, 16/11/2019 GMT+7

Kết quả thanh tra việc hỗ trợ nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại tại Bù Đăng (tiếp theo)

Thứ 7, 16/11/2019 | 09:14:00 581 lượt xem
BP - Ngày 11-11-2019, Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Giúp đã ký ban hành Thông báo số 168/TB-T.Tr về kết quả thanh tra việc tổ chức, triển khai thực hiện hỗ trợ nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017 trên địa bàn huyện Bù Đăng, theo Kết luận số 361/KL-UBND ngày 22-10-2019 của UBND tỉnh. Tòa soạn trích đăng những nội dung chính của thông báo này.

Đánh giá một số nội dung theo báo chí phản ánh

Về chủ trương UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ nông dân trồng điều bị thiệt hại tại huyện Bù Đăng theo Quyết định số 247/QĐ-UBND là 2.000.000 đồng/ha với tổng số tiền hỗ trợ 17.788.580.000 đồng, hạng mục hỗ trợ là thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc vườn cây. Tuy nhiên, do nguồn dự phòng của huyện năm 2017 đã hết, nguồn kết dư chỉ còn lại 3.173.000.000 đồng nên Huyện ủy, UBND huyện Bù Đăng chủ trương trước mắt hỗ trợ 500.000 đồng/hộ, sau khi cân đối được ngân sách sẽ thực hiện hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha theo đúng chủ trương của tỉnh tại Quyết định số 247/QĐ-UBND. Việc báo chí phản ánh UBND huyện chủ trương cấp phát 500.000 đồng/hộ và UBND các xã thực hiện cấp phát thuốc bảo vệ thực vật cho người dân nhưng lại cho người dân ký vào danh sách nhận tiền là phản ánh đúng.

Lãnh đạo UBMTTQVN, Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng và xã Bình Minh thăm vườn điều của người dân trên địa bàn  - Ảnh: Đức Tú

Về ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật sau khi phun: Đối với thuốc diệt sạch sâu rầy Kasakiusa 130EW và thuốc Candicone 200EC theo phản ánh của báo chí là khiến khô bông, cháy lá. Qua kiểm tra cho thấy 2 loại thuốc này đều có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam theo Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT ngày 21-4-2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Việc báo chí phản ánh, tình trạng mất mùa điều niên vụ 2017-2018 là do phun thuốc bảo vệ thực vật được hỗ trợ là chưa đủ cơ sở, vì để đánh giá ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật thì phải được khảo nghiệm thực tế theo quy định, việc sử dụng thuốc phải đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây điều. Ngoài ra, tình trạng sâu bệnh hại trên địa bàn huyện Bù Đăng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung đã diễn ra nhiều năm trước, đặc biệt là niên vụ 2016-2017 tình trạng sâu đục thân, bệnh thán thư và bọ xít muỗi đã bùng phát... Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năng suất, sản lượng điều năm 2017 của tỉnh giảm gần 38% so với niên vụ trước, nặng nhất là Bù Đăng, giảm 46%. Nguyên nhân do đầu năm 2017 xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa trùng vào thời điểm cây điều ra bông thụ phấn; mưa nhiều làm tăng độ ẩm dẫn đến nấm gây bệnh thán thư, bọ xít muỗi phát triển, phát tán mạnh gây hại trên chồi, lá non.

Về nội dung báo chí, đài truyền hình cho rằng có hộ dân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng không nhận được hỗ trợ là không đúng. Vì qua làm việc, một số hộ dân mà báo chí phản ánh không nhận được hỗ trợ đều là các hộ không thuộc đối tượng thụ hưởng nên không nhận được hỗ trợ hoặc ngược lại.

Việc ông Huỳnh Giang, nguyên Trưởng trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Bù Đăng (nay là cán bộ Phòng NN&PTNT) khi trao đổi với Báo Nhân Dân cho rằng, Kasakiusa 130EW và Cadicone 200EC là 2 loại thuốc trừ sâu nằm ngoài danh mục khuyến cáo của Sở NN&PTNT, Bộ NN&PTNT. 2 loại thuốc này chỉ được sử dụng trước khi cây trồng ra bông, trái non; nhất là thuốc Cadicone 200EC có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl với đặc tính nóng, gây cháy khô bông, trái non và 2 loại thuốc chỉ được sử dụng với sâu cuốn lá trên cây lúa là có phần chưa chính xác. Vì thực tế, 2 loại thuốc trên có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam theo Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT (phụ lục I, số thứ tự 185, 365). Ngoài ra, tại Công văn số 453/BVTV-QLSVGHR ngày 15-3-2017 của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, tại phụ lục 02 về danh sách các thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại điều có đưa ra thuốc Kasakiusa 430EW. Đồng thời, 2 loại thuốc trên chưa có khuyến cáo không được sử dụng trên cây điều.

Biện pháp thực hiện sau thanh tra

Qua kết quả thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Bù Đăng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung:

Đối với UBND huyện Bù Đăng, phát huy những kết quả đã đạt được và kịp thời khắc phục những thiếu sót mà Đoàn thanh tra số 2044/QĐ-UBND đã nêu trên. Chỉ đạo UBND các xã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm với thiếu sót đoàn thanh tra đã nêu trong quá trình kê khai, lập danh sách, thực hiện phúc tra, cấp phát kinh phí; chứng từ thanh quyết toán phải đảm bảo đúng thực tế phát sinh, khi thực hiện mua sắm hàng hóa phải đảm bảo đúng quy định về đấu thầu, chỉ định thầu.

Phối kết hợp Sở Tài chính, Sở NN&PTNT xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đối với việc bố trí nguồn kinh phí được giao theo Quyết định số 247/QĐ-UBND và về số diện tích tăng từ 8.894,29 ha lên 16.607,52 ha để có kế hoạch, phương án tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ theo đúng tinh thần Quyết định số 247/QĐ-UBND là hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha. Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tiêu chí đánh giá mức độ thiệt hại, quy trình xét duyệt đối với các đối tượng thụ hưởng... để đảm bảo tính thống nhất trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát các đối tượng được thụ hưởng mà UBND các xã đề nghị nhưng do sơ suất trong quá trình tổng hợp thiếu đối tượng để phê duyệt bổ sung và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho các hộ.

Kiểm điểm trách nhiệm Phòng NN&PTNT, Tổ phúc tra 1917 của huyện đối với những sai sót mà đoàn thanh tra đã nêu trong công tác phúc tra, tổng hợp số liệu báo cáo. Kiểm điểm trách nhiệm UBND xã Đường 10 trong việc thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến còn tồn đọng 30 phần thuốc bảo vệ thực vật (tương đương 15.000.000 đồng) chưa cấp phát cho các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, chỉ đạo xử lý hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng. Kiểm điểm trách nhiệm UBND xã Thống Nhất vì thiếu kiểm tra, giám sát để tồn đọng 24 phần thuốc bảo vệ thực vật (tương đương 12.000.000 đồng) chưa cấp phát; đồng thời, thực hiện việc cấp phát số tiền trên đến các hộ được thụ hưởng. Yêu cầu UBND 2 đơn vị nhanh chóng hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền tạm ứng còn dư so với kinh phí thực tế đã hỗ trợ (UBND thị trấn Đức Phong 6.000.000 đồng, UBND xã Thống Nhất 8.500.000 đồng).

Đối với Sở Tài chính: Rút kinh nghiệm đối với việc tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 30-1-2018 (tờ trình tham mưu của Sở Tài chính ngày 11-1-2018) vì năm tài chính 2017 đã kết thúc, nguồn kinh phí năm 2017 đã chuyển sang nguồn kết dư năm 2018 nên việc tham mưu UBND tỉnh lấy kinh phí nguồn dự phòng năm 2017 để hỗ trợ là không thể thực hiện được. Đồng thời kiểm tra, rà soát nguồn kinh phí của UBND các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ trong thời gian tới.

Sở Tài chính phối hợp Sở NN&PTNT kịp thời tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn kinh phí đã giao theo Quyết định số 247/QĐ-UBND để UBND huyện Bù Đăng tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, thay thế Quyết định số 247/QĐ-UBND, vì quyết định này hỗ trợ kinh phí cho nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017 với mục đích hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc, bảo vệ bông và trái non theo quy trình cho niên vụ 2017-2018, nhưng đến thời điểm hiện nay, niên vụ điều 2017-2018 đã kết thúc nên việc áp dụng Quyết định số 247/QĐ-UBND là không còn phù hợp.

Sở NN&PTNT rút kinh nghiệm đối với việc tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 30-1-2018 (Tờ trình tham mưu của Sở NN&PTNT ngày 9-1-2018) vì năm tài chính 2017 đã kết thúc, nguồn kinh phí năm 2017 đã chuyển sang nguồn kết dư năm 2018 nên việc tham mưu UBND tỉnh lấy nguồn dự phòng năm 2017 để thực hiện hỗ trợ là không thể thực hiện được.

Phối hợp Sở Tài chính kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 30-1-2018 cho phù hợp vì quyết định này hỗ trợ kinh phí cho nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017 với mục đích hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc, bảo vệ bông và trái non theo quy trình cho niên vụ 2017-2018, nhưng đến thời điểm hiện nay, niên vụ điều 2017-2018 đã kết thúc. Mặt khác, nguồn dự phòng của các huyện năm 2017 đến thời điểm Quyết định số 247/QĐ-UBND có hiệu lực không còn nên việc áp dụng Quyết định số 247/QĐ-UBND là không còn phù hợp.

Giao Sở NN&PTNT phối hợp cơ quan có liên quan thường xuyên kiểm tra, quản lý chất lượng thuốc bảo vệ thực vật lưu hành trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống bệnh và tên các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo sử dụng phù hợp cho cây điều (việc Sở NN&PTNT khi hướng dẫn chăm sóc cây điều nêu rõ tên loại thuốc bảo vệ thực vật là chưa phù hợp).

T.Tr

  • Từ khóa
1213

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu