Thứ 7, 20/04/2024 17:32:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:13, 20/12/2012 GMT+7

Kết quả học tập từ loại khá trở lên sẽ được xét cấp học bổng

Thứ 5, 20/12/2012 | 14:13:38 239 lượt xem

Đó là nội dung quan trọng trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân trong cả nước. Dưới đây, chúng tôi xin giời thiệu cùng bạn đọc về những nội dung đáng lưu ý trong dự thảo nghị định nói trên.

* Chính sách đối với giảng viên

Theo dự thảo nghị định này, hệ thống chức danh và tiêu chuẩn chức danh giảng viên được làm căn cứ để xếp hạng chức danh nghề nghiệp và thực hiện các chế độ chính sách đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Nhà nước có chính sách ưu tiên đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư. Giảng viên được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư được xếp hạng 1 chức danh nghề nghiệp. Giảng viên được bổ nhiệm chức danh giáo sư được hạng chuyên gia cao cấp.

 

Kết quả học tập từ loại khá trở lên sẽ được xét cấp học bổng (Nguồn: Dantri.com)

Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài vận dụng quy định hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập để thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và đảm bảo không thấp hơn tiền lương và phụ cấp của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập có cùng trình độ đào tạo và thâm niên công tác.

 

* Kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đến tuổi nghỉ hưu

Giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư đang giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục đại học công lập khi đến tuổi nghỉ hưu có thể được xem xét kéo dài thời gian để làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học (gọi tắt là thời gian làm việc) tại các cơ sở giáo dục.

Điều kiện kéo dài thời gian làm việc: Cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu về nhân lực cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Giảng viên tự nguyện, có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học và có đủ sức khỏe để làm việc. Nguyên tắc thực hiện kéo dài thời gian làm việc: Công khai, dân chủ và sự tự nguyện của giảng viên. Trong thời gian kéo dài, giảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Thủ tục, trình tự xét kéo dài thêm thời gian làm việc: Giảng viên thuộc đối tượng nêu ở khoản 1 Điều này đăng ký kéo dài thời gian làm việc với thủ trưởng cơ sở giáo dục bằng văn bản. Lãnh đạo và tập thể đơn vị quản lý trực tiếp giảng viên có nhu cầu kéo dài thời gian công tác xem xét quyết định việc kéo dài thời gian làm việc của giảng viên và có văn bản trao đổi với giảng viên về kéo dài thời gian làm việc. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học ra quyết định việc kéo dài thời gian làm việc của giảng viên và báo cáo cơ quan quản lý biết.

* Chính sách đối với giảng viên được kéo dài thời gian làm việc

Giảng viên có thời gian làm việc kéo dài thuộc biên chế cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học. Trong thời gian làm việc kéo dài, giảng viên được hưởng lương và các chế độ theo ngạch, bậc lương đang hưởng, được xét tăng lương theo quy định và chế độ đã hưởng trước khi thực hiện kéo dài thời gian làm việc.

Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học trực tiếp quản lý và sử dụng giảng viên chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc, thực hiện chế độ, chính sách đối với giảng viên được kéo dài thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.

* Chính sách ưu tiên đối với người học

Theo quy định tại Điều 13 của dự thảo nghị định, người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở các cơ sở giáo giáo dục đại học được xét cấp học bổng khuyến khích học tập. Người học được cấp học bổng chính sách, gồm: Người học hệ cử tuyển; người học là người dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thi đỗ vào hệ đại học chính quy hoặc sau khi học xong dự bị đại học được xét tuyển vào học đại học chính quy.

Đối tượng được trợ cấp, miễn, giảm học phí và ưu tiên trong tuyển sinh: Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, người có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, sản xuất, chiến đấu; Người học là con liệt sĩ, con thương binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, con Anh hùng lực lượng vũ trang, con Anh hùng lao động, con của người có công giúp đỡ cách mạng, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 hoặc người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945; Người dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người học có cha mẹ thường trú tại vùng cao miền núi (trừ thành phố, thị xã, thị trấn) và vùng sâu hải đảo; Người mồ côi không nơi nương tựa; Người tàn tật, người khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó học tập; Người học là con công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động được hưởng trợ cấp thường xuyên; Người học có gia đình thuộc diện hộ nghèo theo quy định chung của nhà nước.

Đối tượng không phải đóng học phí: Sinh viên các ngành sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm; sinh viên ngành năng lượng hạt nhân, văn hóa dân gian và theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh do Thủ tướng chính phủ xác định phù hợp với từng giai đoạn.

TH

  • Từ khóa
82218

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu