Thứ 5, 18/04/2024 08:05:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:59, 24/10/2015 GMT+7

Những thành tựu nổi bật của ngành giáo dục

Thứ 7, 24/10/2015 | 07:59:00 741 lượt xem
BP - 2015-2016 là năm học thứ 3 ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đây cũng là năm học cuối cùng ngành triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Nhìn lại một nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, chúng ta có thể tự hào với những kết quả đạt được trên nhiều mặt của ngành giáo dục tỉnh.


Học sinh Trường mầm non Thanh Bình, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp trong giờ hoạt động ngoài trời - Ảnh: Sỹ Hòa

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất

5 năm qua, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự góp sức của toàn xã hội, cơ sở vật chất giáo dục trong tỉnh đã có những đổi thay rõ nét.

Biểu hiện rõ nhất là quy mô giáo dục của tỉnh phát triển nhanh, hệ thống trường, lớp ngày càng được củng cố và tăng cường. Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 468 trường/229.878 học sinh. Từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm và nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều công trình mới, sửa chữa các công trình đã hư hỏng, xuống cấp; bổ sung trang thiết bị dạy học cho các trường để đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách đối ứng của tỉnh, sở đã đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thiết bị dạy học ngoại ngữ để bổ sung cho các trường.

Không chỉ sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã thành lập 19 trường và 65 nhóm, lớp mầm non ngoài công lập, tăng 13 trường và 25 nhóm, lớp so với năm 2011. Sự gắn kết trách nhiệm giữa ngành GD-ĐT với các cấp ủy đảng, chính quyền và xã hội ngày càng bền chặt nhằm phát triển mạnh mẽ giáo dục ở khắp các huyện, thị. Hằng năm, các trường đã vận động cha mẹ học sinh, tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp để tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường; tặng học bổng, sách vở, áo quần... giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn được sở và phòng GD-ĐT quan tâm. Các đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng khuôn viên trường; xây dựng mới, tu sửa nâng cấp phòng học, phòng chức năng theo hướng đạt chuẩn. Kết thúc năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 91 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó bậc mầm non 19 trường, tiểu học 43 trường, THCS 19 trường, THPT 10 trường.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên

Cuối năm học 2014-2015, toàn ngành GD-ĐT tỉnh có 16.954 biên chế, gồm 1.207 cán bộ quản lý, 13.064 giáo viên và 2.683 nhân viên. Số công chức, viên chức trình độ đạt chuẩn trở lên là 16.845 người, chiếm 99,39%, trong đó số có trình độ trên chuẩn là 7.856 người, đạt 46,34%. Hiện ngành giáo dục có nhiều cán bộ trình độ cao nhất tỉnh với 107 tiến sĩ và thạc sĩ, 6.787 người có trình độ đại học, còn lại là trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. So với năm 2011 đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành tăng 2.619 người.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên luôn được tỉnh và ngành quan tâm. Năm học vừa qua, Sở GD-ĐT đã tham mưu cử 32 cán bộ, công chức, viên chức đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng; cử 3 người dự lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, 4 người dự lớp chuyên viên chính, 2 người nghiên cứu sinh, 32 người học cao học, 1 người học nâng cao năng lực ngôn ngữ theo chương trình học bổng của Chính phủ Mỹ, 8 người học đại học quốc phòng - an ninh, 2 người học cao cấp lý luận chính trị và 85 cán bộ, viên chức học trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại tỉnh. Trong năm học, sở đã mở 2 lớp/135 học viên bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư - lưu trữ cho nhân viên làm công tác văn thư; 2 lớp/74 học viên bồi dưỡng kế toán trưởng cho nhân viên kế toán của các đơn vị.

Và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Những năm gần đây, việc nâng cao chất lượng giáo dục luôn gắn với đổi mới quản lý, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Qua đó, việc tự kiểm tra, tự đánh giá được các đơn vị thực hiện nghiêm, mang lại hiệu quả thiết thực. Các chương trình, đề án về đổi mới giáo dục được thực hiện hiệu quả và nhân rộng trên toàn tỉnh. Chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi ngày càng tăng. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT hằng năm đạt trên 99%. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã có 183 học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia.

Năm học vừa qua, bậc tiểu học tiếp tục thực hiện Dự án mô hình trường học mới tại 28 trường và tổ chức nhân rộng mô hình VNEN ở 16 trường. Qua thời gian đầu bỡ ngỡ, hiện giáo viên và học sinh đã thích nghi với môi trường học tập này. Toàn tỉnh có 122 trường, 991 lớp và 30.299 học sinh được học tiếng Anh tiểu học. Các trường tiểu học còn dạy Tin học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 theo hình thức tự chọn. Toàn tỉnh hiện có 316 lớp/25 trường với 11.464 học sinh học môn Tin học.

Ở bậc THCS, hiện có 43/106 trường có lớp học 2 buổi/ngày với 358/1.868 lớp, 12.151/59.806 học sinh, chiếm 20,32%, tăng 9,61% so với năm học trước. Bậc THPT có 23/33 trường có lớp học 2 buổi/ngày với 466/815 lớp và 15.161/25.267 học sinh, chiếm 60%, tăng 18,7% so với năm học trước. Việc ngày càng có nhiều học sinh được học 2 buổi/ngày đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học.

Năm học 2014-2015, Bình Phước có 48 học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia, gồm 9 giải nhì, 15 giải ba và 24 giải khuyến khích. Trong cuộc thi học sinh giỏi trên máy tính Casio cấp tỉnh dành cho học sinh THCS và THPT, có 243 học sinh được công nhận đạt giải; 14/30 học sinh dự thi cấp khu vực đạt giải. Tại Đại hội thể dục - thể thao và Hội thao quốc phòng - an ninh năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT đã trao 293 giải nhất, 293 giải nhì, 457 giải ba cho các em đạt thành tích trong thi đấu.     

Với một tỉnh có số dân không đông, kinh tế còn khó khăn nhưng Bình Phước đã đầu tư  xây dựng 2 trường THPT chuyên, 2 trường THPT Dân tộc nội trú. Điều đó cho thấy, quan điểm và quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh đối với sự nghiệp GD-ĐT.

Trong 4 chỉ tiêu quan trọng của ngành GD-ĐT tỉnh đến năm 2020, ngành tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó tiếp tục triển khai đề án dạy ngoại ngữ trong các trường học; phấn đấu đến năm 2020 có 25% trường học đạt chuẩn quốc gia. Để đạt được các chỉ tiêu này, ngành tiếp tục quan tâm đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, phấn đấu 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
85530

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu