Thứ 6, 29/03/2024 00:06:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:36, 09/02/2016 GMT+7

“Cao su là cả cuộc đời tôi”

Thứ 3, 09/02/2016 | 15:36:00 206 lượt xem
BP - Được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, chị Võ Thị Hà, tổ 1, đội 4, Nông trường 2, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh vinh dự là công nhân duy nhất của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và là đại biểu của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX vừa diễn ra tại thủ đô Hà Nội trong 2 ngày 6 và 7-12.

CÔNG NHÂN CAO SU DUY NHẤT

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã tôn vinh 103 tập thể, 383 cá nhân. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam có 1 tập thể, 5 cá nhân được tôn vinh, trong đó duy nhất chị Võ Thị Hà, 45 tuổi, là công nhân cạo mủ cao su, còn lại 4 cán bộ lãnh đạo các cấp của tập đoàn được tuyên dương. Tại đại hội, chị Hà vinh dự là 1 trong 3 gương điển hình lên giao lưu trực tiếp trên sân khấu và cùng 85 cá nhân tiêu biểu được mời vào Phủ chủ tịch gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Đại hội lần này, chị Hà lần thứ 2 vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Những ngày cuối năm, tôi gặp chị trên lô khi đang trong giờ tận thu mủ cuối ngày. Niềm vui tràn ngập trên khuôn mặt phúc hậu của nữ công nhân gần 27 năm gắn bó với nghề. Chị nhớ lại lần đi dự Đại hội Thi đua yêu nước của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Khi được mời lên sân khấu để giao lưu, tôi xúc động, run quá nên không nghe rõ câu hỏi của cô gái dẫn chương trình. Khi vào Phủ chủ tịch, gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, được chụp hình chung với Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, niềm tự hào và hạnh phúc của người công nhân cao su được nhân lên gấp bội”.

“Chị Hà là công nhân cạo mủ lớn tuổi nhất ở nông trường nhưng kiểm tra kỹ thuật luôn đạt xuất sắc. Chị cũng là công nhân cạo mủ duy nhất làm tất cả công việc trên lô mà không có người phụ. Vườn cây cao su là cả cuộc đời chị, bởi thời gian của chị ở trên lô là chủ yếu”.

Đội trưởng Đội 4 Lê Quang Trường

Nhà chị nằm lọt thỏm giữa làng 7 - làng Công tra thời đồn điền cao su của Pháp, thuộc biên giới thôn Thạnh Đông, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh. Vợ chồng chị đều là công nhân cao su. Gần 27 năm theo nghề cạo mủ, 13 năm chị là chiến sĩ thi đua. Ngôi nhà xây ấm áp, treo kín bằng khen, huân chương. Năm 2007, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen và là 1 trong 2 đại biểu tiêu biểu của tập đoàn tham dự hội nghị phụ nữ tài năng thời kỳ đổi mới tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

LÔ CAO SU LÀ NHÀ

Chiều cuối năm, mâm cơm của gia đình chị Hà ấm áp hơn bởi có thêm con gái, cháu ngoại gần 3 tháng tuổi. Chồng chị Hà là anh Võ Văn Hùng (51 tuổi) nhẩm tính chỉ còn 18 tháng nữa là vợ được cầm sổ hưu. Nhớ về những ngày đầu là công nhân trồng mới, 5 giờ sáng chị đã ra lô, giữa trưa không một bóng cây dù đang trong tuổi sung sức lao động nhưng vẫn khó “nuốt trôi” nắm cơm nén chặt trong mo cau. 27 năm sau, khoảng 150 công nhân của 2 đội trồng mới “rơi rụng” dần chỉ còn 3 chị em nhà chị Hà. Vượt qua “giai đoạn khổ” để gắn bó với nghề, nay con gái Võ Thị Hà Trâm (24 tuổi) là kế toán kho uy tín của một doanh nghiệp ở Bình Dương. Con trai Võ Văn Trí (20 tuổi) chuẩn bị tốt nghiệp Trường cao đẳng Việt Khoa.

“Nhờ gắn bó với nghề cạo mủ trong suốt cuộc đời mà vợ chồng tôi nuôi 2 con ăn học, trưởng thành và mua được mảnh vườn để khi về hưu có nơi lao động”.

Chị Võ Thị Hà

“26 năm theo nghề cạo mủ, chị Hà cũng đã trải qua những thời điểm thăng trầm, khổ cực do giá mủ cao su bán không bù nổi giá thành sản xuất, tiền lương công nhân chỉ được tính bằng gạo, ngày công lao động, tiền thưởng đủ mua vài ký gạo nếp, thịt cho ngày tết cổ truyền. Những thời điểm đó, thu nhập của người trồng tiêu ở Lộc Ninh cao hơn rất nhiều so với công nhân cạo mủ. Nhiều công nhân không bám nổi nghề đã bỏ vườn cây ra ngoài làm ăn.

Chị Hà bộc bạch: “Vợ chồng đều là công nhân, có khi cũng nản lòng. Nhưng rồi nghĩ nông trường là nơi nương tựa để mình sống, trưởng thành nên chúng tôi quyết định ở lại với niềm hy vọng giá mủ cao su sẽ có ngày tăng như các mặt hàng nông sản khác”.

Chung thủy với nghề cạo mủ, chị Hà không ngừng rèn luyện tay nghề giỏi, cạo đúng kỹ thuật, chắt chiu từng giọt mủ, bảo đảm ngày công, chất lượng sản phẩm để có năng suất, sản lượng cao, hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Chỉ riêng 5 năm qua, chị Hà khai thác 36.399 tấn mủ, vượt chỉ tiêu được giao 12% mỗi năm.

TRUYỀN ĐAM MÊ CHO NHIỀU THẾ HỆ

Đội trưởng Lê Quang Trường cho biết, chị Hà không chỉ là công nhân có tay nghề giỏi, yêu nghề mà còn là người thầy của hàng trăm công nhân trẻ. Làng 7, nơi gia đình chị sinh sống có trên 70% hộ là công nhân cao su nông trường, 100% công nhân trẻ đều qua lớp đào tạo nghề trực tiếp của chị Hà. Không chỉ dạy nghề, chị còn truyền cả lòng yêu nghề, gắn bó với công việc cạo mủ cho lớp công nhân trẻ. Nhiều công nhân qua học nghề cạo mủ trực tiếp từ chị Hà đã giành được nhiều giải ở hội thi thợ cạo mủ giỏi. Điển hình như  Trương Vũ Ka, 2 lần đoạt giải nhì và ba hội thi cấp công ty (2012, 2014); Lê Thị Mai Thảo, công nhân cạo mủ giỏi xuất sắc được vào Đảng và nay là tổ trưởng.

Từ năm 2000, Công ty cao su Lộc Ninh với chính sách ưu đãi tuyển dụng công nhân dân tộc S’tiêng, Khơme ở các xã có vườn cây nông trường đứng chân. Chị Hà là “thầy” dạy thực hành cho hàng trăm công nhân người S’tiêng ở ấp Bù Núi, xã Lộc Tấn. Tận tình truyền nghề và lòng đam mê của chị đã giữ chân công nhân dân tộc thiểu số gắn bó với vườn cây, nông trường. Hiện Nông trường 2 có 105 công nhân người S’tiêng, chiếm 30% công nhân toàn nông trường và hơn 1/3 công nhân dân tộc thiểu số toàn công ty.

P.Hà

  • Từ khóa
40055

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu