Thứ 3, 23/04/2024 13:07:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 00:00, 08/02/2012 GMT+7

Tạo động lực cho kinh tế tập thể phát triển

Thứ 4, 08/02/2012 | 00:00:00 157 lượt xem

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), kinh tế tập thể (KTTT) giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân và hình thành sự liên kết sản xuất bền vững. Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy KTTT ở tỉnh Bình Phước phát triển mạnh và đúng hướng thì việc nâng cao nhận thức của người dân cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị hữu quan cần được chú trọng hơn nữa.

VAI TRÒ QUAN TRỌNG

Thời gian qua, trước những thay đổi mạnh mẽ của thực tiễn sản xuất và những yêu cầu của chương trình phát triển tam nông, các hình thức KTTT, nhất là kinh tế hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại Bình Phước đã có những đổi thay mạnh mẽ. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 91 HTX, tăng 5,8% so với năm 2010, với 5.270 xã viên và 4.479 lao động. Tổng số vốn điều lệ 70.108 triệu đồng. Trong đó có 73 HTX nông nghiệp, 8 HTX giao thông vận tải, 3 HTX thương mại, 3 HTX xây dựng, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 4 quỹ tín dụng nhân dân. Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh có 4.774 tổ hợp tác, với 105.294 thành viên và 45.651 lao động tham gia.

Sản xuất nông nghiệp đang là thế mạnh của các HTX ở Bình Phước

Ông Trần Văn Phụng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, tuy các HTX đã có thay đổi nhưng nhiều HTX nông nghiệp ở Bình Phước vẫn còn một số khó khăn. Như mô hình các CLB, tổ hợp tác chủ yếu là thuần nông; ý thức thực hiện quyền và nghĩa vụ của một số HTX còn thấp, nguồn vốn còn quá ít; trình độ quản lý còn nhiều hạn chế; trong định hướng hoạt động, việc lập phương án sản xuất - kinh doanh và tài sản bảo đảm vốn vay ở một số HTX chưa đáp ứng yêu cầu; việc áp dụng và đưa khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế...

Bình Phước đã chọn 20 xã để xây dựng NTM đến năm 2020. Trong các tiêu chí về xã NTM thì việc cần thiết phải có các hình thức phát triển KTTT là một trong những tiêu chí đóng vai trò quan trọng. Thực tế trong thời gian qua, việc phát triển KTTT đã được các cấp, các ngành chú trọng, vì đây chính là hình thức kinh tế quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc phát triển NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Chính vì vậy, việc phát triển các hình thức KTTT được nhiều người quan tâm. “Việc phát triển KTTT hiệu quả chính là nền tảng cơ bản cho việc thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Bình Phước. Tuy nhiên, để người dân nông thôn nhận thức đúng đắn việc phát triển KTTT theo chiều sâu và có hiệu quả thì cần phải có một khoảng thời gian cũng như các bước đi phù hợp”, ông Phụng nói.

CẦN ĐỔI MỚI MẠNH MẼ

Có thể thấy với những tập quán sản xuất cũ manh mún nhỏ lẻ thì việc kêu gọi nông dân liên kết trong sản xuất hình thành nên KTTT là rất khó. Để thúc đẩy KTTT phát triển bền vững, góp phần nâng cao mức sống của người dân cũng như tạo động lực để xây dựng thành công xã NTM thì việc thông tin, tuyên truyền để mọi người dân nhận thức đúng vai trò, nội dung và mục tiêu của hoạt động KTTT cần được đẩy mạnh hơn nữa. Phải làm cho mọi người tự nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ và tự nguyện tham gia vào HTX; phải có sự bàn bạc dân chủ và tính toán cho công bằng, hợp lý trong quá trình hình thành và tổ chức sản xuất. Ví như ở xã Phú Văn có các nghề nuôi cá nước ngọt, nuôi bò cũng như hoạt động nông trại cao su có tiềm năng phát triển nhưng việc liên kết sản xuất trong nông dân còn yếu nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu trong quá trình xây dựng xã NTM, Phú Văn hình thành được các tổ hợp tác hoặc các HTX nông nghiệp thì đó chính là động lực để xây dựng thành công xã NTM cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Phụng nói thêm: Ở tỉnh ta hiện nay, các HTX kiểu cũ cơ bản đã được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2003. Việc chuyển đổi khu vực kinh tế tập thể đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo có đất sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhận thức về vị trí và vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong nền kinh tế quốc dân của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân còn nhiều hạn chế, nhất là với mô hình HTX kiểu cũ dẫn tới thiếu quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển. Ngoài hạn chế về mặt nhận thức còn hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức, quản lý và sản xuất - kinh doanh của cán bộ, xã viên và người lao động trong các HTX”.

Để củng cố và đẩy mạnh tiến độ phát triển, KTTT trong thời gian tới, ông Phụng cho rằng, có 2 vấn đề cốt lõi cần tập trung giải quyết: Đó là đổi mới mạnh mẽ về tư duy kinh tế hợp tác và HTX theo hướng chỉ hợp tác với nhau ở những lĩnh vực mà mỗi con người, gia đình, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp... thật sự có nhu cầu. Ở lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân cần hợp tác với nhà khoa học để được hướng dẫn, lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì, đào tạo tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả; hợp tác với doanh nghiệp để giải quyết đầu vào (vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, khâu làm đất...) và giải quyết đầu ra cho sản phẩm (chế biến, tiêu thụ, thông tin giá cả thị trường). Trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng vậy, tìm những lĩnh vực mà thực sự con người có nhu cầu. Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ về mô hình kinh tế hợp tác và HTX. “Mỗi nông dân riêng lẻ chỉ vài sào, vài ha đất không thể sản xuất lớn, nhiều nông dân hợp tác lại với nhau thành tổ hợp tác, HTX, những nông trường, công ty lớn mới có điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn được. Mỗi doanh nghiệp nhỏ lẻ không đủ vốn liếng, không có điều kiện đầu tư trang thiết bị hiện đại, mà nhiều doanh nghiệp hợp tác lại thành tập đoàn kinh tế mạnh mới đủ sức thực hiện các công trình to lớn trong tỉnh, trong nước và xuyên quốc gia”, ông Trần Văn Phụng nói.

Liêm - Phong

  • Từ khóa
43812

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu