Thứ 6, 29/03/2024 22:58:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:41, 12/11/2014 GMT+7

Kém đạo đức đánh giá bằng cách nào (!?)

Thứ 4, 12/11/2014 | 10:41:00 116 lượt xem
BP - Bộ Nội vụ vừa ban hành Công văn số 4393/BNV-CCVC về việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức năm 2014. Văn bản này nêu rõ: Qua theo dõi năm 2012 và 2013, kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng năm của các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự phản ánh đầy đủ chính xác mức độ hoàn thành nhiệm vụ, kết quả thực thi công vụ, tinh thần trách nhiệm và kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ công chức, viên chức.

Vì vậy, trong thời gian chờ đợi Chính phủ ban hành nghị định quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc đánh giá, phân loại công chức theo đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Cụ thể:

Căn cứ kết quả đánh giá, các đơn vị liên quan sẽ có kế hoạch quy hoạch, bổ nhiệm, cũng như giải quyết thôi việc người không đạt yêu cầu. Theo văn bản hướng dẫn này thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ được đánh giá về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc và đặc biệt là thái độ phục vụ nhân dân...

Việc công chức, viên chức viết báo cáo kiểm điểm tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao và tự nhận xét ưu, nhược điểm trong công tác; tập thể nơi viên chức quản lý làm việc tổ chức họp và đóng góp ý kiến hàng năm là chuyện không mới, chỉ mới ở chỗ người có thẩm quyền bổ nhiệm chịu trách nhiệm đánh giá, quyết định xếp loại và thông báo đến viên chức.

Bao lâu nay, năng lực của công chức, viên chức rất dễ thấy thông qua chuyên môn, nghiệp vụ nhưng đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc và đặc biệt là thái độ phục vụ nhân dân... thì thật khó đánh giá chính xác. Đơn cử, chỉ vài tháng trở lại đây, tôi nghe phản ánh không dưới 3 lần về sự bức xúc của người dân trước thái độ vô lễ, hách dịch của một người trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Người phản ánh là đương sự trong vụ án dân sự và đáng tuổi cha, chú, thậm chí gấp đôi tuổi người thi hành công vụ nhưng vẫn bị nạt nộ, dọa dẫm, nói trống không, bị đối xử như tội phạm. “Nổi tiếng” hơn là trường hợp cô P - một cán bộ thi hành án dân sự tỉnh đã chửi dân “vô duyên” cùng với thái độ thiếu chuẩn mực khiến người đến giao dịch bất bình mà báo chí đã nêu.

Thật đáng buồn, không ít người trong số đó lại được sếp khen là vui vẻ và năng nổ trong công việc. Điều đó làm không ít người nghi ngờ, biết đâu, họ là những người “trên đội, dưới đạp” nên được lãnh đạo tin tưởng, đánh giá cao nhưng thực tế thì khác xa. Vì vậy, với quy định “Người có thẩm quyền bổ nhiệm chịu trách nhiệm đánh giá, quyết định xếp loại và thông báo đến viên chức” xem ra không ổn. Vì nếu người có thẩm quyền là người thân của nhân viên hay là người biết “chiều” sếp... thì điều gì xảy ra ai cũng biết.

Và mặc dù văn bản cũng đã khẳng định, đối với những công chức, viên chức làm việc chất lượng kém có thể bố trí công tác khác, xử lý kỷ luật hoặc đưa vào diện tinh giản biên chế, giải quyết thôi việc. Tuy nhiên, sẽ vô cùng khó khăn để tìm ra những công chức không tôn trọng, thiếu đạo đức, lòng nhiệt tình khi tiếp xúc với nhân dân. 

Ngọc Tú

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu