Thứ 6, 29/03/2024 00:44:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:58, 01/06/2017 GMT+7

Kế nhỏ thắng lớn

Thứ 5, 01/06/2017 | 14:58:00 258 lượt xem

BP - Cuối thời Lê, Trịnh Giang làm việc bạo nghịch giết vua, cho nên Nguyễn Tuyển và Vũ Trác Oánh mới nhân lòng oán giận của dân mà phất cờ khởi nghĩa. Buổi đầu, Nguyễn Tuyển gặp khá nhiều thuận lợi. Vì bấy giờ ở vùng Mộ Trạch, có khởi nghĩa của Vũ Trác Oánh, ở vùng Sơn Nam có khởi nghĩa của Hoàng Công Chất... Do đó, chúa Trịnh phải phân tán lực lượng để đối phó với nhiều cuộc tấn công khác nhau.

Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, vào tháng 10-1740, Trịnh Doanh thấy đã đến lúc phải tự mình cầm đại quân đi đàn áp các cuộc khởi nghĩa ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đó quả là một quyết tâm rất lớn. Biết không thể đồng thời trấn áp tất cả cuộc khởi nghĩa, Trịnh Doanh bèn áp dụng kế sách dùng sức mạnh đại binh của triều đình nhằm lần lượt đè bẹp từng cuộc khởi nghĩa, cuối cùng là đè bẹp tất cả.

Minh họa: S.H

Tháng 11-1740, đại binh của Trịnh Doanh đóng tại khu vực Vũ Điện (Vũ Điện là tên làng, xưa thuộc huyện Nam Xang, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), sau đó chuyển sang đóng tại Hiến Doanh (Hiến Doanh tức Phố Hiến, nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Mục tiêu đầu tiên của Trịnh Doanh là khép kín vòng vây, tiêu diệt bằng được lực lượng của Vũ Đình Dung ở Ngân Già. Đồng thời, lấy chiến thắng Ngân Già cổ vũ quân sĩ xông lên đánh thắng lực lượng Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ.

Đại quân của Trịnh Doanh do các tướng Đinh Văn Giai, Nguyễn Đình Hoàn, Vũ Tất Thận và Trương Khuông làm tiên phong đã tấn công rất quyết liệt vào Ngân Già. Nghĩa quân Vũ Đình Dung tuy chiến đấu rất ngoan cường nhưng không sao chống đỡ nổi. Trịnh Doanh chiếm được Ngân Già, giết hại không biết bao nhiêu người ở đây, sau đó sai đổi gọi Ngân Già là Lai Cách. 

Mất Ngân Già, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ mất hẳn một lực lượng liên minh, một chỗ dựa hết sức quan trọng. Trước tình thế đó, hai ông cho rằng, nếu đánh nhau với Trịnh Doanh vào lúc Trịnh Doanh đang có đủ trong tay cả binh hùng lẫn tướng mạnh, thì thật khó giành được thắng lợi. Hai ông quyết định dùng kế nghi binh, buộc Trịnh Doanh phải lập tức quay về kinh thành Thăng Long. Nguyễn Cừ được lệnh cùng tướng Trần Diệu đem một cánh quân nhỏ tiến thẳng vào Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). Cánh quân này vừa tiến vừa nói phao lên rằng, sẽ đánh thẳng vào tận kinh thành Thăng Long. Lúc này, đại quân đã đi xa, Thăng Long đang trống rỗng, khả năng chống trả bị suy giảm rất nghiêm trọng.

Khi ấy, mẹ của Trịnh Doanh là bà Thái phi Vũ thị liền sai viên tỳ tướng là Trịnh Đạc phân chia lực lượng trong số quân sĩ ít ỏi còn lại ở trong cung đi trấn giữ các cửa thành, đồng thời sai các quan văn như Phạm Kinh Vĩ (đỗ tiến sĩ năm 1724), Nguyễn Bá Quýnh (đỗ tiến sĩ năm 1733)... huy động dân ra phía ngoài thành, xếp thành đội ngũ chỉnh tề để nghi binh, xong thì cấp báo cho Trịnh Doanh biết rõ tình thế trong kinh thành.

Lúc ấy, Trịnh Doanh vừa đánh dẹp được Ngân Già, nghe tin cấp báo từ kinh thành Thăng Long chuyển đến thì vội vã hạ lệnh cho các đạo quân phải về Thăng Long để cứu lấy đất căn bản. Nhưng khi đại quân mới về đến xã Kim Lan thì quân của Nguyễn Cừ đã rút lui rồi. Kinh sư nhờ đó vẫn được yên ổn. Đến đây thì kế hoạch lớn của Trịnh Doanh kể như sụp đổ hoàn toàn. Lực lượng của nghĩa quân Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ cùng với vùng căn cứ rộng lớn vẫn được bảo toàn. Sử cũ có nói đến trận thắng của quân Trịnh Doanh tại vùng Ngân Già và Phao Sơn do tướng giữ chức Thống lãnh là Hoàng Nghĩa Bá chỉ huy nhưng đó chỉ là chiến thắng nhỏ, không có ý nghĩa làm thay đổi, dù chỉ là thay đổi một phần tương quan thế trận giữa đôi bên.

Lời bàn:

Theo sử cũ còn lưu lại đến ngày nay, từ tháng 12-1739 đến tháng 7-1741, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ đã có công tập hợp, huy động sức mạnh của hàng vạn nông dân nghèo khổ vùng lên tấn công không khoan nhượng vào toàn bộ cơ đồ thống trị của họ Trịnh ở đàng Ngoài. Từ quê hương Ninh Xá của mình, hai ông đã kiên trì nhen nhóm và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh chống áp bức bóc lột khắp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng rộng lớn. Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ thực sự xứng đáng là người đại diện xuất sắc của ý chí ngoan cường, bất khuất, xứng đáng được tôn vinh là những vị anh hùng nông dân của thế kỷ XVIII.

Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ, cùng với cháu là Nguyễn Diên, không chỉ là những điểm hội tụ của khí phách hiên ngang mà còn là hiện thân độc đáo của tài mưu lược. Chính Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ, những người chưa từng học qua một trường đào tạo võ quan nào nhưng đã khiến hàng loạt tướng lĩnh cao cấp, được đào tạo chính quy của họ Trịnh, kể cả chính chúa Trịnh Doanh, phải bao phen thất điên bát đảo. Thống lĩnh Nguyễn Trọng Uông và Đốc đồng Trần Viêm tử trận, Đốc lãnh Đặng Đình Luận cùng 2 quan Hiệp đồng là tiến sĩ Trần Trọng Liêu và bảng nhãn Nhữ Trọng Thai bị bắt, Trịnh Doanh cũng mắc mưu của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ mà buộc phải lui quân... Đó là những sự kiện kết tinh tài năng quân sự của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ, của những người kề vai sát cánh với 2 ông. Và chính họ là những người đã làm giàu thêm kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

N.D

  • Từ khóa
109919

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu