Thứ 6, 29/03/2024 09:01:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:40, 01/10/2014 GMT+7

Katê - lễ hội văn hóa đặc sắc của người Chăm

Thứ 4, 01/10/2014 | 08:40:00 4,430 lượt xem

BP - Katê là lễ hội truyền thống quan trọng và đặc sắc nhất của người Chăm. Lễ hội thường được tổ chức hằng năm vào đầu tháng 7 Chăm lịch (lịch của đồng bào Chăm), tức khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch. Lễ hội nhằm tưởng nhớ tổ tiên, ông bà cũng như tạ ơn các vị thần đã có công dẫn thủy nhập điền, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Katê là một lễ hội dân gian đặc sắc trong kho tàng văn hóa của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ là dịp để những người tham dự được chiêm ngưỡng các đền tháp cổ kính mà còn được thưởng thức một nền nghệ thuật ca múa nhạc dân gian với phong cách độc đáo.

KHAI QUÁT VỀ LỄ HỘI

Lễ hội diễn ra tại các đền tháp ở tất cả các plây (làng) Chăm Bà la môn thuộc 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, tập trung ở 4 địa điểm chính: tại đền thờ mẫu Pôinưgar ở làng Hữu Đức, tại miếu Pôbinthuôn ở làng Bình Nghĩa, tại Tháp Chàm Pôklongirai và tháp Pôrômê.

Đồng bào Chăm tổ chức lễ hội Katê tại đền tháp - ảnh tư liệu

Lễ hội Katê cũng bao gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi lễ cơ bản giống nhau về nội dung, nghi thức hành lễ như: đón rước y phục, mở cửa tháp, tắm tượng thần, mặc y phục cho tượng thần và đại lễ. Khi điệu múa thiêng trong tháp vừa kết thúc thì ở ngoài tháp bắt đầu mở hội. Những điệu trống ginăng và kèn saranai cùng vang lên, hòa với các điệu múa và làn điệu dân ca Chăm làm náo nức lòng người. Chiều tối ngày thứ 2, lễ hội ở các tháp Chăm kết thúc và sau đó là lễ hội Katê ở làng và từng gia đình.

Tại các làng Chăm không khí lễ hội quy mô nhỏ hơn và phần lễ cũng đơn giản hơn. Trong thời gian này, gia đình nào có điều kiện mới tổ chức, nếu gặp lúc kinh tế khó khăn thì có thể mỗi dòng họ cử một gia đình để tổ chức, không nhất thiết gia đình nào cũng phải cúng lễ Katê. Chủ lễ cúng Katê là người trong gia đình hoặc là người lớn tuổi trong tộc họ. Vào ngày này, mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ, cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh rủi ro, gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục cho các thế hệ con cháu nhớ ơn, kính trọng tổ tiên. Katê được tổ chức trong 3 ngày nhưng thực tế thường được kéo dài cả tuần để bà con người Chăm vui chơi giải trí và cầu cho một năm mùa màng tốt tươi.

NÉT ĐẶC SẮC CỦA LỄ HỘI

Đồng bào Chăm ở Bình Phước có gần 500 người, tập trung tại 2 xã Phú Riềng (Bù Gia Mập) và Thuận Phú (Đồng Phú), với gần 0,25% so các đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Nếu so sánh với các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa... thì Bình Phước không có các kỳ tích văn hóa và nền văn hóa dân gian lâu đời của người Chăm. Bởi sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tỉnh Bình Phước mới thu hút nhiều đồng bào trong cả nước đến sinh sống, xây dựng quê hương mới, trong đó có đồng bào Chăm và dệt nên nhiều sắc màu văn hóa trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Katê là một lễ hội cộng đồng với không gian rộng, phong phú, đa dạng về thể loại văn hóa. Lễ hội chứa đựng tất cả các yếu tố như phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng, âm nhạc, múa, diễn xướng và tri thức dân gian. Lễ hội thể hiện sự tổng hợp về năng lực tổ chức điều hành từ các vị chức sắc, từ cộng đồng hàng chục ngàn người cho đến tận các làng, hộ gia đình và cá nhân. Đồng bào Chăm có rất nhiều lễ hội trong năm nhưng đây là lễ hội lớn nhất, cũng có đầy đủ thực phẩm như: thịt mỡ dưa hành, heo, gà, vịt, dê, bánh, mứt, kẹo... (chỉ kiêng thịt bò). Trong những ngày lễ hội, từ các làng Chăm đến các đền tháp được tổng vệ sinh; trẻ già, trai gái mặc quần áo mới và luyện tập thể thao, văn nghệ để thi đấu và biểu diễn. (*)

Lễ hội Katê của người Chăm mang giá trị văn hóa đặc sắc với những nét rất riêng. Lễ hội Katê như một bảo tàng sống, thông qua nghiên cứu những đặc trưng dân gian của nó, chúng ta có thể tìm hiểu, giải mã các lớp từ văn hóa bản địa đến các lớp văn hóa tiếp biến của các nền văn hóa khác, các lớp văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng rất phong phú và cũng rất huyền bí trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa Chămpa ở miền Trung nước ta.

Đức Hồng
(*) Bài viết có tham khảo các tài liệu

  • Từ khóa
87978

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu