Thứ 6, 29/03/2024 01:44:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:00, 15/01/2019 GMT+7

Hy vọng với giấy chứng nhận sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ 3, 15/01/2019 | 08:00:00 185 lượt xem
BP - Số liệu báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018, đề ra nhiệm vụ năm 2019 của Hội Nông dân tỉnh ngày 11-1 cho biết: Năm 2018, có 28.110 trên tổng số 47.514 hộ hội viên nông dân toàn tỉnh đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có 1.336 hộ giỏi cấp tỉnh, 85 hộ giỏi cấp trung ương. Con số này của giai đoạn 2013-2018 bình quân hằng năm có 27.000 hộ hội viên... Qua đó cho thấy, hằng năm có khoảng 55-60% số hộ hội viên nông dân, tương đương khoảng 50% số hộ nông dân, trong toàn tỉnh được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, gồm từ cấp xã, đến cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương.

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Trong lời kêu gọi, Người đặc biệt coi trọng mục đích của thi đua, yêu cầu thi đua phải toàn diện, cụ thể và phong trào phải “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và trong mọi tầng lớp nhân dân”. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập, tự do - cũng là niềm khát vọng của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, lời kêu gọi của Người đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi - được viết tắt từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng - là một trong 3 phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989. Đến nay, phong trào đã phát triển sâu rộng trong cả nước, thu hút đông hội viên và nông dân tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, tăng thêm hộ nông dân khá, giàu. Như số liệu đã dẫn ở Bình Phước, số hộ - hay hội viên nông dân được công nhận “sản xuất, kinh doanh giỏi” ngày một tăng, nay đã chiếm khoảng một nửa trong tổng số hộ nông dân. Nông dân hay bất kỳ giai cấp, tầng lớp, đối tượng nào trong xã hội giỏi lên đều là tin đáng mừng. Vì đơn giản như giao 1 ha đất hay 50 triệu đồng (là nguồn lực của xã hội) làm vốn cho một nhà nông giỏi với một người lười biếng, kém cỏi sẽ giải đáp được điều đó.

Song qua các con số cũng đặt ra một vấn đề khác: Vì sao nông dân giỏi nhiều như thế, nhưng mặt bằng đời sống của nông dân, ở nông thôn vẫn còn thấp, thậm chí nếu không muốn nói là rất thấp so các đối tượng khác, khu vực khác trong cả nước (chứ chưa nói tới so với các nước có nền nông nghiệp phát triển)? Dẫn tới động viên, khuyến khích hay tạo ra áp lực, nhìn thẳng vào thực tế, khơi dậy ý chí hoặc có thể là sự tự ti, nhu nhược... phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, mức độ khéo léo của các phong trào thi đua, cụ thể hơn là những người dẫn dắt phong trào thi đua. Đặc biệt với người có văn hóa riêng đậm đặc, có thói quen “hơn - thua”... lại càng khó hơn.

Phong trào thi đua hay bất kỳ phong trào nào cũng vậy, chỉ có thể thực sự sống trong đời sống xã hội khi nó ở trong tâm trí của người dân, của những người tham gia phong trào và tạo ra cho họ động lực để lao động, sản xuất, kinh doanh... Để có được điều đó, đầu tiên không thể thiếu là chữ “THẬT”. Nếu không “thật”, thì cho dù có con số “đẹp” đến mấy cũng không có giá trị trong thực tế. Hy vọng tờ giấy chứng nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi không rơi vào trường hợp như thế.

Trần Phương

  • Từ khóa
109031

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu