Thứ 5, 28/03/2024 21:02:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:27, 24/06/2016 GMT+7

Hy vọng từ một bộ luật

Thứ 6, 24/06/2016 | 10:27:00 94 lượt xem

BP - Thời gian gần đây, phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin, bài về các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ môi trường. Tần suất và các hành vi vi phạm ngày càng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp hơn. Dù các vi phạm được phát hiện đều bị xử phạt, tuy nhiên, dư luận cho rằng, sai phạm và mức xử phạt chưa tương xứng, còn thiếu tính răn đe. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp vi phạm về xả thải ra môi trường nhiều lần nhưng chỉ bị phạt hoặc đình chỉ hoạt động trong thời gian ngắn... Điều đó cho thấy sự bất cập, chồng chéo của Luật Bảo vệ môi trường và Bộ luật Hình sự cũng như các văn bản dưới luật.

Tại Bình Phước, chỉ trong 3 tháng mở đường dây nóng, Tỉnh ủy đã nhận được 11 tin phản ánh việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, trong đó có 4 doanh nghiệp, tổ chức và 7 cá nhân. Xin lấy ví dụ về vụ ô nhiễm môi trường tại nhà máy xử lý chất thải của Công ty TNHH công nghệ môi trường Bình Phước Xanh ở ấp 5, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành. Mặc dù Bộ Tài nguyên - Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng qua kiểm tra thực tế của Công an tỉnh, nước thải không chảy vào hệ thống bể chứa mà xả ra môi trường thông qua hệ thống ống cống bằng bê tông chôn lấp dưới lòng đất rồi chảy ra suối Nghiên. Vì vậy, nguồn nước tại suối Nghiên có màu trắng đục và hôi như mùi thuốc bảo vệ thực vật; cây, cỏ hai bên bờ khu vực nước thải chảy qua có dấu hiệu bị chết. Qua điều tra và tài liệu xác minh, Công an tỉnh xác định công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Xả nước thải, khí thải ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Công an tỉnh đã lập biên bản, yêu cầu công ty ký cam kết khắc phục hậu quả trong 1 tháng (kể từ ngày 5-6 đến 5-7-2016).

Trước đó, ngày 3-6-2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 264,7 triệu đồng đối với Công ty liên doanh Medevice 3S ở khu phố 5, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành do xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. Đồng thời, buộc công ty trong 3 tháng, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do công ty gây ra.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có sự phân cấp chức năng, nhiệm vụ tham gia quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, những vụ việc đã, đang xảy ra, nhất là vụ Công ty TNHH Vedan ở tỉnh Đồng Nai cho thấy, tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phân cấp quản lý nói chung và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường các dự án đầu tư nói riêng. Bên cạnh đó, hoạt động thanh - kiểm tra tuy được triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt khi các vi phạm này đang ngày càng tinh vi, phức tạp dưới nhiều hình thức. Việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, chịu trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước không rõ ràng dẫn đến chưa có cá nhân hoặc người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức nào bị xử phạt.

Được biết, từ ngày 1-7-2016, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi có hiệu lực thi hành có nhiều điểm mới, trong đó có sửa đổi cấu thành tội phạm về môi trường, cụ thể hóa các hành vi, quy định mức định lượng vi phạm cụ thể, mở rộng phạm vi áp dụng, nâng mức phạt tiền, bổ sung trách nhiệm hình sự về các pháp nhân đối với một số tội phạm môi trường. Hy vọng, khi đưa vào cuộc sống, Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ môi trường.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu