Thứ 7, 20/04/2024 09:40:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:19, 11/05/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 60 NĂM ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH (1959-2019)

Huyền thoại một tuyến đường

Thứ 7, 11/05/2019 | 08:19:00 3,206 lượt xem

BP - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có 2 con đường mang tên Bác Hồ kính yêu và đã trở thành huyền thoại, tô thắm những trang sử vàng của dân tộc ta. Đó là đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Đường Trường Sơn là con đường thể hiện sức mạnh ý chí và niềm tin quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một hệ thống giao thông, liên lạc, đường ống xăng dầu trải hàng ngàn kilômét từ Nghệ An đến Bình Phước. Mỗi mét đường, mỗi cây cỏ đều thấm đượm mồ hôi, xương máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ đã mãi mãi nằm xuống nơi đây. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân, làm nên con đường lịch sử, vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

NHỮNG NGƯỜI LÀM NÊN CON ĐƯỜNG

Thống kê cho thấy, tính đến ngày thống nhất đất nước (30-4-1975) có 120.000 người, gồm lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã làm nên đường Trường Sơn huyền thoại. Tuyến đường vươn đến các chiến trường miền Nam với tổng chiều dài hơn 20.000km đường ôtô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140km “đường kín” để xe chạy ban ngày tránh máy bay địch và hàng ngàn cầu, cống ngầm... 16 năm hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt (1959-1975), hệ thống hậu cần đường Trường Sơn huyền thoại đã chuyển hàng triệu tấn hàng và vũ khí vào các chiến trường miền Nam, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra miền Bắc.

Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ - Ảnh tư liệu

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa 44 năm, nhưng để làm nên chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975 có sự đóng góp vô cùng to lớn của tuyến đường vận tải quân sự Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Đã có rất nhiều tên tuổi của các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân dọc tuyến đường làm nên sự huyền thoại này. Cách đây 60 năm, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Thượng tá Võ Bẩm thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” để mở đường Trường Sơn. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Võ Bẩm (1915-2008) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Xy (1924-2004) là những người tiên phong, có công đặc biệt trong việc mở con đường huyền thoại này. 8 năm sau (1959-1967), Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tiếp nhận vị trí Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559). Tiếp bước chiến công của lớp người đi trước, trong thời gian tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh, đường Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ trở thành tuyến giao thông vận tải chiến lược với cả hệ thống được mệnh danh là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Con đường này lúc cao điểm nhất có hơn 120.000 người, trong đó có hơn 1 vạn là lực lượng thanh niên xung phong, phiên chế thành 8 sư đoàn và 1 sư đoàn cao xạ tên lửa phối hợp. 

Suốt 16 năm, Trường Sơn đã trở thành nơi đối đầu giữa ý chí gang thép, lòng quả cảm, trí tuệ của con người Việt Nam với đạn bom, chất độc hóa học của đế quốc Mỹ. Những người làm nên hệ thống giao thông chiến lược này đã phải hứng chịu hơn 7,5 triệu quả bom phá, bom sát thương và hàng triệu quả mìn các loại của đế quốc Mỹ ném xuống. Bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn đã san lấp 78.000 hố bom, phá hơn 20 ngàn quả bom nổ chậm và bom từ trường, hơn 85.000 mìn các loại, đào đắp đất đá gần 30 triệu mét khối...

MẠCH MÁU XĂNG DẦU

Men theo dãy Trường Sơn, đã hình thành hệ thống đường trục dọc, trục ngang, đường bộ, đường sông và đặc biệt là tuyến đường ống xăng dầu, dài 5.000km, cùng hệ thống kho xăng dầu gần 30 ngàn tấn từ biên giới phía Bắc của Tổ quốc xuyên dọc Trường Sơn vào đến Bù Gia Mập (Bình Phước). Bù Gia Mập là điểm cuối cùng đường ống dẫn xăng dầu Bắc - Nam. Từ đây, nguồn xăng dầu được chở bằng xe bồn (hoàn toàn bí mật) về các bồn xăng là các kho nhiên liệu VK98, VK99 ở Lộc Ninh.

Các nữ thanh niên xung phong đang lắp đặt một đoạn của đường ống dẫn dầu Trường Sơn vào năm 1969 - Ảnh tư liệu

Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu gọi là VK96 (trước đó là những ký hiệu K22, Ô30, sau này sử dụng mật danh VK). VK96 nằm trên địa bàn xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, được bộ đội đường ống Trường Sơn xây dựng từ năm 1968-1974. VK96 trải qua quãng đường dài hơn 1.400km với 115 trạm bơm đẩy đường ống xăng dầu. Di tích hiện nay chỉ còn lại dấu tích của các hố chôn bồn và rãnh chôn đường ống. Trên địa bàn huyện Lộc Ninh là bồn xăng kho nhiên liệu VK98 (Lộc Quang), VK99 (Lộc Hòa) được xây dựng từ năm 1974. Xăng, dầu được bơm vào đường ống nối từ miền Bắc, qua các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vào đến Bù Gia Mập. Sau đó, nguồn xăng dầu này được chở bằng xe bồn đến các kho xăng dầu ở Lộc Hòa (10 bồn), Lộc Quang (7 bồn). Tại đây có 1 đại đội vận chuyển nhiên liệu cung cấp cho các chiến trường phục vụ chiến đấu. Việc xây dựng tổng kho và vận chuyển xăng dầu về đây trong thời kỳ chiến tranh được giữ bí mật hoàn toàn, không người dân nào sống trong khu vực này hay biết. VK96 ở Bù Gia Mập và các bồn xăng VK98, VK99 ở Lộc Ninh chính là những nơi ghi dấu chiến công to lớn và thầm lặng của các lực lượng, trong đó có sự đóng góp to lớn của quân và dân tỉnh Bình Phước. Trong số những huyền thoại trên con đường Trường Sơn lịch sử, hệ thống đường ống dẫn dầu là một trong những kỳ tích đáng nể của Đoàn 559. Đây là một trong 3 hệ thống chủ lực của đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh lịch sử. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng nói: “Nếu đường Hồ Chí Minh là một huyền thoại thì đường ống dẫn dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trường Sơn không chỉ là dãy núi hùng vĩ, mà còn ẩn chứa một khí thế hào hùng, một sức mạnh không gì ngăn cản của điệp trùng bàn chân người Việt Nam ra trận, với hào khí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Hệ thống tuyến đường ống dẫn xăng dầu - đường Trường Sơn, con đường nối liền Nam - Bắc gắn với bao chiến công hào hùng của toàn dân tộc trong những năm tháng kháng chiến mãi mãi là niềm tự hào to lớn, cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. (*)

Hà Thanh
(*) Bài viết sử dụng các nguồn tư liệu

  • Từ khóa
27543

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu