Thứ 6, 29/03/2024 08:46:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:59, 30/08/2014 GMT+7

Huyện Bù Gia Mập xóa nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS

Thứ 7, 30/08/2014 | 08:59:00 224 lượt xem
BP - Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Điểu Mun, Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) không giấu được niềm phấn khởi. Năm trước, đời sống của người dân trong xã, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn nhiều khó khăn, nhưng hiện đã thay đổi rõ rệt. Ông Điểu Mun cho biết: Trước đây, đồng bào thường ỷ vào Nhà nước, không chịu làm ăn. Mấy năm trở lại đây, đồng bào đã hiểu phải tự vươn lên, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cùng địa phương xóa hủ tục lạc hậu để thoát nghèo.

Một góc khu định canh, định cư xã Đắk Ơ

 
Khi mới thành lập, huyện Bù Gia Mập có trên 3.100 hộ, trong đó hơn 1.800 hộ DTTS nghèo, chiếm 58,7%. Đến cuối năm 2013, số hộ nghèo trên địa bàn còn 2.900 hộ, trong đó hộ DTTS là 1.500. So một số huyện, thị khác, kết quả mà huyện Bù Gia Mập đạt được chưa cao nhưng nếu nhìn vào xuất phát điểm của huyện mới thấy đây là sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền và tự thân mỗi hộ dân.

Huyện Bù Gia Mập có tỷ lệ dân di cư cao nhất tỉnh. Chỉ tính 5 năm qua, huyện có 4.872 hộ với trên 20.900 người di cư đến. Điều này đặt ra nhiều áp lực bởi phần lớn các hộ di cư tới sinh sống, lập nghiệp đều nghèo khó, thiếu đất ở, đất sản xuất. Theo ông Điểu Điều, Phó chủ tịch UBND huyện, điều mà huyện tâm đắc nhất trong thời gian qua là chính sách ổn định dân di cư tự do. Huyện đã thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm ổn định dân di cư tự do, ổn định đời sống đồng bào DTTS tại chỗ với các chương trình 33, 193. Riêng Chương trình 134 về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đến nay huyện có 698 hộ được giao đất sản xuất với diện tích trên 514 ha (438 hộ sản xuất ổn định); 574 hộ được cấp đất ở với diện tích bình quân 30m2/hộ. Huyện đã nghiệm thu và bàn giao 678 căn nhà cho đồng bào DTTS.

Toàn huyện cũng có 5 xã và 4 thôn đặc biệt khó khăn được hưởng Chương trình 135 giai đoạn 2 với nguồn vốn trên 39 tỷ 400 triệu đồng. Đến nay, huyện đã giải ngân trên 33 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng...Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế cũng được triển khai, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người DTTS tại địa phương. Đặc biệt, với dự án liên kết trồng cao su trên đất 134 của đồng bào với Công ty TNHH MTV Cao su Phước Long hứa hẹn nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào DTTS.

Đến nay, huyện đã miễn giảm học phí cho 924 học sinh, sinh viên với tổng số tiền trên 3 tỷ 800 triệu đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho trên 9.600 học sinh, sinh viên với tổng số tiền 5 tỷ 368 triệu đồng. Từ năm 2009 đến nay, huyện đã cử 44 học sinh người DTTS đủ điều kiện xét tuyển đi học cao đẳng. Số sinh viên tốt nghiệp được phân công công tác phù hợp chuyên môn đào tạo, góp phần nâng tỷ lệ cán bộ người DTTS trong hệ thống chính quyền các cấp. Đến nay, số cán bộ, công chức người DTTS cấp huyện có 7 người; viên chức sự nghiệp y tế 14 người; sự nghiệp giáo dục 106 người; cấp xã 21 người. Toàn huyện có 94 thành viên hội đồng già làng, 54 người có uy tín. Đây là những hạt nhân nòng cốt để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; tuyên truyền những chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước xuống cộng đồng dân cư.

Bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào các DTTS trong huyện cũng nêu cao ý thức chủ động vươn lên. Điển hình là già làng Điểu Khinh ở thôn Bình Minh, xã Bình Sơn, người tiên phong trồng đa canh, gồm điều, cao su, tiêu và cà phê trên diện tích 6 ha đất của gia đình. 2 năm nay, trừ chi phí mỗi năm ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông còn kinh doanh xăng dầu để phục vụ đồng bào. Với ông, làm giàu không có con đường nào khác là chăm chỉ, nắm bắt thị trường và không tiêu xài hoang phí. Muốn thoát nghèo thì bà con phải tự lực cánh sinh, không được trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

 Lệ Quyên

  • Từ khóa
49741

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu