Thứ 6, 19/04/2024 16:47:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 12:56, 16/01/2015 GMT+7

Phát huy giá trị bảo mật quốc gia

Thứ 6, 16/01/2015 | 12:56:00 601 lượt xem
BPO - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 12 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 3). Như vậy, sau 3 đợt công nhận đến nay, cả nước đã có 79 bảo vật quốc gia. Những bảo vật này là di sản có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Bia Tiến sĩ

Thật đáng vinh dự, tự hào là trong số 79 bảo vật quốc gia, có 7 bảo vật là hiện vật lịch sử chiến tranh cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, bao gồm 1 khẩu pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; 2 chiếc máy bay trực thăng, 2 chiếc xe tăng, 1 sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh, 1 bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những hiện vật đặc biệt này gắn liền với những chiến công hiển hách, những thời điểm lịch sử đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.

Nếu xét ở góc độ vật chất thuần thúy, các hiện vật chỉ là vật vô tri, vô giác. Nhưng một khi các hiện vật gắn liền với số phận của một dân tộc, có quan hệ mật thiết với giai đoạn lịch sử của một cộng đồng người, đặc biệt là gắn liền với những thời khắc lịch sử đặc biệt liên quan đến vận mệnh của một quốc gia, thì các hiện vật ấy đương nhiên trở thành những “sự kiện và nhân chứng lịch sử” còn đồng hành, sống mãi với dân tộc. Vì vậy, không sợ quá lời để nói rằng, 7 hiện vật lịch sử chiến tranh cách mạng được công nhận bảo vật quốc gia là những “hiện vật biết nói”, những “pho sử sống” đã thể hiện và phản ánh chân thật, sinh động cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tất cả các hiện vật này đều nằm ở các bảo tàng. Lẽ thường theo quy luật, các hiện vật sẽ bị thời gian phủ lên một “lớp bụi” nếu chúng ta cứ để nó nằm yên một chỗ. Nhưng ngược lại, các hiện vật sẽ ngày càng tỏa sáng nếu chúng ta ngoài việc làm tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, còn phải biết cách khai thác, phát huy giá trị của nó một cách đúng lúc, đúng chỗ và hơn thế, luôn để cho các hiện vật tự thể hiện, tự chứng minh được vai trò, chiến công, chiến tích của mình trong cuộc kháng chiến chính nghĩa vĩ đại của dân tộc. Để làm được điều này, đòi hỏi các nhà quản lý di sản, các bảo tàng quân sự, các thuyết minh viên phải “thổi hồn” cho các bảo vật quốc gia bằng những câu chuyện, nhân vật, sự kiện lịch sử cụ thể, chân thật, sinh động đã gắn liền với các hiện vật ấy.

Thời gian qua, các bảo tàng quân sự ở nước ta đã có nhiều việc làm thiết thực để thu hút ngày càng đông đảo công chúng đến tham quan, tìm hiểu, học tập truyền thống lịch sử cách mạng. Tuy nhiên, công chúng vẫn mong muốn các bảo tàng quân sự phải cải tiến, đổi mới nhiều hơn nữa về hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu, quảng bá các tư liệu, hiện vật, hình ảnh quân sự. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng “làm mới” phong cách hướng dẫn, giới thiệu về các hiện vật lịch sử (trong đó có các hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia). Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam, nhất là người trẻ khi tìm đến các bảo tàng quân sự, tìm đến các bảo vật quốc gia gắn liền với lịch sử hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, không thuần túy chỉ là tiếp nhận những bài học truyền thống, mà quan trọng hơn là phải khơi dậy tình yêu lịch sử cách mạng, trân trọng sự hy sinh, cống hiến của ông cha để từ đó xác định rõ hơn vai trò, bổn phận, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
91037

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu