Thứ 6, 19/04/2024 05:31:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 10:37, 07/10/2017 GMT+7

Hương phù sa bên dòng sông Bé

Thứ 7, 07/10/2017 | 10:37:00 169 lượt xem
BP - Ông Nguyễn Văn Cự ở thôn 10, xã Long Hà (Phú Riềng) sinh ra tại tỉnh Hà Tây (cũ). Thập niên 90 của thế kỷ trước, ông theo gia đình vào Bình Phước làm kinh tế. Trải qua nhiều nghề, thành công ở nhiều lĩnh vực thế nhưng ông lại trở về là người nông dân “chính hiệu” - chủ vườn quýt tiền tỷ, để rồi cảm nhận được vị ngọt của dòng sông Bé hiền hòa.

Đầu tư trồng quýt đường

 Năm 2014, mủ cao su rớt giá mạnh, nhiều nông dân đã cưa cây, bán vườn. Lúc đó, ông Cự mua 4 ha cao su già bên bờ sông Bé. Ông thuê thợ cưa cây, xới tơi đất rồi đầu tư trồng quýt đường.

Khi mới trồng quýt, ông Cự có nhiều bỡ ngỡ. Để “ăn chắc” ông đã đến các hộ dân trồng quýt thành công trên địa bàn tỉnh học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc. “Mọi người đều nhiệt tình chia sẻ kiến thức canh tác nên tôi hoàn thành ý nguyện của mình” - ông Cự nói. Để quýt lớn nhanh, đất đai tơi xốp, ông không dùng phân bón hóa học mà tự ủ phân hữu cơ để bón cho cây. Ông mua cá tạp của chủ các ghe thuyền đánh bắt trên dòng sông Bé về ủ phân. “Cá nhỏ, ủ nhanh lại là nguồn phân bón vô hại cho đất. Cây trồng hấp thu tốt, phát triển mạnh, nhờ thế mà vườn quýt của tôi xanh tốt đều, ít sâu bệnh” - ông Cự vui vẻ.

Nâng niu những trái quýt mọng nước trên cây, ông Cự khoe:

“Vườn quýt đã cho gia đình tôi thu nhập 2,6 tỷ đồng rồi đó”Trung bình mỗi tháng ông tưới phân cá hữu cơ cho vườn quýt một lần, tốn khoảng hơn 100kg cá. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên việc ngâm ủ cá gặp nhiều khó khăn. Việc rã cá mất khá nhiều thời gian. Sau này, ông học hỏi kinh nghiệm các “bạn nhà nông” mua thêm chế phẩm sinh học về ủ cá. Nhờ vậy, cá rữa nhanh, rút ngắn thời gian ủ. Nhờ chăm bón bằng nguồn phân hữu cơ đều đặn nên vườn quýt của gia đình ông rất sai trái.

Nói về quy trình ủ cá, ông chia sẻ: Nếu dùng thùng phuy loại 100 lít sẽ chứa được khoảng 50kg cá. Dùng chế phẩm sinh học trộn với cá, khuấy đều rồi đậy kín nắp. Một tuần đầu, mỗi ngày mở nắp bồn đảo đều một lần cho cá ngấm, sau đó ủ thêm 3 tuần nữa mới dùng được. Trung bình ủ cá 1 tháng là dùng tốt. Mỗi lít dung dịch phân cá sẽ được hòa với 100 lít nước để tưới cho cây. Sử dụng phân ủ cá sẽ giúp cây phát triển bền vững hơn vì trong cá chứa nhiều protein, kết hợp với men vi sinh giúp cây trồng hấp thu tốt. Mặt khác, việc tự ủ phân bón tiết kiệm được chi phí hơn so với sử dụng phân vô cơ và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trái ngọt

Nhờ địa hình thuận lợi, vườn cây cạnh bờ sông nên nguồn nước tưới tiêu luôn ổn định. Vì thế, cây quýt của gia đình ông Cự phát triển rất nhanh. Sau 2 năm trồng, cây quýt đã đơm bông, đậu trái. Nâng niu những trái quýt mọng nước, ông nở nụ cười rạng rỡ, sảng khoái. Đưa tôi đi thăm khắp vườn, ông chia sẻ về hệ thống tưới tiêu, ủ phân. Chỉ vào mấy chùm trái bị sạm đen ông xót ruột: “Năm nay, cây trồng ở Long Hà bị bọ xít muỗi hại dữ quá, cây gì nó cũng “xơi” hết. May mà mình phòng sớm, không thì vườn quýt của mình cũng bị nó hút sạch rồi”.

Ngoài bọ xít muỗi, nhện đỏ cũng là một khắc tinh của quýt. Loại này hút đọt, hút cả trái non của cây. Bệnh vện bùa làm lá xoăn lại. Bệnh ghẻ nhám khiến trái sần sùi, xấu xí. “Hiểu được những bệnh mà cây quýt thường gặp nên tôi đề phòng hết. Cô coi, vườn cây nhà tôi có sâu bệnh gì không? Các cây đều tăm tắp, xanh mơn mởn!” - ông Cự tự hào.

Tính đến nay, vườn quýt của gia đình ông Cự đã cho 3 đợt trái. Đợt đầu vào tháng 7-2016, với 30 tấn, thu 600 triệu đồng. Tháng 3-2017, ông Cự hái được 60 tấn, giá 23 ngàn đồng/kg. Đợt tháng 4-2017, hái 37 tấn, giá 22 ngàn đồng/kg. Lúc này, giá quýt đang cao, 28 ngàn đồng/kg nhưng vườn chỉ hái lai rai mỗi đợt bán được khoảng 8-10 triệu đồng. Tính ra vườn quýt đã đem về cho gia đình ông  thu nhập 2,6 tỷ đồng. Việc làm không xuể, ông Cự phải thuê thêm công lao động.

Nhẩm tính về giá trị mà vườn quýt đem lại, ông Cự mỉm cười vì đã nhận được vị ngọt bên dòng sông Bé hiền hòa. Không chỉ là nông dân tiêu biểu, ông còn là một doanh nhân thành đạt. Năm 2016, ông vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh về gương điển hình làm kinh tế giỏi.

Nhật Linh

  • Từ khóa
111011

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu