Thứ 6, 29/03/2024 16:09:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 18:53, 01/06/2013 GMT+7

Hướng làm kinh tế từ cây sa nhân tím

Thứ 7, 01/06/2013 | 18:53:00 444 lượt xem

Bình Phước còn diện tích rừng khá lớn, đặc biệt là rừng trồng, rất phù hợp để cây sa nhân tím phát triển. Đây là loại cây thuộc họ gừng, nằm trong danh mục thực vật quý hiếm. Quả sa nhân tím chứa tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn và nấm. Hiện vẫn được sử dụng trong nhiều bài thuốc đông y như: Chữa phụ nữ có thai bị lạnh bụng, đầy hơi, tiểu tiện không thông, các bệnh đường ruột, phong tê thấp, sốt rét, kém tiêu hóa. Sa nhân tím còn được dùng làm gia vị, hương liệu sản xuất xà phòng thơm... Chính vì thế, đây không chỉ là cây dược liệu quý mà còn hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế.

PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU QUÝ GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Theo niên giám thống kê tỉnh năm 2011, Bình Phước có trên 175 ngàn ha đất lâm nghiệp, chiếm trên 25% diện tích tự nhiên của tỉnh. Cây sa nhân tím phát triển tốt dưới tán cây rừng. Mở rộng loại cây này vừa bảo tồn loài thực vật quý hiếm, vừa đa dạng hóa cây trồng của tỉnh, góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất, nâng cao đời sống nông dân. Cây sa nhân tím được nhân rộng sẽ góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đất, đảm bảo canh tác bền vững, lâu dài.

Nhiều năm gắn bó, nghiên cứu về cây sa nhân tím, kỹ sư Trịnh Kiều Dung, cán bộ Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh cho biết: “Cây sa nhân tím tự nhiên chỉ phân bố ở 2 huyện Bù Gia Mập và Lộc Ninh. Số lượng tập trung nhiều nhất là ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập và rải rác trong khu rừng Tà Thiết (Lộc Ninh). Cây sa nhân tím không nhiều, lại không tập trung nên người dân trong tỉnh ít biết đến. Với những lợi ích mà loại cây này mang lại thì việc nhân rộng sa nhân tím trong tỉnh là rất cần thiết”.


Các kỹ sư của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh đo sự tăng trưởng cây sa nhân tím tại mô hình ở Đồng Phú

Hiện nay, một số hiệu thuốc đông y trên địa bàn tỉnh có sử dụng quả sa nhân trong các thang thuốc, chủ yếu là các thang thuốc về đường ruột, đau bụng, phong thấp... Nguồn sa nhân thường được nhập về từ thành phố Hồ Chí Minh, với giá từ 80 đến 120 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên đến 180 ngàn đồng/kg quả khô. Người dân hầu như chưa biết công dụng của quả, hạt sa nhân tím trong chữa bệnh. Cũng như chưa sử dụng sa nhân tím là một loại gia vị trong chế biến thực phẩm. Kỹ sư Trịnh Kiều Dung cho rằng, phổ biến loại cây này rộng rãi, một mặt sẽ bảo vệ và nhân rộng được một loại cây thuốc quý, mặt khác, rễ và thân ngầm của cây sa nhân tím đan xen chằng chịt trong đất sẽ hạn chế được xói mòn. Hiện diện tích rừng trồng dó bầu, keo lai và rừng tự nhiên thứ sinh nghèo kiệt trong tỉnh khá lớn. Vì vậy, đẩy mạnh việc trồng xen sa nhân tím dưới tán các loại rừng này sẽ mở ra cơ hội cải thiện điều kiện dinh dưỡng cho đất và tăng thu nhập cho người dân trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

NÂNG CAO THU NHẬP

Cây sa nhân tím là loài cây thân thảo sống lâu năm, mọc thành khóm. Cây cao 1,5-2m; lá màu xanh đậm, dài 25-35cm, rộng 10-15cm. Thân ngầm và rễ mọc tập trung, ở tầng đất mặt, phát triển theo mặt nằm ngang, không ăn sâu xuống lòng đất. Quả hình cầu hay hình bầu dục, mặt ngoài vỏ màu nâu, có gai, trong có nhiều hạt. Hạt phần lớn có cạnh màu nâu đỏ hoặc màu đen, đập dập có mùi thơm. Rễ chùm phần lớn phân bố ở lớp đất mặt trong phạm vi 20cm. Độ tàn che của thảm tươi sa nhân dưới tán rừng tương đối dày đặc, có thể dùng che phủ đất tốt.

Từ năm 2009, kỹ sư Trịnh Kiều Dung cùng các cộng sự đã triển khai mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng trồng ở 2 xã Tân Tiến và Tân Hòa (Đồng Phú). Hết năm 2012, năng suất quả khô tại xã Tân Tiến thu được 220,4kg/ha; xã Tân Hòa 190,5kg/ha. Thông qua mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng trồng, so sánh với cùng diện tích không trồng sa nhân tím trong cùng thời điểm đối với cùng một loại rừng trồng cho thấy, tại xã Tân Tiến, tỷ suất lợi nhuận đã tăng gấp 1,6 lần; tương ứng mô hình tại xã Tân Hòa, tỷ suất lợi nhuận tăng 1,3 lần. Dự kiến tỷ suất lợi nhuận từ năm thứ 3 đến năm thứ 10 sẽ là 1,6-3,2 lần (dưới tán rừng trồng dó bầu) và 1,3-2 lần (dưới tán rừng trồng keo lai).

Trong khi đó, mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng tự nhiên thứ sinh nghèo kiệt sau 3 năm tại Đồng Phú cũng đã cho năng suất, quả khô cả năm cao nhất là 150,4 kg/ha. Tỷ suất lợi nhuận 0,8 lần; từ năm thứ 4 đến năm thứ 10 tỷ suất lợi nhuận ước tăng 1,4 lần.

Như vậy, việc trồng và khai thác sa nhân dưới tán rừng, nhất là rừng trồng, rừng thứ sinh nghèo kiệt có thể đem lại một phương thức canh tác mới có khả năng tận dụng tối đa không gian, dinh dưỡng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, từ đó tăng thu nhập cho nông dân. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế, lại dễ trồng. Tuy nhiên, sa nhân tím là loại cây trồng còn rất mới ở tỉnh. Vì thế không nên vội vàng phát triển ồ ạt về diện tích mà cần có thời gian trồng thí điểm loại cây này.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
36503

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu