Thứ 6, 19/04/2024 22:08:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:42, 17/07/2013 GMT+7

Hướng đi nào cho các trung tâm dạy nghề?

Thứ 4, 17/07/2013 | 07:42:00 1,159 lượt xem

>> Bài 1: Thực trạng các trung tâm dạy nghề
>> Bài 2: Nhiều tỷ đồng “trùm mền”

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo tại địa phương. Toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở dạy nghề, bao gồm các trung tâm dạy nghề cấp huyện hoặc trực thuộc các tổ chức đoàn thể, hội - ngành, trường cao đẳng, trung cấp có chức năng dạy nghề. Do đó trên địa bàn tỉnh đang diễn ra thực trạng “cung vượt cầu”, trung tâm đào tạo nghề mọc lên nhan nhản nhưng vắng học viên. Vì thế, máy móc, trang thiết bị phục vụ học tập tại các cơ sở này đang phải “trùm mền”, gây lãng phí hàng tỷ đồng của Nhà nước.

Bài cuối: Có nên thành lập thêm các trung tâm mới?

Trước thực trạng thừa trung tâm dạy nghề, thiếu người học, trang thiết bị “trùm mền” nhiều năm, các trung tâm dạy nghề cấp huyện đang loay hoay tìm hướng đi mới. Đầu tư tập trung để phát huy hiệu quả; hoặc theo tình hình thực tế tại mỗi huyện, thị xã hay xây dựng kế hoạch dài hơi… là những câu hỏi của các đơn vị dạy nghề cấp huyện. Đã đến lúc phải suy nghĩ tiếp tục bao cấp hay tự chủ tài chính đối với các trung tâm dạy nghề cấp huyện và có nên thành lập thêm các trung tâm mới?

LOAY HOAY TÌM HƯỚNG ĐI

Từ tháng 10-2010, Trung tâm Dạy nghề thị xã Bình Long được giao tự chủ về tài chính. Vì vậy, Ban giám đốc trung tâm phải tìm nguồn thu để nuôi bộ máy và duy trì hoạt động. Hiện nay, nguồn thu chủ yếu của trung tâm là liên kết đào tạo, cấp giấy phép lái xe môtô, dạy nghề cạo mủ cao su, tuy nhiên không thể đảm bảo lâu dài. Ông Lê Văn Phẩm, Giám đốc Trung tâm dạy nghề thị xã Bình Long cho biết: Nếu không có nguồn thu từ việc cho thuê địa điểm thì trung tâm khó có thể tồn tại. Năm 2013, trung tâm chưa mở được lớp dạy nghề nào. Mỗi tháng phải chi trả lương cho 8 cán bộ, nhân viên và các hoạt động khác khoảng hơn 60 triệu đồng.


Khu dựng mái tôn chứa các mô hình thực hành ở Trung tâm Dạy nghề Phước Long đang bỏ không vì chưa có học viên

Ông Trần Đức Hùng, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Bù Đăng cho rằng: Để tránh lãng phí tiền của Nhà nước nuôi bộ máy dạy nghề cồng kềnh, sau khi thành lập các trung tâm, nên cho thuê lại với những điều khoản ràng buộc về đào tạo nghề. Như vậy vừa thu hồi được vốn đầu tư cơ sở, lại đào tạo được nghề cho lao động địa phương và không phải nuôi bộ máy như hiện nay.

Trung tâm Dạy nghề Phước Long đi vào hoạt động từ năm 2003. Hiện trung tâm đăng ký đào tạo 6-8 nghề/năm, nhưng mới chỉ chiêu sinh được nghề cạo mủ cao su và liên kết đào tạo giấy phép lái xe môtô... Trước đây, trung tâm có chiêu sinh một lớp học nghề điện tử nhưng sau đó không duy trì được do học viên bỏ dần, tìm đến các cơ sở tư nhân vừa học việc vừa làm công. Vì vậy, trung tâm cũng chưa tìm ra lời giải cho bài toán chiêu sinh.

MẠNH AI NẤY LÀM

Hiện các trung tâm dạy nghề cấp huyện đang hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết, chuyển giao kinh nghiệm. Khi trao đổi về hướng phát triển trong tương lai, ông Nguyễn Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Hớn Quản cho biết: Trung tâm xin đầu tư cơ sở hạ tầng, lắp đặt hệ thống máy thực hành chuyển giao từ huyện Chơn Thành và tiếp tục chiêu sinh các ngành nghề theo thực tế tại địa bàn các xã, đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Trung tâm Dạy nghề huyện Bù Gia Mập không xin đầu tư các thiết bị thực hành nghề phi nông nghiệp vì sợ không thu hút được học viên. Đây cũng là điều dễ hiểu, vì Bù Gia Mập là huyện thuần nông. “Hiện chúng tôi chỉ làm cho tốt việc đào tạo ngành nghề nông nghiệp, các ngành nghề phi nông nghiệp người dân trong huyện không có nhu cầu. Tuy nhiên, nếu đủ lớp chúng tôi sẽ liên hệ với một trung tâm dạy nghề cùng cấp để đào tạo, chứ xin kinh phí mua sắm tràn lan rồi không có học viên gây lãng phí tiền Nhà nước”, bà Võ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Bù Gia Mập cho biết.

Trung tâm dạy nghề huyện Bù Đăng đang vạch ra một chiến lược phát triển dài hơi: Đầu tư cơ sở hạ tầng, mua thiết bị, máy móc tiên tiến. Ông Hùng cho biết thêm: Trung tâm đang xây dựng kế hoạch đầu tư các ngành nghề phi nông nghiệp bài bản. Trang thiết bị, chương trình đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế, trong đó chú trọng các ngành nghề: Chế biến các sản phẩm từ gỗ; cơ khí nông nghiệp; cắt, gọt kim loại, cơ khí ôtô; công nghệ thông tin; may công nghiệp. Dự tính để đầu tư hoàn chỉnh các ngành nghề hết khoảng 11 tỷ đồng trên diện tích khoảng 3 ha. Các ngành nghề trên học viên vừa học vừa thực hành, có nghĩa là học xong sẽ làm việc và cho ra những sản phẩm thị trường chấp nhận được. Đây có thể coi là một mô hình khép kín và hoàn thiện nhất.

Trung tâm dạy nghề Bù Đăng cũng có sáng kiến: Sau khi tuyển học viên, trung tâm đào tạo lý thuyết, còn phần thực hành sẽ liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động. Tại các doanh nghiệp, học viên được thực hành trên máy móc hiện đại. Với cách làm này không phải đầu tư máy thực hành, học viên được làm quen với công việc, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động không phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng.

CÓ NÊN THÀNH LẬP THÊM CÁC TRUNG TÂM MỚI?

Ông Lê Văn Phẩm, Giám đốc Trung tâm dạy nghề thị xã Bình Long cho rằng: Để các trung tâm dạy nghề phát huy chức năng, đồng thời tránh lãng phí thì không nên thành lập các trung tâm dạy nghề tràn lan. Thay vì mỗi huyện, thị xã có một trung tâm thì trên địa bàn tỉnh chỉ cần bố trí vài ba trung tâm, mỗi đơn vị chịu trách nhiệm đào tạo nghề cho người dân từ 2-3 huyện, thị xã. Hoặc có thể sáp nhập trung tâm dạy nghề vào trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện như huyện Bù Đốp. Như vậy vừa chủ động được đội ngũ giáo viên, bộ máy bớt cồng kềnh sẽ giảm được chi phí.

Bà Đặng Thị Lành, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Phước Long đưa ra sáng kiến: Thay vì thành lập theo hình thức trải rộng, nên tổ chức các cơ sở dạy nghề quy về một mối, mà ở đó có một trung tâm chính, còn lại là các chi nhánh trực thuộc và được phân bổ chỉ tiêu hằng năm. Tùy vào điều kiện thực tế của từng huyện, thị xã mà giao đào tạo những ngành nghề phù hợp. Như ở huyện Chơn Thành có nhiều khu công nghiệp thì phân bổ chỉ tiêu các lớp điện, điện tử, may mặc, tin học văn phòng...; còn ở vùng sâu, vùng xa trồng nhiều cao su thì đào tạo nghề cạo mủ cao su. Như vậy mới không đào tạo chồng chéo và các trung tâm không phải đi tìm học viên như hiện nay.   

Nhất Sơn - Hải Châu

  • Từ khóa
92261

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu