Thứ 7, 20/04/2024 21:39:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:16, 14/01/2020 GMT+7

Hướng đi mới từ nấm đông trùng hạ thảo

Hiền Lương
Thứ 3, 14/01/2020 | 16:16:00 1,507 lượt xem

BPO - Nấm đông trùng hạ thảo là dược liệu quý hiếm, trước đây chỉ sống được trong môi trường tự nhiên trên núi cao như ở dãy Himalaya. Kết quả nghiên cứu khẳng định, nấm đông trùng hạ thảo có rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe, là nguồn nguyên liệu cho ngành y, dược học, vì vậy giá rất cao. Từ việc đánh giá tác dụng và giá trị thương mại của nấm đông trùng hạ thảo, một số nước, trong đó có Việt Nam đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất thử nghiệm nấm đông trùng hạ thảo. Tại Bình Phước, Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh đã ứng dụng, sản xuất thử nấm đông trùng hạ thảo trong môi trường phòng lạnh.

Kỹ sư Đỗ Thị Nga, cán bộ phụ trách Phòng Đo lường, Thử nghiệm (Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh) trong phòng nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo

Bắt đầu triển khai ứng dụng và sản xuất thử nấm đông trùng hạ thảo từ tháng 9-2019, đến nay Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh đã sản xuất, nuôi thương phẩm được 2.000 phôi nấm cấy trực tiếp vào hũ và chai thủy tinh. Kỹ sư Đỗ Thị Nga, cán bộ phụ trách Phòng Đo lường, Thử nghiệm cho biết: Nuôi cấy đông trùng hạ thảo không dễ, vì loài nấm này thường sống ở vùng cao nguyên lạnh giá quanh năm, đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh phù hợp để phát triển. Trung tâm đã mua chủng phôi nấm gốc từ Hàn Quốc, sau đó đem về nghiên cứu thành chủng nấm đông trùng hạ thảo phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu tại Bình Phước, rồi cấy vào môi trường gạo lứt đã phối trộn với một số vitamin, dịch chiết khoai tây. Trước khi cấy, phải khử hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài để đảm bảo nấm không nhiễm bệnh. Sau đó chuyển vào phòng lạnh, có hệ thống phun sương tự động cùng đèn chiếu sáng công nghệ cao. 1 tuần sau tơ bắt đầu lan đều trên bề mặt giá thể, nấm mọc, phát triển đều và đẹp, có màu vàng đậm. Để cho ra sản phẩm đông trùng hạ thảo hoàn thiện, cần thời gian từ 90 ngày trở lên và được nuôi trong phòng kín từ 200 trở xuống, độ ẩm trung bình trên 85%. Kết quả phân tích thành phần cho thấy chất lượng, hàm lượng dược chất nấm đông trùng hạ thảo tại trung tâm nuôi cấy tương đương với các sản phẩm hiện có trên thị trường.

Thành công bước đầu trong sản xuất nhân tạo nấm đông trùng hạ thảo của Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh là kết quả đáng mừng. Trung tâm đã xây dựng các quy trình công nghệ sản xuất nấm đông trùng hạ thảo gồm: quy trình sản xuất giống cấp 1, quy trình sản xuất giống dịch thể, quy trình nuôi trồng nấm trên gạo lứt và quy trình chế biến ngâm rượu sau thu hoạch. Hiện trung tâm thực hiện mô hình sản xuất giống nấm và nuôi nấm với thương phẩm đông trùng hạ thảo trong phòng lạnh để tiến tới chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, trung tâm đang có một số sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo để giới thiệu ra thị trường, đồng thời cung cấp phôi nấm, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và nông dân trong tỉnh.

Nuôi đông trùng hạ thảo là một nghề mới, ngoài kỹ thuật sản xuất phức tạp thì chi phí đầu tư ban đầu cũng không nhỏ. Hiện có một số doanh nghiệp, cơ quan đã nghiên cứu sản xuất đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất lớn nhưng chưa đủ điều kiện để thực hiện và người dân vẫn chưa biết nhiều về sản xuất đông trùng hạ thảo, giá thành trên thị trường cao, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng nên người dân còn ngần ngại khi mua về sử dụng... Do vậy, việc làm chủ quy trình công nghệ từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo của Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tạo cơ hội phát triển mở rộng sản xuất để cung ứng ra thị trường nguồn dược liệu quý, đáp ứng nhu cầu sản xuất dược phẩm và tiêu dùng của các doanh nghiệp dược, người dân trên địa bàn; đồng thời mở ra một nghề mới cho người dân trong phát triển kinh tế gia đình.

  • Từ khóa
45318

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu