Thứ 5, 18/04/2024 19:43:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:24, 28/05/2016 GMT+7

Hướng đi mới cho dân làng bè xã Phước Minh

Thứ 7, 28/05/2016 | 09:24:00 2,385 lượt xem
BP - Hồi hương, không có giấy tờ tùy thân nên đa số kiều bào Campuchia ở các nhà bè xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập mãi luẩn quẩn trong nghèo đói. Họ chủ yếu sống nhờ vào khai thác thủy sản ở các lòng hồ. Những năm gần đây, nguồn tài nguyên này cũng dần cạn kiệt khiến cuộc sống của họ ngày một khốn khó. Thời gian qua, chính quyền xã Phước Minh đã và đang nỗ lực tìm cách đưa họ lên bờ và xác định quốc tịch để nhanh chóng được làm công dân của địa phương.

XÓM NGHÈO TRÊN SÔNG

Thôn Bình Tiến 1, xã Phước Minh hiện có 32 hộ dân là kiều bào Campuchia hồi hương và người dân miền Tây sống tạm trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Năm 2014, sau cái chết do tai nạn đuối nước của con trai anh Nguyễn Văn Dũng, một số hộ quyết định lên bờ dựng nhà sống tạm. Anh Trần Văn Dũng cho biết: “Tôi về đây từ năm 2006, lâu nay sống nhờ khai thác tôm, cá dưới lòng hồ. Nhưng mấy năm nay, mẹ tôi già yếu, con nhỏ, để đảm bảo an toàn, gia đình đã lên bờ dựng nhà ở. Cách đây 2 năm, vợ chồng tôi sinh con thứ hai, nhưng chẳng may cháu bị bệnh não bẩm sinh. Từ đó, vợ tôi phải ở nhà chăm con và mẹ già. Do không có giấy tờ tùy thân nên các con tôi không làm được giấy khai sinh để đi học. Kinh tế gia đình ngày một khó khăn vì vài ba ngày tôi mới kiếm được khoảng 100 ngàn đồng từ kéo lưới. Vì vậy, mọi trông mong đều chờ vào chính quyền”.

Người dân nhà bè xã Phước Minh sống bằng nghề đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Cần ĐơnNgười dân nhà bè xã Phước Minh sống bằng nghề đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn

Cách nhà anh Dũng vài bước chân, hai anh em Phan Văn Bin (8 tuổi) và Phan Văn Bo (4 tuổi) đang nhìn ông nội đan lại lồng để chuẩn bị đặt cá. Bà nội Võ Thị Hấu chia sẻ: Cũng vì cái nghèo mà cha mẹ Bin, Bo hay cãi vã rồi bỏ nhau khiến các cháu phải thiếu thốn mọi mặt. Con trai tôi để con lại nhờ ông bà chăm sóc rồi đi làm thuê ở xa kiếm tiền phụ giúp gia đình hằng tháng. Nó (chỉ con trai bà - PV) chưa có giấy tờ tùy thân nên đi đâu cũng khó kiếm việc làm ổn định, mà ở lại đây cũng không còn tôm, cá để bắt. Nó đi rồi thì chúng tôi phải lên bờ vì lo đêm hôm mưa to gió lớn!

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó thôn Bình Tiến 1 cho hay: Cứ luẩn quẩn trong cái nghèo nên cuộc sống của bà con buồn tẻ, vì vậy những đứa trẻ lớn lên cũng tự ti. Chúng đi học để biết được con chữ rồi nghỉ, vì vậy xóm chỉ vài em học quá cấp 2. Nếu không có giấy tờ tùy thân, không tìm được việc làm, chúng lại bắt cá để sống như đời cha mẹ mình thôi! 

HY VỌNG VÀO CUỘC SỐNG MỚI

Rời xóm nghèo, chúng tôi theo ông Nguyễn Thanh Chúng, Trưởng thôn Bù Tam, xã Phước Minh ra nhà bè Sướng Loan, Bảy Tiên. Cũng là dân làng bè nhưng cách làm kinh tế của những hộ này hoàn toàn khác. Bà Phạm Thị Loan, chủ nhà hàng Sướng Loan vồn vã mời khách: Hôm nay ngày thường nên khách chỉ có đôi ba bàn, chứ cuối tuần hoặc ngày lễ thì đông lắm. Dịp 30-4 năm nay, nhà hàng hết chỗ, khách phải lên bờ, nhộn nhịp cả bến sông.

Với lợi thế phát triển du lịch do có không gian mát mẻ, thực phẩm tự nhiên, giá rẻ nên ngày càng có nhiều người lựa chọn làng bè làm nơi vui chơi, giải trí cuối tuần hoặc các ngày lễ, tết. Tại các nhà bè Bảy Tiên, Sướng Loan, Sơn Nhung (Bình Tiến 1) khách có thể thưởng thức các món đặc sản vùng sông nước như cá lăng đá, cá chép chiên giòn, gỏi cá lăng khô, tép, cá kìm chiên giòn với giá chỉ từ 70.000 đồng/món. Sau khi ăn, khách có thể mặc áo phao xuống tắm để tận hưởng dòng nước mát lành hoặc thả hồn theo cơn gió mát ngắm cảnh thiên nhiên. Đi kèm dịch vụ ăn uống, từ lâu nhà bè Bảy Tiên còn được nhiều du khách biết đến với các loại khô như lăng, kìm, chả cá thát lát. Anh Thượng Văn Phong, con trai chủ nhà bè Bảy Tiên cho biết: “Do có mối quan hệ từ trước nên gia đình tôi thu mua cá dọc dòng Sông Bé, nhờ đó có nguyên liệu để làm khô. Mỗi năm bán được vài tấn cá các loại, nhiều nhất là trong dịp tết Nguyên đán. Nhà tôi cũng chưa có điều kiện quảng bá, chỉ nhờ các mối quen, họ ăn thấy ngon nên giới thiệu người khác cùng mua.

Ông Hồ Đình Hiệu, Chủ tịch UBND xã Phước Minh cho biết: Sự phát triển của các nhà bè trên hồ thủy lợi Cần Đơn cho thấy tiềm năng du lịch của xã rất lớn. Trước mắt, chính quyền sẽ tạo điều kiện để các nhà bè hoạt động kinh doanh, có chính sách ưu đãi vốn để ngày càng mở rộng. Chia sẻ những trăn trở của chính quyền về số hộ chưa có giấy tờ tùy thân sống trên các làng bè, ông Hiệu nói: Tôi về công tác ở đây đã 3 năm và suốt thời gian đó bản thân luôn nghĩ làm sao giúp bà con có được cuộc sống ổn định. Không có giấy tờ, chính quyền khó quản lý hành chính, khó tuyên truyền vận động,... Trẻ em ở làng bè muốn đi học cũng khó khăn, bà con không được chăm sóc sức khỏe, không tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước nên khó có thể thoát nghèo. Thời gian qua, xã Phước Minh đã phối hợp với ngành chức năng cấp giấy khai sinh cho một số bà con, đồng thời tiếp tục giúp họ xác định quốc tịch, can thiệp cho trẻ em đi học và vận động tài trợ khi gặp khó khăn. Xã cũng đã 2 lần có tờ trình xin cấp đất tái định cư cho 103 hộ dân đang sống tạm trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn và đã được Huyện ủy Bù Gia Mập thống nhất chủ trương. Dự kiến các hộ này sẽ được cấp đất tại Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) và đang được các ngành thực hiện thủ tục liên quan.

Ông Hiệu tin rằng, với sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp thời gian tới, xã Phước Minh sẽ có sức bật để phát triển mọi mặt, sớm thoát khỏi danh sách xã nghèo.

Dung Hương

  • Từ khóa
92947

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu