Thứ 7, 20/04/2024 12:15:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:55, 22/10/2015 GMT+7

Hướng đi bền vững cho cây điều

Thứ 5, 22/10/2015 | 06:55:00 311 lượt xem
BP - Không ít thời điểm hạt điều rớt giá thê thảm, chủ vườn “quay lưng” với loại cây chủ lực này. Thế nhưng đến nay, cây điều đang tạo chỗ đứng vững trong sản xuất nông nghiệp ở Bình Phước. Dự án “Nhân rộng mô hình ghép cải tạo vườn điều năng suất, chất lượng thấp thành vườn điều năng suất, chất lượng cao trên địa bàn 5 tỉnh trồng điều” do Hiệp hội Điều Việt Nam trển khai, đang góp phần giúp nông dân giữ vững diện tích điều.

Nông dân làm kỹ sư

Vườn điều 2,7 ha hơn 20 năm của bà Phạm Thị Vân ở ấp 2, xã Đồng Tâm (Đồng Phú) đã già cỗi nên mấy năm gần đây, năng suất chưa đầy 1 tấn/ha. Biết tin có dự án triển khai ghép điều cải tạo giống, bà Vân đã đăng ký. Dự định chỉ ghép 1 ha nhưng thấy có nhiều lợi ích, bà ghép hết diện tích điều của gia đình.

Vườn điều ghép của hộ ông Hoàng Trọng Thủy ở xã Long Hà cho năng suất cao, là mô hình tham quan của nông dân trong và ngoài tỉnh

Sau tập huấn cùng với sự hỗ trợ của kỹ sư Ngô Khắc Khánh, giáo viên Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) hướng dẫn tại vườn, bà Vân đã nhanh chóng nắm bắt, học hỏi kỹ thuật ghép. Chưa đầy 1 tuần, vườn điều của bà Vân đã ghép xong. Hiện hơn 90% mắt ghép trên vườn điều của bà Vân đã mọc chồi khỏe mạnh. Bà nói: Kỹ thuật ghép đơn giản, dễ tiếp cận; kỹ sư nhiệt tình hướng dẫn nên chúng tôi dễ dàng làm theo. Chỉ cần chú ý chọn chồi ghép (bo) trên cây đủ tiêu chuẩn (cho năng suất cao, khỏe mạnh, kháng bệnh tốt) và chọn cành ghép càng gần gốc cây càng tốt.

Cuối tháng 4-2015 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Điều Việt Nam đã tổ chức hội thảo đánh giá phương pháp ghép chồi tại 3 hộ ở xã Long Hà. Nhóm chuyên gia đã khảo sát trên 1.007 cây điều được ghép chồi. Trước khi cải tạo, vườn điều cho năng suất bình quân dưới 1 tấn/ha, sau khi ghép chồi, năng suất hơn 3 tấn/ha. Lợi nhuận kinh tế của điều ghép cao gấp 4,6 lần so với vườn điều thường. Bên cạnh đó, nếu tái canh cần đến 3 năm điều mới cho sản phẩm. Trong khi đó, ghép cải tạo vườn điều, cây vẫn cho thu hoạch từ cành điều cũ. Cành (chồi) ghép chỉ cần 18 tháng đã ra bông, kết trái.

Không mấy khó khăn để anh Ngô Văn Ngọc ở ấp 2, xã Đồng Tâm tự ghép trên vườn điều của gia đình. Với động tác dứt khoát từ cắt chồi, vát điểm ghép cho đến bọc chồi, anh Ngọc thể hiện như một kỹ sư thực thụ. Sau 2 buổi tập huấn và 1 buổi hướng dẫn thực tế, anh Ngọc đã tự tay ghép hết số cây trong vườn.

Kỹ sư Ngô Khắc Khánh cho biết: Hướng dẫn tại vườn cho thấy, do gắn bó với cây điều, nông dân hiểu được thuộc tính của cây nên dễ tiếp thu và làm theo. Tuy nhiên, nông dân cần lưu ý, chồi ghép phải được chọn từ cây có năng suất, chất lượng cao và có sức kháng bệnh tốt; chọn cành gần gốc để hạn chế đổ gãy khi gặp gió lốc; vết cắt của cành ghép phải phẳng, tạo độ tiếp xúc tốt; vết ghép và chồi phải được bọc kín để tránh mất nước.

Điều ghép cho năng suất vượt trội

Hiện diện tích điều cả nước đang tiếp tục giảm, giai đoạn 2005-2014 giảm 120.995 ha. Đầu năm 2015, cả nước còn 312.396 ha. Do năng suất thấp (dưới 1 tấn/ha/năm) dẫn đến giá trị sản lượng, thu nhập của cây điều thấp. Nguyên nhân dẫn đến năng suất điều thấp là có đến 68,5% hộ trồng điều thiếu hiểu biết kỹ thuật và đa số nông dân mở rộng diện tích bằng giống điều không rõ nguồn gốc.

Kỹ sư Ngô Khắc Khánh (bìa trái) hướng dẫn anh Ngọc ghép chồi trên vườn

Thực tế, khi vườn điều được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì năng suất, chất lượng cao hơn hẳn. Điển hình như mô hình ghép cải tạo vườn điều của hộ ông Hoàng Trọng Thủy, Hoàng Văn Tần, Hoàng Văn Thanh ở xã Long Hà (Phú Riềng) hiện cho năng suất 4-5 tấn/ha. Năm 2001, các anh đã thử nghiệm cắt cành ở những cây điều hạt to, trái chùm đẹp ghép vào những thân cây cho trái ít, hạt nhỏ. Sau 2-3 năm, những cây điều ghép cải tạo đã cho năng suất từ 50-60kg hạt/cây, gấp hơn 3 lần so với trước. Năm 2007, các anh triển khai ghép đại trà. đến nay, toàn bộ diện tích điều hơn 10 ha/hộ đã được trẻ hóa.

Trong buổi hội thảo, tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn, chuyên gia Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, khảo sát 5.035 cành (chồi) ghép nhưng chỉ có 1 cành (chồi) ghép bị chết. Chồi ghép tốt nhất lấy từ cây điều đầu dòng được tuyển chọn kỹ, được cơ quan chức năng công nhận hoặc có thể vận dụng linh hoạt bằng cách chọn cây điều lấy chồi ghép có đặc điểm vượt trội trong vườn. Qua thực tế cách làm của 3 hộ cho thấy, ghép chồi là một trong những biện pháp có tính ưu việt nâng cao năng suất, chất lượng vườn điều.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho rằng, 3 hộ nông dân ở xã Long Hà đã ghép chồi cho năng suất cao, là mô hình đột phá về cải tạo vườn điều, cần được nhân rộng trong vùng trọng điểm trồng điều.

Đẩy nhanh tiến độ dự án

Trước đây, chúng tôi nghĩ điều già cỗi chờ cưa cắt, trồng lại, không ngờ kỹ thuật tiên tiến lại có thể vừa ghép vừa thu hoạch và sẽ dần thay thế hoàn toàn cây mới. Được biết, ghép điều không ảnh hưởng đến “sức khỏe” của cây, trong khi vẫn có nguồn thu. Gia đình tôi có 3,2 ha điều, vụ trước thu 2,8 tấn, trong khi đầu tư chăm sóc “ngốn” vài chục triệu đồng” nên lợi nhuận rất thấp.

Anh Ngô Văn Ngọc ở ấp 2, xã Đồng Tâm

Dự án “Nhân rộng mô hình ghép cải tạo vườn điều năng suất, chất lượng thấp thành vườn điều năng suất, chất lượng cao trên địa bàn 5 tỉnh trồng điều” thực hiện từ tháng 5-2015 đến tháng 4-2016, do bà Nguyễn Thị Kim Nga, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm chủ nhiệm. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao năng suất vườn điều già cỗi, năng suất thấp lên 2-3 tấn/ha. Dự án thực hiện 100 điểm trình diễn trên địa bàn 5 tỉnh, mỗi điểm trình diễn 1 ha (300 chồi ghép/điểm). Trong đó, Bình Phước 40 điểm (tương đương 40 hộ), Đồng Nai 20 điểm, Bà Rịa - Vũng Tàu 10 điểm, Bình Thuận 10 điểm, Lâm Đồng 20 điểm.

Tại Bình Phước, đến nay nhóm đề tài đã lựa chọn đủ số hộ tham gia phù hợp với tiêu chí đề ra. Chủ nhiệm dự án ký hợp đồng với các đơn vị, cá nhân nhận khoán trực tiếp chuyển giao kỹ thuật chọn giống, bo, ghép, chăm sóc, bón phân cho chủ hộ tham gia, đảm bảo chủ hộ trực tiếp ghép đạt tỷ lệ sống tối thiểu 100 chồi/20 cây/hộ, thời gian thực hiện hết năm 2015. Hiện các hộ đã tự ghép thành công, tỷ lệ sống đạt trên 70%. Chủ nhiệm dự án còn ký hợp đồng cung cấp phân bón với 3 công ty để hỗ trợ phân bón vi sinh, NPK, phân bón lá cho các hộ dân. Cán bộ kỹ thuật đến từng hộ hướng dẫn kỹ thuật bón phân, phun phân bón lá, đảm bảo chăm sóc chồi ghép. Theo kế hoạch, chủ nhiệm dự án sẽ kiểm tra, nghiệm thu kết quả tại các hộ tham gia vào cuối năm 2015.

Hải Châu

  • Từ khóa
39576

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu