Thứ 5, 25/04/2024 16:07:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:36, 22/06/2016 GMT+7

Hung thủ giết bà Thị Kép là ai?

Thứ 4, 22/06/2016 | 09:36:00 180 lượt xem
BP - Tòa án nhân dân tỉnh đang thụ lý và chuẩn bị đưa vụ án giết người xảy ra ngày 10-10-2011 tại ấp Sóc Bưng, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long để xét xử lại theo Quyết định số 681/2013/HSPT ngày 27-6-2013 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Đã qua hai lần xét xử, bị cáo vẫn một mực kêu oan. Dư luận đang đặt câu hỏi, thủ phạm giết người là ai và vì sao vụ án có nhiều tình tiết cần giải mã?

Nhát dao oan nghiệt

Theo hồ sơ vụ án, chiều 9-10-2011, sau khi uống rượu tại nhà, Điểu Phong (1990) rủ ba người bạn cùng trú ấp Sóc Bưng, xã Thanh Phú sang nhà bà ngoại của mình là Thị Kép nhậu tiếp. Tại nhà bà Kép (1940), nhóm của Phong gặp Điểu Sớm, Điểu Thơm và Điểu Ngưu đang nhậu nên tất cả cùng nhập cuộc. Sau 30 phút nhậu chung, mọi người ra về còn Điểu Phong cùng Điểu Sớm ngủ lại nhà bà Kép. Do say rượu nên Phong ói ra nhà. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, bà Kép đi mót mủ cao su về thấy Phong ói nên la mắng cháu. Bị bà ngoại rầy la, Phong bỏ sang nhà Điểu Chúc ngủ chung với Điểu Thơm tại phòng khách.

Khoảng 5 giờ sáng 10-10-2011, Phong dậy đi vệ sinh rồi vào bếp nhà Điểu Chúc tìm nước uống. Tại nhà bếp, Phong thấy con dao bầu nên cầm lên xem. Nhớ lại tối qua bị chửi nên Phong nảy sinh ý định giết bà Kép để trả thù. Phong cầm dao đi sang nhà bà Kép. Trên đường đi thấy bà ngoại đi ngược về phía mình nên Phong đứng lại. Khi bà Kép trở vào nhà thì Phong nấp vào vách tường sát cửa sổ nhà bà ngoại để quan sát. Còn bà Kép sau khi ngồi ăn trầu xong thì đi ra cửa. Lợi dụng lúc bà Kép khom lưng kéo tấm cửa, Phong dùng một tay kẹp vào cổ, tay còn lại cầm dao đâm hai nhát vào bụng bà ngoại. Lúc này, Điểu Sớm tỉnh giấc nhìn thấy hành động của Điểu Phong nhưng giả vờ ngủ say. Phong đâm thêm nhiều nhát dao vào ngực và người của bà Kép làm nạn nhân té vào cánh cửa. Nghe tiếng bà Kép kêu cứu, Thị Giếng, Thị Hằng, Điểu Sớm là con và cháu của bà Kép chạy ra. Thấy có người, Phong chạy về phía nhà Điểu Chúc rửa tay chân, cất dao vào chỗ cũ rồi đi ngủ tiếp. Còn bà Kép nằm bất tỉnh dưới nền đất. Thấy vậy, đám con cháu của bà Kép gào khóc làm cho mọi người trong khu vực chạy tới, trong đó có cả Điểu Phong, Điểu Chúc. Sau đó, Phong ngồi sau xe máy ôm bà Kép để Điểu Sớm chở đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long.

Bà Kép tắt thở trên đường đi. Ba ngày sau, Phong và Sớm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thị xã Bình Long bắt khẩn cấp. Cuối tháng 2-2012, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước ra quyết định truy tố bị can Điểu Phong về tội “Giết người” và Điểu Sớm về tội “Không tố giác tội phạm”.

Những uẩn khúc

Ngày 21-3-2013, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử các bị can Điểu Phong và Điểu Sớm. Tại tòa, Điểu Phong không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Còn Điểu Sớm lại khai trùng với cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và mong được giảm án. Vì vậy, hội đồng xét xử đã ra quyết định, tuyên bố xử phạt Điểu Phong tù chung thân vì phạm tội “Giết người”. Còn Điểu Sớm bị xử phạt 17 tháng tù vì tội “Không tố giác tội phạm”. Sau khi kết thúc phiên tòa, Điểu Phong đã có đơn kháng cáo, còn người đại diện hợp pháp cho bị hại lại có đơn kêu oan cho bị cáo.

Trong đơn kháng cáo của mình, Điểu Phong cho biết rất yêu thương bà ngoại và khẳng định không đâm chết bà. Phong khai, khi nghe vợ Điểu Chúc gọi dậy bị cáo mới nghe tin nên chạy sang cùng Sớm đưa bà Kép đi cấp cứu. Điểu Phong nói, con dao nhà Điểu Chúc hay sử dụng để làm thức ăn nên bị cáo biết. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Phong tại phiên tòa cũng cho rằng, từ khi bị cáo ôm đâm bà Kép đến lúc đi rửa tay, chân, cất con dao vào chỗ cũ và lên giường nằm ngủ khó thực hiện trong một thời gian rất ngắn như cáo trạng nêu. Vì vậy, nguyện vọng của Điểu Phong tại phiên tòa là mong được minh oan, vì bị cáo không phạm tội giết người như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố. Trong khi đó, Điểu Sớm lại khai rằng, lúc mình đi vệ sinh thấy có người ôm và đâm bà Kép cứ tưởng là Phong nên lén vào giường giả vờ đi ngủ. Do thấy kẻ gây án mặc bộ áo quần giống của bị cáo mặc hôm trước nên khi tới hiện trường, Sớm nghĩ chính Phong là hung thủ đâm chết bà Kép. Thị Giếng, con gái bà Kép trình bày, khi nghe tiếng kêu cứu, bà là người đầu tiên chạy ra ôm mẹ khóc. Sau đó, là Thị Hằng, Sớm rồi đến Phong và Điểu Chúc chạy tới, ngoài ra bà không thấy ai khác.

Vợ của Điểu Chúc cũng khai, khi nghe tiếng kêu la phía nhà bà Kép thì gọi Chúc và Phong dậy. Lúc này, Phong vẫn đang ngủ cùng Điểu Thơm và không có biểu hiện gì khác lạ...

Hủy án sơ thẩm

Sau khi bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị hại (hai người con gái của bà Kép tức mẹ và dì ruột của Phong) có đơn kháng cáo, kêu oan; ngày 27-6-2013, Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa hình sự phúc thẩm để xét xử vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử đã làm rõ một số tình tiết liên quan đến vụ án như lời khai của Phong, Sớm, Giếng... còn nhiều mâu thuẫn. Cụ thể, khi thì cho rằng Điểu Phong chặn cửa ôm đằng sau đâm bà Kép. Khi thì bà Kép ngồi xuống đất, lúc thì ngã úp mặt xuống, lúc lại nằm trước cửa. Còn cáo trạng lại kết luận bà Kép bị đâm nằm bất tỉnh. Con dao gây án không có sự đồng nhất về kích thước và chiều sâu vết đâm cũng không được các cơ quan điều tra cấp sơ thẩm làm rõ. Trong khi đó, cấp sơ thẩm khi điều tra, truy tố chưa quan tâm đến việc bị cáo đâm hai nhát ban đầu rồi bà Kép mới la lên hay nạn nhân kêu cứu sau khi gục xuống... Cơ quan điều tra cũng không làm rõ thời gian Phong đâm người rồi đi ra suối để rửa chân, tay, cất dao và đi ngủ... Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao nhận định, quá trình điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng chưa đầy đủ, không thể khắc phục tại phiên phúc thẩm.

Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử, Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định tuyên hủy án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước thụ lý lại vụ án. Dư luận tại Bình Phước rất mong cơ quan chức năng, nhất là tại phiên tòa xét xử sắp tới tìm ra hung thủ thực sự của vụ án và sớm phải chịu hình phạt nghiêm minh của pháp luật.

Điểu Phong (còn gọi là Bum), chỉ học đến lớp 2, sống bằng nghề làm thuê. Bum là con trai của bà Thị Út (1965) và là cháu ngoại của bị hại Thị Kép. Còn Điểu Sớm có tên gọi khác là Điểu Hoàng Nhương (1990), là chồng của Thị Hằng - cháu ngoại bà Kép. Điểu Sớm là con rể bà Giếng và cũng là cháu rể của bà Kép. Tại phiên tòa sơ thẩm, Điểu Sớm cho rằng, giữa hai người do có mối quan hệ gia đình, Phong là anh con dì bên vợ nên không tố cáo.

Tấn Phong

  • Từ khóa
30917

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu