Thứ 6, 29/03/2024 06:41:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:20, 26/10/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

HTX Phú Tiến - làm tốt giao khoán, bảo vệ rừng

Hồng cúc
Thứ 4, 26/10/2016 | 14:20:00 316 lượt xem
BP - “Từ lúc sinh ra, em đã lớn lên cùng cánh rừng này, nên rừng là bạn, là một phần cuộc sống của em. Giữ rừng là trách nhiệm, song những người làm nhiệm vụ này luôn thấy thoải mái bởi chúng em có tình yêu rừng, yêu không khí trong lành, cả tiếng chim ca và yêu những mầm xanh mỗi ngày nảy nở” - Điểu Toan, người giữ rừng của Hợp tác xã (HTX) Phú Tiến, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng chia sẻ.

Xem rừng là cuộc sống của mình nên 117 ha rừng giao khoán của HTX Phú Tiến những năm gần đây không mất cành cây, con thú. Đây là hiệu quả của việc giao khoán rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bảo vệ, chăm sóc.

BẢO VỆ RỪNG HIỆU QUẢ

HTX Phú Tiến thành lập năm 2005, với mục đích tập hợp và tạo việc làm cho đồng bào DTTS. Trong ngành nghề sản xuất - kinh doanh đăng ký của HTX Phú Tiến có nhận giao khoán đất lâm nghiệp, trồng cây nông - công - lâm nghiệp và chăn nuôi. Đến nay, HTX có 27 hộ thành viên, nhận giao khoán 237 ha, trong đó có 117 ha rừng. Rừng không có những cây gỗ quý vì là rừng hỗn giao, nhưng tình trạng phá rừng lấy gỗ, lấn chiếm đất những năm đầu được giao khoán có xảy ra. Đối tượng phá rừng có cả người Kinh và đồng bào DTTS, họ lợi dụng những lúc HTX có hội họp, nghỉ lễ, tết, dùng xe gắn máy vào khai thác lâm sản. Làm sao để tình trạng này không còn diễn ra là trăn trở lâu nay của Ban chủ nhiệm HTX.

Rừng giao khoán cho HTX Phú Tiến được chăm sóc, giữ gìn tốtRừng giao khoán cho HTX Phú Tiến được chăm sóc, giữ gìn tốt

Ông Điểu Cước, Chủ nhiệm HTX cho rằng, bắt và giao kiểm lâm xử lý đối tượng vi phạm là giải pháp nhất thời, sau đó lại tái diễn. Tôi đã gặp và trực tiếp giải thích cho đối tượng hiểu, đây là rừng đã được giao khoán để bảo vệ và chăm sóc. Theo cách này các đối tượng hiểu rừng đã có chủ nên tình trạng phá rừng những năm gần đây không còn nữa.

Làm nhiệm vụ giữ rừng có 3 người, thay phiên nhau đi tuần 4 lần/ngày đêm. Song những người này cho biết, tất cả thành viên của HTX đều có ý thức giữ rừng. Bởi họ xem rừng là tài sản của gia đình, là bầu không khí hít thở hằng ngày. Điểu Toan, đồng bào Mơnông, đã làm công việc giữ rừng 6 năm, gắn bó với rừng từ thuở ấu thơ. Hằng ngày đi tuần, thuộc lòng đường đi nước bước nên một dấu vết xe lạ cũng không lọt qua mắt Điểu Toan. Những ngày mưa gió, đường trơn ai cũng ngại đi rừng. Song đây lại là cơ hội của những đối tượng phá rừng. Vì vậy, không phụ thuộc vào thời tiết, việc tuần tra của người giữ rừng vẫn diễn ra. Có những người như Điểu Toan, rừng luôn được bảo vệ an toàn.

TRỒNG CAO SU VÀ NUÔI VOI

Ngoài nhiệm vụ giữ rừng, HTX Phú Tiến còn trồng và khai thác 120 ha cao su. Trong đó có 52 ha 10 năm đem lại nguồn thu chính cho xã viên. Ông Điểu Cước cho biết, tổng doanh thu của HTX nhiệm kỳ 2010-2015 đạt hơn 3,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 945 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên 4,7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, con, cháu của thành viên đã qua đào tạo nghề cạo mủ cao su đều được nhận vào làm công nhân khai thác, với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện HTX có 12 công nhân khai thác mủ đều là con, cháu của các thành viên. Chị Thị Vêu (33 tuổi), làm công nhân cạo mủ được 4 năm. Thời điểm giá mủ thấp nhất chị vẫn gắn bó với vườn cây. Với chị công việc ổn định, thu nhập khá là điều không phải người đồng bào DTTS nào cũng may mắn có được. Hơn nữa ngày lễ, tết, công nhân còn được HTX thưởng. Chị thích và trân trọng công việc này. Anh Dương Văn Luân (32 tuổi), là con rể một thành viên HTX, vừa làm quản lý vườn cây vừa là công nhân khai thác mủ cho biết: Với mức thu nhập của hai vợ chồng cạo mủ cao su đủ lo cho cuộc sống gia đình. Con cái bị bệnh không phải đi vay mượn.

Nhìn những đường cạo trên thân cây cao su, tôi khen kỹ thuật khai thác không kém công nhân nhà nước, anh Luân cười: “Vườn cao su là tài sản của chúng tôi. Ai cũng ý thức chăm sóc, khai thác tốt để được lâu bền. Là miếng cơm, manh áo, chẳng ai dại mà phá hỏng”. Giá mủ năm 2016 đã tăng nhẹ, thu nhập của thành viên tăng lên. Dự tính năm 2016, thu nhập bình quân hằng tháng của mỗi thành viên đạt 6 triệu đồng.

Đến HTX Phú Tiến, điều tôi muốn biết đầu tiên là những chú voi. HTX đang chăm sóc 2 con voi cái trưởng thành, mỗi con nặng từ 3,5-4 tấn. Thân hình đồ sộ, song voi đã được người thuần dưỡng rất hiền. Với thâm niên ngồi trên lưng voi từ nhỏ nên chỉ cần vài câu ra hiệu, ông Điểu Cước đã thuyết phục được voi quỳ gối chào tôi.

Trong HTX, ngoài ông Cước huấn luyện, nay cháu ông cũng đã phụ được việc chăm sóc voi. Nhìn hai con voi đang ăn cây gai, tôi tỏ ra lo lắng. Ông Cước bảo, bây giờ thức ăn tự nhiên cho voi ít dần nên chúng phải ăn đến dây gai. Song theo ông bà xưa nói lại, voi ăn dây gai như người uống nước nóng, không tổn hại gì. Từ ánh nhìn trìu mến của ông Cước khi chăm voi, chúng tôi biết cặp voi là niềm tự hào của HTX Phú Tiến nói chung và của ông Điểu Cước nói riêng. Chăn voi là nghề gia truyền, hiện ở Bình Phước không còn mấy ai biết chăn voi và có voi để chăn như ông Cước.

  • Từ khóa
40798

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu