Thứ 3, 23/04/2024 22:05:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:38, 16/02/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Hợp đồng dân sự

Thứ 2, 16/02/2015 | 10:38:00 1,428 lượt xem

BP - Về hợp đồng dân sự, tại Điều 769 trong Bộ luật dân sự 2005 có quy định như sau: 1. Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác. Hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật CHXHCNVN. Trong trường hợp hợp đồng không ghi nơi thực hiện thì việc xác định nơi thực hiện hợp đồng phải tuân theo pháp luật CHXHCNVN. 2. Hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật CHXHCNVN.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, quy định như trên không phù hợp, vì: Thứ nhất là tên của điều này cần được sửa lại là “Nội dung hợp đồng”, bởi nội dung hợp đồng không chỉ bao gồm quyền và nghĩa vụ của các bên mà còn các vấn đề khác như đối tượng của hợp đồng, mục đích hợp đồng...

Thứ hai, cụm từ “quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác” cần sửa lại là “nội dung hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước mà các bên thỏa thuận lựa chọn, trong trường hợp các bên không thỏa thuận lựa chọn thì áp dụng pháp luật của nước nơi nghĩa vụ chính của hợp đồng được thực hiện”. Cách quy định như trên vừa phù hợp với thông lệ điều chỉnh pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp của đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay, vừa thể hiện rõ dạng hệ thuộc cơ bản “luật theo ý chí” là chủ yếu, vừa bao hàm được các trường hợp khi hợp đồng được thực hiện không chỉ ở một nước.

Thứ ba, cụm từ “hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật CHXHCNVN” là không khách quan, vì theo quy định trên thì nếu hợp đồng được giao kết và thực hiện hoàn toàn ở nước ngoài, dạng hệ thuộc ý chí các bên lại được áp dụng (hoặc nơi thực hiện hợp đồng nếu các bên không thỏa thuận khác). Chúng ta đều biết rằng, việc áp dụng pháp luật nhà nước trong những trường hợp cần thiết là để bảo vệ lợi ích chính đáng các bên và vì thế thúc đẩy quan hệ phát triển. Cách quy định như trên là không dựa vào dạng hệ thuộc “luật theo ý chí” (một dạng hệ thuộc bao trùm trong lĩnh vực nội dung hợp đồng) không được lý giải từ điều bảo lưu trật tự công cộng. Dạng hệ thuộc “luật theo ý chí” xuất phát từ lập luận rằng các bên là người hiểu hơn ai hết nội dung hợp đồng (chủ yếu là quyền và nghĩa vụ của các bên) cần được xác định theo pháp luật của quốc gia nào. Quan hệ về nội dung hợp đồng có yếu tố nước ngoài cũng như quan hệ về nội dung hợp đồng không có yếu tố nước ngoài, ý chí các bên cần được tôn trọng, trừ khi ý chí đó vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội. Các quy định về việc chọn pháp luật một quốc gia nhất định để điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài được xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên và thúc đẩy quan hệ đó phát triển chứ không phải vì một lý do nào khác. Trong những trường hợp hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài mâu thuẫn với trật tự công cộng thì các quốc gia đã có điều bảo lưu trật tự công cộng như đã nêu ở trên để loại trừ. Bởi vậy, khoản này cần loại bỏ.

Hải Như

  • Từ khóa
12598

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu