Thứ 5, 25/04/2024 17:29:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:26, 26/08/2015 GMT+7

Hớn Quản tận dụng tốt lợi thế để giải quyết việc làm

Thứ 4, 26/08/2015 | 07:26:00 127 lượt xem

BP - Nằm giữa huyện Chơn Thành - trung tâm công nghiệp của tỉnh với thị xã Bình Long, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hớn Quản đã xác định hai khu vực này sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là giải quyết việc làm. Từ sự xác định ấy, trong những năm qua, huyện đã có những chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm phát triển sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu và lao động cho 2 khu vực năng động này.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết đại hội, trong đó chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động; tổ chức dạy nghề nhằm phát huy nguồn nhân lực sẵn có; chú trọng chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Huyện đoàn Hớn Quản phối hợp Trung tâm Dạy nghề tỉnh đào tạo, giới thiệu việc làm và tư vấn nghề cho thanh niên xã Thanh An - Ảnh: Ngân Hà

Tháng 7-2011, huyện thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm dạy nghề. Từ đó đến nay, trung tâm đã đào tạo nghề cho 3.554 lao động, vượt 14,6% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 18.158 lao động, vượt 25,2% chỉ tiêu nghị quyết, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 27,5%, tăng 6% so với năm 2010. Hằng năm, huyện đều tổ chức ngày hội việc làm cho trên 400 lao động, từ đó tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận trực tiếp với các công ty, xí nghiệp để tìm hiểu và chọn ngành nghề phù hợp. Hiện nay, số lao động làm việc tại các khu công nghiệp: Chơn Thành là 620 lao động, Minh Hưng 2.316 lao động; Đồng Phú 1.325 lao động và thị xã Bình Long 600 lao động. Từ chỗ giải quyết tốt việc làm, đã ổn định thu nhập của hàng ngàn lao động, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, toàn huyện đã giảm được 1.647 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm là 1,51%. Đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 10,15%, nay chỉ còn 2,57%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Khi trao đổi về những cái được và chưa được cũng như việc tận dụng lợi thế sẵn có nhằm tăng cường giải quyết việc làm, Bí thư Huyện ủy Huỳnh Anh Minh đã thẳng thắn xác nhận những hạn chế nêu trên và khẳng định giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn là vấn đề được Đảng và chính quyền huyện quan tâm. Để khắc phục những mặt hạn chế, thời gian tới, huyện sẽ đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo đúng nhu cầu và phối hợp giữa Trung tâm Dạy nghề huyện với các công ty, xí nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tế ở các doanh nghiệp. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề cho nông dân, ưu tiên đào tạo nghề cho những nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang đất công nghiệp, đô thị.

Trên địa bàn huyện có 204 trang trại, trong đó có 157 trang trại trồng trọt và 47 trang trại chăn nuôi với diện tích bình quân 25,5 ha/trang trại; tổng giá trị hàng hóa 526 tỷ đồng; bình quân doanh thu 2,58 tỷ đồng/trang trại. Các trang trại đã tạo việc làm cho 5.167 lao động, trong đó 2.219 lao động thường xuyên và 2.948 lao động thời vụ. Những năm qua, các trang trại đã tích cực ủng hộ và chung sức cùng huyện xây dựng nông thôn mới như: làm đường giao thông nông thôn, xây nhà tình thương với 3.786 ngày công lao động, 2,25 ha đất và 905 cây trồng các loại, trị giá hơn 35 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện vẫn còn những mặt hạn chế. Cụ thể là việc đào tạo các ngành nghề chưa sát với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nên có tình trạng lao động đã qua đào tạo vẫn thất nghiệp, trong khi nhiều doanh nghiệp đang rất cần lao động có tay nghề.

Huyện cũng sẽ liên kết với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động; tổ chức tư vấn trực tiếp tại địa phương; chỉ đạo kịp thời các xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các phòng chức năng có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn giải quyết việc làm đầu tư phát triển sản xuất.

Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ là giải quyết việc làm cho 15.000 lao động, đào tạo nghề cho 2.500 lao động. Trên cơ sở đó giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,95%. Với các giải pháp chủ yếu như trên, tin rằng công tác giải quyết việc làm của huyện Hớn Quản trong thời gian tới sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, tạo điều kiện cho lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
83571

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu