Thứ 6, 29/03/2024 09:04:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:37, 09/10/2018 GMT+7

Hớn Quản phát huy lợi thế để phát triển nông nghiệp

Thứ 3, 09/10/2018 | 14:37:00 2,030 lượt xem
BP - Địa bàn rộng, có nhiều sông, suối lớn chảy qua, khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ nên Hớn Quản có nhiều điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hớn Quản tiếp tục xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của địa phương và đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để phát huy thế mạnh này.

Theo ước tính của cơ quan chuyên môn, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 của Hớn Quản có khả năng đạt 2.530 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 là 8,6%, cao hơn 4,45% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện đề ra. Đạt được những kết quả này một phần do huyện đã chú trọng chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KH-KT); tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết tập trung nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Tăng cường chuyển giao, ứng dụng KH-KT vào sản xuất

Những năm qua, huyện Hớn Quản đã thực hiện nhiều đề án chuyển giao, ứng dụng KH-KT vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung công nghiệp. UBND huyện đã giao ngành nông nghiệp thực hiện thành công một số mô hình như: trồng tiêu an toàn tại 2 xã Thanh An, An Khương; trồng bắp biến đổi gen ở 2 xã Phước An và An Khương; trồng rau an toàn trong nhà kính tại xã Tân Khai...

Đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa bàn huyện Hớn Quản - Ảnh: Cẩm Liên

Nhằm xây dựng các hình thức liên kết hợp tác hiệu quả trong phát triển kinh tế, phù hợp nhu cầu phát triển nông nghiệp tại địa phương, UBND huyện thường xuyên phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khảo sát, đánh giá thế mạnh nông nghiệp của từng xã trên địa bàn huyện để tư vấn thành lập hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với mục đích đưa ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Trong 9 tháng năm 2018, huyện đã thành lập 3 hợp tác xã nông nghiệp tại các xã An Khương, Minh Tâm, Tân Hưng. Hiện trên địa bàn huyện có 9 hợp tác xã và 24 tổ hợp tác. Tham gia các tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp, nông dân không chỉ được hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm, giúp nhau vốn, công lao động mà còn được hỗ trợ thông tin, giá cả thị trường và tìm đầu ra cho nông sản. Việc liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp đã hình thành, nhân rộng trên các lĩnh vực. Trong chăn nuôi hình thành nhiều mô hình liên kết giữa hộ nông dân với các công ty lớn của nước ngoài như C.P Thái Lan, Japfa Hà Lan... Ngoài ra còn có sự liên kết trong sản xuất, chế biến cao su, gỗ nguyên liệu, liên kết tiêu bền vững. Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị đã tạo ổn định đầu ra cho nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất; đồng thời hỗ trợ nhau về nguồn lực và chia sẻ rủi ro trong quá trình sản xuất.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp luôn được huyện quan tâm. Nhiều mô hình khuyến nông được áp dụng đã nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăm sóc cây trồng không chỉ bảo vệ sức khỏe chính nông dân và người tiêu dùng mà còn góp phần giảm tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường. Các mô hình, dự án ứng dụng khoa học - công nghệ đã được thực hiện và đạt hiệu quả cao như tưới nước tiết kiệm trên các vườn hồ tiêu; trồng lúa “1 phải, 5 giảm”; chăn nuôi gà an toàn sinh học; bò lai sind sinh sản; dê bách thảo sinh sản...

Để giúp nông dân ứng dụng tiến bộ KH-KT vào thực tiễn, góp phần giảm chi phí đầu vào, hạn chế sâu bệnh gây hại, tăng năng suất vườn cây, năm 2017, Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã tham mưu Hội đồng khoa học và công nghệ huyện triển khai Dự án ứng dụng khoa học - công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel kết hợp bón phân qua nước cho 3 ha vườn cây của 3 hộ tại 3 xã An Khương, An Phú và Đồng Nơ. Tổng vốn thực hiện gần 180 triệu đồng do Hội đồng khoa học và công nghệ huyện hỗ trợ. Cách làm này vừa giảm chi phí đầu tư (công tưới, phân bón) lại tiết kiệm nước, nâng cao năng suất cây trồng. Thời điểm này, huyện đang triển khai Đề án chuyển giao ứng dụng KH-KT vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Sở Khoa học - Công nghệ cũng được thực hiện trên địa bàn huyện như trồng dưa lưới, bắp nếp trên đất ruộng gò vào mùa khô hay trồng rau rừng, rau an toàn trong nhà màng...

Phát huy lợi thế  phát triển kinh tế trang trại

Hớn Quản hiện có 209 trang trại với tổng diện tích 5.226 ha, tăng 4 trang trại so với năm 2015. Trong đó có 142 trang trại trồng trọt và 67 trang trại chăn nuôi. Nhìn chung, các mô hình kinh tế trang trại được xây dựng bài bản, bảo đảm yếu tố môi trường. Nhiều trang trại trồng cây lâu năm, chăn nuôi tổng hợp ra đời đã góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Các trang trại đang tạo việc làm cho 5.183 lao động.

Tổ hợp tác trồng tiêu sạch của Hội Cựu chiến binh xã Minh Đức (Hớn Quản) - Ảnh: N.Hà

Để tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển, những năm qua, Hớn Quản đã công khai bộ thủ tục hành chính về kinh tế trang trại, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về kinh tế trang trại cho đội ngũ cán bộ, công chức nông nghiệp, lãnh đạo các xã và chủ trang trại. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện để các chủ trang trại được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, nhiều nông hộ trong huyện đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi heo, gà lạnh theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Với những lợi thế sẵn có, lại được địa phương quan tâm, tạo điều kiện nên nhiều nông hộ đã mở rộng diện tích trang trại. Nổi bật là Nông trại Phú Gia trên địa bàn xã Tân Hiệp. Đây là trang trại điển hình của huyện Hớn Quản, chỉ độc canh cây cao su trên diện tích 544 ha. Với phương thức quản lý khoa học, hiện đại, hiệu quả, Nông trại Phú Gia không chỉ mang lại nguồn lợi lớn hằng năm cho chủ nhân của nó mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 công nhân. Đặc biệt, đây là nông trại duy nhất trên địa bàn tỉnh đã thành lập chi bộ Đảng.

Hay như trang trại trồng điều, cao su kết hợp chăn nuôi heo, gà nổi tiếng của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Tơ ở xã Tân Quan. Với sự nhanh nhạy, tháo vát, lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng, gia đình bà đã mở rộng quy mô trang trại. Hiện nay, hộ bà Tơ đang sở hữu trang trại quy mô 15 ha trồng cao su, điều, cây ăn trái và 3 trại gà, 9 trại nuôi heo. Hằng năm, trang trại đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập ổn định. Và còn nhiều trang trại như của ông Võ Kỳ Sơn ở xã An Phú, trang trại của bà Phạm Thị Hồi ở xã Minh Tâm, trang trại của ông Trần Công Cảnh ở xã Minh Đức, bà Lê Thị Hiền Phương ở xã Tân Hiệp... Không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm xã hội, đóng góp ngân sách cho địa phương, các trang trại còn tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện.

Có thể nói, kinh tế trang trại đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện Hớn Quản. Để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, từ nay đến năm 2020, huyện Hớn Quản tiếp tục triển khai đề án chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung công nghiệp. Trong xây dựng nông thôn mới, huyện chú trọng huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, phát triển mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã theo hướng hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
1462

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu