Thứ 3, 16/04/2024 15:59:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:38, 26/04/2012 GMT+7

Không dễ làm đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới

Thứ 5, 26/04/2012 | 10:38:00 266 lượt xem

>> Bài 1: BÀI TOÁN KHÓ ĐỐI VỚI CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ

Thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, thời gian qua, 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh đều đã có quy hoạch và tiến hành đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi ở một số xã thì việc thực hiện tiêu chí đường giao thông là khó khăn nhất. Song, với cách làm ở xã điểm Tân Lập (Đồng Phú) thì nhiều vướng mắc khó khăn đã được tháo gỡ và mong rằng cách làm này sẽ là kinh nghiệm bổ ích cho các xã khác.

Bài 2: KINH NGHIỆM Ở XÃ ĐIỂM TÂN LẬP

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, chính quyền xã Tân Lập (Đồng Phú) đã huy động các nguồn lực trong dân để xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Người dân xã Tân Lập tham gia làm đường giao thông nông thôn

Ông Bùi Minh Hùng, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Tân Lập cho biết, lúc bắt tay xây dựng NTM, lãnh đạo xã xác định việc trước mắt cần làm là xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng bảo đảm theo các tiêu chí đề ra. Đây được xem là cơ sở để tiếp tục thực hiện các tiêu chí khác. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề nan giải vì hầu hết cơ sở hạ tầng lúc đó đều chưa đạt yêu cầu, chi phí xây dựng công trình mới nào cũng lên đến tiền tỷ.

Trước khó khăn này, lãnh đạo xã đã có rất nhiều cuộc họp bàn nhưng vẫn không tìm ra được giải pháp. Nhiều ý kiến cho rằng không thể làm được gì nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, ngân sách hàng năm của tỉnh và huyện rất eo hẹp, đa phần được trung ương “rót” xuống, trong khi nhu cầu đầu tư cho các chương trình, dự án khác cũng rất lớn và cấp bách.

Khó khăn là vậy nhưng Tân Lập đã nhanh chóng tìm ra cách vượt khó bằng chính nội lực của mình. Đó là huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng NTM. Thế nhưng, khi bàn đến việc đóng góp thì không ít người “ngãng” ra, do chưa hiểu rõ nội dung, trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM, mà cho đây là việc của Nhà nước.

Việc làm đầu tiên của lãnh đạo xã là đả thông tư tưởng để người dân thấy rõ “lợi ích đi đôi với nghĩa vụ”; muốn xây dựng thành công NTM phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Từ khi triển khai thực hiện chương trình đến nay, xã đã tổ chức gần 200 cuộc họp với hơn 9.000 lượt người tham dự. Tại mỗi thôn, mỗi chi bộ đã tổ chức không dưới 10 cuộc họp để giải thích, vận động toàn dân tham gia đóng góp xây dựng NTM.

Trao đổi với phóng viên về những kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trong xây dựng đường giao thông nông thôn, ông Hùng nói, trong quá trình thực hiện, mọi công việc từ quy hoạch, thiết kế đến triển khai, xây dựng, Đảng ủy xã đều đưa ra bàn bạc dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ đó đã tạo được sự đồng thuận trong dân.

Tổng giá trị đất và tài sản trên đất mà nhân dân Tân Lập đã hiến tặng để thực hiện Chương trình nông thôn mới là gần 3,4 tỷ đồng. Cùng với ngân sách Nhà nước, Tân Lập đã hoàn thành 10 tuyến đường liên xã, liên ấp với tổng chiều dài trên 27.000m. Xây dựng xong cầu Suối Rạt dài 43m và 47/56 tuyến đường tổ với chiều dài 17.386m, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt và giao thương hàng hóa của người dân trong vùng.

Từ một vài hộ hiến đất, phong trào đã thu hút được nhiều người tham gia. Đi đầu trong phong trào hiến tặng đất và cây trồng là gia đình ông Vũ Tiến Lâm ở ấp 3 đã tự nguyện chặt bỏ 80 cây cao su và hiến 3.000m2 đất để làm đường vào nghĩa trang nhân dân. Tiếp đó là ông Nguyễn Khắc Lê hiến 5 sào đất và gần 400 cây cao su đang thu hoạch để làm đường liên thôn vào nhà văn hóa ấp 8. Ông Trần Văn Xuân (ấp 2) đã chặt bỏ 80 cây cao su để kéo điện về ấp...

Ông Hà Văn Bình, Chủ tịch MTTQ, Trưởng ban giám sát nông thôn mới xã Tân Lập nói, bài học rút ra trong công tác làm đường ở Tân Lập là tuyên truyền, vận động đến đâu phải làm ngay đến đó. Sau khi có thiết kế xây dựng phải đưa ra để dân góp ý chỉnh sửa và phải điều chỉnh hợp lý theo sự góp ý của người dân. Mọi công trình đều do ban ấp chọn nhà thầu và thành lập tổ giám sát, theo dõi từ khâu thiết kế đến khi hoàn thành công trình. Nhờ vậy chất lượng các công trình đều đảm bảo, nhân dân phấn khởi vì được làm chủ mọi công trình.

Tân Lập cũng có một cách làm khá hay để việc đóng góp không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của người dân là những hộ giàu, hộ khá và trung bình được khuyến khích đóng một lần. Những hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất thì chia thành nhiều lần. Những hộ quá nghèo thì lãnh đạo xã, thôn, lãnh đạo các đoàn thể ủng hộ kinh phí và vận động họ hàng, người thân đứng ra hỗ trợ một phần.

Với người dân Tân Lập, thêm mỗi đoạn đường được nhựa hóa hay bê tông hóa là thêm một minh chứng cho sự đồng lòng, nhất trí của cộng đồng dân cư. Thành công từ việc huy động sức dân, phong trào phát triển đường giao thông nông thôn đã và đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho các thôn ấp. Những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo của Tân Lập sẽ là bài học cho các địa phương trong tỉnh tham quan, học tập.

Minh Luận

  • Từ khóa
92010

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu