Thứ 6, 19/04/2024 18:28:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:32, 27/07/2017 GMT+7

Hơn 30 phút kiên cường chiến đấu với “giặc lửa”

Thứ 5, 27/07/2017 | 06:32:00 249 lượt xem

BP - Đang trong giấc ngủ trưa, bất ngờ vang lên hiệu lệnh báo động chữa cháy, 84 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và 9 xe ôtô chuyên dụng của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh được điều động lên đường làm nhiệm vụ. 12 phút sau, lực lượng và phương tiện chữa cháy đã có mặt tại nơi xảy ra vụ cháy cách đơn vị gần 20km. Hơn 30 phút kiên cường chiến đấu, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, không gây thiệt hại về người. Toàn bộ khu nhà máy chế biến mủ cao su với tổng trị giá hơn 50 tỷ đồng đã được cứu thoát khỏi ngọn lửa, ước thiệt hại 500 triệu đồng.

Đối mặt với “giặc lửa”

Hơn 12 giờ ngày 20-6-2017, điện thoại trực ban Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh reo vang. Trong điện thoại một giọng nói hốt hoảng của người dân thông báo, một đám cháy lớn xảy ra tại Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Dung thuộc Công ty TNHH cao su Thuận Lợi, địa chỉ tại xã Thuận Lợi (Đồng Phú) cần được lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH hỗ trợ khẩn cấp. Nhận tin báo cháy, Thượng úy Dương Ngọc Toàn, Đội trưởng Đội chữa cháy CNCH Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phát lệnh báo động, điều động lực lượng, phương tiện đến đám cháy.

Ngọn lửa dữ dội phía trong Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Dung (ảnh lớn). Đội trưởng Dương Ngọc Toàn cùng 2 chiến sĩ Nguyễn Thành Lộc, Dương Ngọc Hiệu mang trang phục cách nhiệt amiăng và lăng phun bọt (ảnh nhỏ)

12 phút sau, các xe chữa cháy có mặt tại hiện trường. Trực tiếp Thượng tá Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt chỉ huy chữa cháy. Thượng tá Vịnh cho biết: “Qua thông tin của cơ sở và trinh sát đám cháy, cho thấy địa điểm xảy ra cháy là khu vực đường ống dẫn dầu truyền nhiệt từ lò đốt nhiệt sang lò sấy. Nhiệt của dầu rất cao đã làm đám cháy nhanh chóng lan rộng sang bãi tập kết cao su thành phẩm và các khu vực lân cận. Khi đến hiện trường, diện tích đám cháy đã lan rộng khoảng hơn 400m2, lửa cháy dữ dội, lực lượng chữa cháy tại chỗ đã bất lực. Do nguồn cháy là đường ống dẫn dầu chạy lò sấy mủ bị bể nên nguy cơ làm đổ sập mái nhà và dẫn đến một vụ nổ rất cao. Tôi đã chỉ đạo CBCS khẩn trương triển khai chiến thuật đội hình phun bọt nhằm nhanh chóng khoanh vùng, cô lập và dập tắt đám cháy. Đồng thời chỉ đạo lực lượng tại chỗ tập trung di chuyển tài sản để tạo khoảng cách an toàn, kết hợp triển khai các đội hình phun nước làm mát cho CBCS và chống cháy lan sang các khu vực xung quanh”. Sau hơn 30 phút liên tục chiến đấu với giặc lửa, đến khoảng 13 giờ đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn.

Bản lĩnh của người lính cứu hỏa

Thượng úy Dương Ngọc Toàn, Đội trưởng Đội chữa cháy CNCH Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - người trực tiếp cùng đồng đội tham gia chữa cháy từ đường ống dẫn dầu bị bể, kể: “Sau khi nắm bắt sơ bộ tình hình, tôi ra lệnh triển khai đội hình chữa cháy, chống cháy lan. Đám cháy có diễn biến phức tạp do dầu chảy loang ra diện tích rất rộng, gió to và đổi hướng liên tục nên việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Tôi vừa trực tiếp chỉ huy 1 mũi tấn công chính, vừa động viên đồng đội kiên cường bám vị trí chiến đấu với ngọn lửa. Đồng thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các phương án, biện pháp chữa cháy phù hợp tình hình thực tế hiện trường lúc đó”.

Hạ sĩ Nguyễn Thành Lộc và Hạ sĩ Dương Ngọc Hiệu được phân công cầm 2 lăng phun nước chữa cháy nhớ lại hơn 30 phút căng mình đối diện với ngọn lửa hôm đó: “Ở vị trí đối mặt với ngọn lửa, cả hai phải sử dụng các thiết bị phòng hộ chuyên dụng đặc biệt và mang bình dưỡng khí để thở. Do chất cháy là dầu và cao su mủ cốm thành phẩm mới sản xuất nên đám cháy phát triển rất nhanh, lượng nhiệt tỏa ra lớn cùng nhiều khói độc, việc tiếp cận gốc lửa rất khó khăn”.

Môi trường thực hiện nhiệm vụ lúc đó cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng. Đường ống dẫn dầu bị cháy lâu có thể xảy ra nổ bất cứ lúc nào nếu chậm trễ ngăn chặn ngọn lửa, giảm nhiệt cho đám cháy. Với tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm, 2 chiến sĩ Lộc và Hiệu đã sử dụng lăng phun bọt hóa chất chữa cháy tiếp cận vào tận gốc lửa.

Vì nhân dân phục vụ

Chiến sĩ Lộc và Hiệu cho biết: “Sau khi sử dụng lăng phun nước làm mát các kiện hàng cao su đang bén lửa để cách ly đám cháy, chúng tôi nhận lệnh mang trang phục cách nhiệt amiăng và sử dụng lăng phun bọt tiến vào trung tâm đám cháy. Lửa và khói đen mù mịt đã bao trùm toàn bộ khu nhà xưởng và lò hơi, nhiệt độ khi đó lên tới hàng ngàn độ. Để tiếp cận được gốc ngọn lửa, đồng đội phải phun nước trực tiếp vào người chúng tôi để làm mát, tuy nhiên cả hai vẫn bị bỏng do sốc nhiệt. Thời điểm đó, các cấu kiện xây dựng nhà xưởng có nguy cơ sụp đổ xuống chỗ chúng tôi bất cứ lúc nào dưới sức nóng của ngọn lửa. Chiến đấu đến khoảng 13 giờ thì ngọn lửa bị khuất phục. Đám cháy được dập tắt, khu nhà xưởng không bị sụp đổ”.

Những người dân chứng kiến vụ cháy giữa trưa hôm đó rất ấn tượng và khen ngợi bản lĩnh của những người lính cứu hỏa. Khi xảy ra cháy, mọi người đều tìm cách chạy ra xa khu vực cháy, nhưng những người lính cứu hỏa lại lao mình vào đám cháy dập lửa cứu người và tài sản cho nhân dân. Nếu lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH không kịp thời có mặt hỗ trợ thì cả hai nhà máy trị giá hơn 50 tỷ đồng sẽ bị cháy rụi thành đống tro tàn.

Ngày 21-6-2017, chỉ sau một ngày xảy ra vụ cháy, chủ nhà máy đã viết thư cảm ơn gửi lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH và Công an tỉnh. Giám đốc Công an tỉnh đã ký quyết định khen thưởng đột xuất cho Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và 4 CBCS của đơn vị đã có thành tích xuất sắc tham gia chữa vụ cháy nêu trên.

Văn Tuyên

  • Từ khóa
93330

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu