Thứ 6, 19/04/2024 18:06:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 20:14, 24/12/2017 GMT+7

Hội nghị trực tuyến ứng phó với cơn bão số 16

Chủ nhật, 24/12/2017 | 20:14:00 1,566 lượt xem

BPO - Bão số 16 (có tên quốc tế là Tembin) đang hoạt động trên biển Đông với sức gió cấp 11, giật cấp 14 và còn tiếp tục mạnh thêm. Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp; dự báo đổ bộ trực tiếp vào đất liền khu vực Nam Bộ với cấp 10-11 (rủi ro thiên tai cấp 4). Để ứng phó hiệu quả, tránh thiệt hại như đã xảy ra như cơn bảo Linda năm 1997 và bão số 12 (Damrey) tháng 11-2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều tối ngày 24-12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến ứng phó với bão. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Bình Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện thị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước

Theo báo cáo của Trung tâm khí thượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 24-12, vị trí tâm bão số 16 vào khoảng 8,3 độ vĩ Bắc; 113,5 độ kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở khu vực tâm bão mạnh cấp 12 (115 - 135km/giờ), giật cấp 15. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển mạnh 25km/h, như vậy chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển trên 10m; cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).

Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, bão chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh 25km/giờ. Đến 13 giờ ngày 25-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8 - 10m.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây và sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 16, từ ngày 25 vùng biển từ Bà Rịa - Vùng Tàu đến Cà Mau (gồm huyện Côn Đảo) có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 14 - 15, biển động dữ dội. Sóng biển cao 7 - 9m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Trên đất liền vùng Nam Bộ, ngày 25 đến 26-12, Nam bộ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 16 nên có mưa vừa và mưa to, có nơi mưa rất to kèm theo gió giật mạnh và lốc xoáy.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia thì đây là cơn bảo rất đặc biệt, trong lịch sử chưa có cơn bão nào mạnh và đổ bộ vào thời điểm trái mùa như năm nay. Vì vậy, Trung tâm sẽ thông tin liên tục để mọi người dân biết và có giải pháp phòng, chống.

Thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành địa phương đã thực hiện các giải pháp huy động mọi nguồn lực phòng, chống cơn bão; tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơn an toàn. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất thiệt hại thì còn rất nhiều việc phải làm.

Tại Bình Phước, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị đề nghị các lực lượng vũ trang phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, xác định cụ thể những khu vực nguy hiểm, số hộ dân, người dân cần sơ tán, địa điểm sơ tán, phương tiện và nhân lực thực hiện. Những nơi có các hộ dân sinh sống bằng phương tiện ghe trên sông, hồ kêu gọi người dân chủ động neo đậu và tránh trú an toàn; thường xuyên theo dõi diễn biến của cơn bão để chủ động sơ tán kịp thời. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, 100% hộ dân nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, hồ đã thực hiện gia cố, di dời lồng, bè đến nơi an toàn.

Tại hội nghị, sau khi nghe các địa phương, đơn vị nơi dự kiến sẽ có bão đi qua báo cáo nhanh về thực trạng, giải pháp phòng, chống bão, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là cơn bão rất mạnh lại đổ bộ vào miền Nam - khu vực trọng điểm về nông nghiệp và trọng điểm về kinh tế, là khu vực ít khi có bão xảy ra nên kinh nghiệm phòng, chống bão ở đây chưa có. Trong khi đó nhà cửa người dân yếu, tình trạng sạt lỡ bờ sông, bờ biển rất mạnh. Vì thế nếu không tập trung quyết liệt, chủ động ứng phó thì hậu quả rất khó lường, mọi người đều vào cuộc.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả các địa phương và người dân thường xuyên theo dõi thông tin về cơn bão, tuyệt đối không được chủ quan. Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến cơn bão; Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương theo dõi sát sao diễn biến của mưa bão và thông tin kịp thời; các địa phương có bão đi qua huy động các lực lượng chằng, chống nhà cửa, kho tàng, hệ thống lưới điện, thông tin, các công trình đang thi công; giúp dân kịp thời thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người dân trên đảo, dàn khoan dầu khí, các hoạt động trên biển và trên đất liền. Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương có bão đi qua hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão. Sau bão cần khắc phục ngay hậu quả, không để dân thiếu ăn, thiếu mặc… “Nếu bão không xảy ra thì đây cũng là cuộc thực tập kinh nghiệm cần thiết nên các địa phương phải nghiêm túc tập trung vào cuộc” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
19654

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu