Thứ 3, 16/04/2024 14:41:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:52, 26/07/2014 GMT+7

Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động, hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững

Thứ 7, 26/07/2014 | 08:52:00 134 lượt xem
BP - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội. Nhờ vậy, đời sống của người dân, nhất là người nghèo được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm 9,29% năm 2011 xuống còn 5,59% năm 2013.

Từ các nguồn vốn hỗ trợ, chị Doan đã chăn nuôi heo, gà cải thiện cuộc sống và thoát nghèo

 
Xác định công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên thời gian qua các cấp hội phụ nữ thường xuyên quan tâm, qua đó nhiều chị đã hưởng ứng và thu được kết quả cao. Hội đã vận động, khai thác nhiều nguồn vốn giúp phụ nữ nghèo như hội viên tự đóng góp để giúp nhau vay xoay vòng, vốn từ các tổ chức phi chính phủ, quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, vốn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm với số tiền trên 149 tỷ đồng... giúp 56 ngàn lượt phụ nữ vay. Thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tổng dư nợ gần 425 tỷ đồng qua 629 tổ tín dụng tiết kiệm do Hội phụ nữ quản lý, với 24.954 hộ vay.

Cùng với việc tìm kiếm và khai thác nguồn vốn, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động phối hợp ngành chức năng vận động hỗ trợ chị em tiếp cận các chương trình dạy nghề, giới thiệu việc làm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” gắn với đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” đã tạo thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ. Hàng năm, hội phối hợp các ngành liên quan, cơ sở dạy nghề mở 287 lớp dạy nghề cho 7.391 lượt người, phối hợp tổ chức 546 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hội thảo đầu bờ với 30.220 lượt hội viên phụ nữ tham dự; xây dựng và nhân rộng các câu lạc bộ, tổ tín dụng tiết kiệm, mô hình liên kết như: Câu lạc bộ xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” (trong đó, tiêu chí số 1 là gia đình phụ nữ không đói nghèo), câu lạc bộ Tiểu thương, mô hình 5-10 hộ khá giúp 1 hộ thoát nghèo, chi hội người Kinh kết nghĩa với người dân tộc thiểu số; mô hình liên kết trồng rau sạch, tổ hợp tác nuôi gà thả vườn. Hàng năm, hội còn vận động xây khoảng 100 mái ấm tình thương, trị giá 20-25 triệu đồng/căn, xóa nhà tranh, tre dột nát, tặng gần 800 sổ tiết kiệm (1 triệu đồng/sổ); tặng trên 2.000 suất học bổng trị giá 1-1,5 triệu đồng/suất cho con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, hàng năm các cấp hội đều tổ chức tập huấn chuyên đề cho cán bộ chủ chốt, giúp họ nắm rõ chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của hội đối với công tác giảm nghèo. Từ đó cán bộ hội, tổ chức hội tham gia thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương và tìm ra các mô hình, cách làm hay, sáng tạo để biểu dương.

Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Hằng, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh thì công tác vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Hội chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của phụ nữ về vốn, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật và khó khăn trong tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững. Hội chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ nữ doanh nhân phát triển khả năng kinh doanh. Hội chỉ mới khai thác được nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, công tác giảm nghèo đối với phụ nữ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn...

Chị Phạm Thị Doan, hội viên phụ nữ ấp 5, xã Tân Hưng (Đồng Phú) cho biết: Chị quê ở Thái Bình, vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 2004. Do không có nghề nghiệp ổn định, con còn nhỏ nên gia đình chị phải chịu hộ nghèo. Khoảng thời gian đó, Nhà nước hỗ trợ xây nhà tình thương trị giá 6 triệu đồng cho gia đình chị. Năm 2010, gia đình được vay vốn xóa đói giảm nghèo 15 triệu đồng. Chị đã mua heo giống và nuôi gà để cải thiện cuộc sống. Nay các con đã lớn, có thể đi làm phụ giúp cha mẹ nên đời sống được nâng lên. Cuối năm 2012 được công nhận thoát nghèo nên gia đình chị rất vui.

Chị Doan cho rằng, mọi người đều không muốn mình nghèo và luôn nỗ lực vươn lên để có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh việc phát huy những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới thì sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, sự đồng hành của các cấp hội chính là “bà đỡ” giúp hội viên vượt qua lúc khó khăn.      

Phương Dung

  • Từ khóa
49528

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu