Thứ 5, 28/03/2024 17:25:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:27, 08/05/2016 GMT+7

Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không quá 17 người

Chủ nhật, 08/05/2016 | 14:27:00 2,515 lượt xem
BPO - Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24-11-2014. Luật này thay thế Luật Tổ chức tòa án nhân dân số 33/2002/QH10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2015. Một trong những điểm mới của luật này là sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao:

* Về số thành viên, thành phần của hội đồng:

Tại Khoản 1, Điều 22 của Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 có quy định như sau: Số lượng thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không dưới mười ba người và không quá mười bảy người; gồm chánh án, các pchánh án tòa nhân dân tối cao là thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Trong khi đó, tại Khoản 3, Điều 21 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2002 chỉ quy định: Tổng số thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không quá mười bảy người. Như vậy, trong Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 đã quy định số lượng thành viên tối thiểu và tối đa của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong khi đó, ở Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2002 lại chỉ quy định số lượng tối đa thành viên của Hội đồng thẩm phán

Về thành phần của hội đồng, tại Khoản 2, Điều 21 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2002 quy định như sau: Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gồm có chánh án, các phó chánh án tòa án nhân dân tối cao; Một số thẩm phán tòa án nhân dân tối cao do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của chánh án tòa án nhân dân tối cao. Còn tại Khoản 1, Điều 22 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 quy định thành phần Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bao gồm: Chánh án, các pchánh án tòa nhân dân tối cao là thẩm phán tòa án nhân dân tối cao và các thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Như vậy, điểm khác nhau về thành phần hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao giữa hai đạo luật này là: Trong Luật Tổ chức tòa án nhân năm 2002 thì ngoài chánh án, phó chánh án tòa án nhân dân tối cao còn có một số thẩm phán tòa án nhân dân tối cao do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của chánh án tòa án nhân dân tối cao. Còn trong Luật Tổ chức tòa án năm 2014 thì Hội đồng thẩm phán bao gồm cả chánh án, phó chánh án và các thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao.

* Về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng:

So với Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2002, Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 đã mở rộng nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo tại Khoản 2, Điều 22 trong Luật Tổ chức tòa án năm 2014 có quy định: Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hành giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. Hội đồng cũng được phép ban hành nghị quyết hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật. Hội đồng còn có quyền lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Hội đồng được thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của tòa án nhân dân để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Đồng thời, tham gia ý kiến đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, hội đồng còn được thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và dự thảo văn bản pháp luật giữa Tòa án nhân dân tối cao với cơ quan có liên quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật.

Về hiệu lực pháp luật của quyết định do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đưa ra, tại Khoản 4 Điều 22 có quy định như sau: Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.

Về việc tổ chức xét xử của hội đồng: Tại Khoản 1, Điều 23 của Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 có quy định rõ như sau:  Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng hội đồng xét xử gồm 5 thẩm phán hoặc toàn thể thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong khi đó, Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2002 không có điều, khoản nào quy định cụ thể về vấn đề này.

NN

  • Từ khóa
28273

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu