Thứ 6, 19/04/2024 23:13:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 11:35, 28/06/2017 GMT+7

Hội chọi trâu Hớn Quản cần bảo tồn và phát triển

Thứ 4, 28/06/2017 | 11:35:00 357 lượt xem
BP - Sáng 27-6, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Hớn Quản tổ chức tọa đàm “Trò chơi chọi trâu trong tâm thức dân gian, thực trạng và xu hướng biến đổi trong đời sống hiện tại ở Hớn Quản”.

Đoàn chủ trì buổi tọa đàm gồm các đồng chí: Nguyễn Tấn Hưng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Quang, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Lê Hoàng Lâm, Bí thư Huyện ủy Hớn Quản; Trịnh Minh Hoài, Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và các phòng, ban huyện Hớn Quản.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm của Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Trịnh Minh Hoài cho thấy, hội chọi trâu Hớn Quản đã có truyền thống từ lâu đời, diễn ra 2 lần trong năm. Lần thứ nhất diễn ra sau lễ hạ nêu kèm theo hội chọi trâu vào ngày mồng 9 tháng giêng nhân dịp tết cổ truyền dân tộc như một hoạt động khởi đầu năm mới. Lần thứ hai diễn ra vào dịp lễ Cầu bông ngày 18-8 âm lịch để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi... Tất cả hoạt động tín ngưỡng dân gian và hội chọi trâu tại đình thần Tân Khai trước đây thường có quy mô cấp làng, xã nhưng qua quá trình phát triển, tiếp biến văn hóa đã nâng dần quy mô tổ chức như ngày nay. Hội chọi trâu Hớn Quản hiện được tổ chức gắn với phong tục tập quán lâu đời mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân nông nghiệp. Hội diễn ra sau mùa thu hoạch, lễ, tết gắn với các hoạt động tâm linh tại đình thần Tân Khai, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tâm linh của cộng đồng cư dân ở địa phương.

Các tham luận tại buổi tọa đàm cho thấy, lễ hội được tổ chức ngày càng nhiều để đáp ứng những nhu cầu trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Việc tham dự các lễ hội truyền thống là nhu cầu không thể thiếu của nhân dân nhằm thỏa mãn khát vọng hướng về cội nguồn, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh cũng như nhu cầu giao lưu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần tạo nên sự đa dạng của văn hóa nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng. Dưới góc nhìn du lịch thì lễ hội là tài nguyên du lịch nhân văn, độc đáo đối với chuỗi du lịch Việt Nam. Hội chọi trâu trong lễ hội đình thần Tân Khai hàm chứa trong đó cả một tài nguyên du lịch nhân văn sâu sắc nhưng đã bị lãng quên thời gian dài do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do vậy hội cần được nhìn nhận một cách khoa học dưới góc nhìn văn hóa dân gian và trong phát triển du lịch địa phương. 

Phát biểu định hướng tại buổi tọa đàm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, hội chọi trâu Hớn Quản không mang tính thương mại, bạo lực, phản cảm, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa dân gian của người dân huyện Hớn Quản. Do vậy cần được nghiên cứu dưới nhiều góc nhìn khoa học để làm cơ sở phục dựng lễ hội theo đúng giá trị văn hóa truyền thống vốn có của nó. Việc duy trì, bảo tồn và phát triển hội chọi trâu Hớn Quản cần được tiến hành thận trọng để hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản và cho phép thực hiện trong thời gian tới.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
93029

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu