Thứ 7, 20/04/2024 12:25:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:30, 04/12/2018 GMT+7

Học trò nghèo đam mê sáng tạo

Thứ 3, 04/12/2018 | 06:30:00 341 lượt xem
BP - Nung nấu ý định cung cấp điện năng cho thiết bị tiêu thụ điện mà không cần dùng dây dẫn như thiết bị gia dụng, điện thoại, laptop, xe đạp điện... em Trần Chí Nhân (SN 2000, ngụ ấp Trung Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản) - cựu học sinh Trường THPT Trần Phú đã sáng tạo thiết bị truyền điện không dây. Sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Phước lần thứ 11 năm 2017-2018.

Chúng tôi gặp Nhân dịp em về nhận giải thưởng cấp huyện. Cách nói chuyện tự tin, lập luận chặt chẽ khiến chúng tôi hiểu em đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu sáng tạo thiết bị này. Nhân cho biết: Cấu tạo của một bộ sạc không dây cơ bản gồm: Nguồn điện, bộ truyền tải điện, cặp truyền - nhận (gồm một nguồn phát và một nguồn nhận, đây là bộ phận quan trọng nhất). Nguồn phát gồm một bảng mạch điện tử được đấu với một hoặc nhiều vòng dây. Thiết bị thu cấu tạo tương tự nguồn phát nhưng có chức năng ngược lại và thiết kế nhỏ gọn hơn. Thiết bị hoạt động theo nguyên tắc biến đổi của dòng điện thông qua hệ thống thu phát sẽ chuyển thành năng lượng truyền mà không cần dây. Dòng điện một chiều được tạo ra theo cách này cuối cùng sẽ được sử dụng để sạc pin điện thoại và các thiết bị điện thông minh.

Em Trần Chí Nhân và mẹ tại nhà riêng

Thiết bị truyền không dây có nhiều lợi ích là: Không có giới hạn về số lượng các thiết bị cần sạc. Sạc không dây ít có nguy cơ bị điện giật, không lo sự cố về chập mạch hoặc ảnh hưởng đến thiết bị điện tử. Tuy nhiên, hạn chế là có nhiều cuộn dây và điện trở nên thiết bị thường tỏa nhiều nhiệt, tốn năng lượng, so với sạc có dây thì hiệu quả kém hơn, mất nhiều thời gian...

“Ở các thành phố lớn của nước ta, các trụ điện đang ở mức quá tải, gánh rất nhiều dây điện, cáp đủ loại tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, nhất là trong mùa mưa bão. Nếu mô hình truyền điện không dây được phát triển và đưa vào ứng dụng thực tiễn còn cải thiện tình trạng mất an toàn về điện ở các khu đô thị” - Nhân khẳng định.

Cô Trần Thị Thủy, giáo viên dạy môn Vật lý, Trường THPT Trần Phú cho biết: “Khi Nhân trình bày ý tưởng sáng tạo mô hình truyền điện không dây, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu và hỗ trợ mua thiết bị, lắp ráp, hàn gắn các vi mạch. Quá trình hình thành phải làm lại rất nhiều lần, tốn công sức và thời gian. Tuy nhiên, từ niềm đam mê, trách nhiệm, cô và trò đã đạt kết quả tốt. Đây cũng là thành quả đầu tiên của Nhân và trường trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng do tỉnh tổ chức”.

Chị Văn Thị Xuân Phương, mẹ Nhân cho biết: “Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng các con đều hiếu học. Riêng Nhân sớm bộc lộ thông minh, tự lập, đặc biệt hay mày mò sáng tạo làm nhiều sản phẩm đồ chơi từ các loại phế phẩm lượm về từ các vựa ve chai. Đoạt giải nhất hội thi cấp tỉnh với phần thưởng trị giá 6 triệu đồng, cháu có tiền đóng học phí đại học. Vui hơn nữa là kết quả đã tạo động lực quan trọng giúp cháu thêm tự tin, say mê học tập và sáng tạo”.

Nhân chia sẻ, ngày nay việc sử dụng các thiết bị không dây đang tăng nhanh trên toàn thế giới, với nhiều tiện ích và tính ưu việt, công nghệ truyền điện không dây sẽ ngày càng được áp dụng rộng rãi. Nhân đang học tại Khoa Điện, Điện tử Đại học Bình Dương. Em ước mơ sau này sẽ làm kỹ sư điện để thỏa mãn đam mê sở trường, đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển để mô hình này được áp dụng rộng rãi trong cuộc sống.

Quang Minh

  • Từ khóa
88333

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu