Thứ 6, 29/03/2024 01:20:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:19, 09/10/2019 GMT+7

Học sinh sáng tạo

Thứ 4, 09/10/2019 | 14:19:00 1,518 lượt xem

BP - Theo đuổi giấc mơ trở thành kỹ sư cơ khí, em Trịnh Văn Tuấn (SN2002, ảnh), học sinh lớp 12D1, Trường THPT Đồng Xoài không ngừng sáng tạo, sử dụng phế phẩm cơ khí tạo nên những sản phẩm tham gia các cuộc thi sáng tạo và ứng dụng thiết thực vào cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, với sản phẩm “Dụng cụ trợ lực tay cầm”, em đoạt giải nhất cấp thành phố và giải nhì cấp tỉnh cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm học 2018-2019.

Từ năm lớp 3, Tuấn đã tham gia và đoạt giải cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng do huyện Đồng Phú tổ chức. Khởi đầu thuận lợi giúp Tuấn tiếp tục sáng tạo để hoàn thành các sản phẩm dự thi ở những cuộc thi tiếp theo. Những năm học tiểu học, THCS, Tuấn đều gửi sản phẩm dự thi và đoạt giải. Năm lớp 10, Tuấn chỉ hỗ trợ các bạn tham gia dự thi. Năm lớp 11, ổn định kết quả học tập văn hóa, Tuấn đăng ký tham gia với sản phẩm “Dụng cụ trợ lực tay cầm” và đoạt giải nhất cấp thành phố, đoạt giải nhì cấp tỉnh.

Tuấn cho biết: Đam mê cơ khí nên những ngày được nghỉ học, em đi làm thêm tiết kiệm tiền mua các loại máy cắt, máy hàn xì để phục vụ niềm đam mê sáng tạo của bản thân. Đối với sản phẩm “Dụng cụ trợ lực tay cầm”, em sử dụng các thanh sắt hàn gắn lại tạo ra thành phẩm (có thể dùng bằng nguyên liệu nhôm). Cấu tạo sản phẩm gồm trục chính chữ L dài 60cm, rộng 15cm, đục một lỗ tròn ở điểm giao nhau 2 trục để gắn vào đó thanh điều chỉnh chiều dài. Thanh điều chỉnh chiều dài cũng được đục 7 lỗ tròn từ trong ra ngoài phù hợp với diện tích vật cần hỗ trợ (lỗ tròn thiết kế càng sát bên trong sản phẩm thì nâng được vật với diện tích nhỏ và ngược lại). Sản phẩm được làm trong 3 tiếng đồng hồ và chỉ mất khoảng 50 ngàn đồng vật liệu. Sản phẩm dùng kẹp, hỗ trợ cầm nắm và di chuyển vật nặng dễ dàng theo nhu cầu. Một người khi sử dụng sản phẩm “Dụng cụ trợ lực tay cầm” có thể nâng đỡ vật dụng tùy theo khối lượng mà khả năng sức mình có thể nâng đỡ từ 15-20kg hoặc có thể nặng hơn. Tuấn đã dùng sản phẩm này để di chuyển chậu kiểng; khi đi làm thêm ở quán tạp hóa “Dụng cụ trợ lực tay cầm” di chuyển một lúc 3 thùng bia giúp giảm bớt sức lực và thời gian... Tuấn cho biết: “Em chưa nghĩ tới việc bán sản phẩm ra thị trường nhưng rất muốn “Dụng cụ trợ lực tay cầm” được đặt ở các điểm công cộng để hỗ trợ miễn phí những lao động có nhu cầu. Đây là sản phẩm phù hợp với công việc nặng và khiêng đỡ sản phẩm nông nghiệp”.

Thầy Trần Tiến Hiệp, Bí thư Đoàn trường THPT Đồng Xoài, phụ trách lĩnh vực sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, cho biết: Từ lớp 10, Tuấn đã hỗ trợ bạn thực hiện sản phẩm sáng tạo dự thi. Năm học 2018-2019, sản phẩm dự thi của em đoạt giải nhất cá nhân và góp phần đưa tập thể trường dẫn đầu thành phố cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng. Em còn nhiệt tình tham gia các cuộc thi sáng tạo khác và giành nhiều giải thưởng như cuộc thi sáng tạo trẻ do Tỉnh đoàn tổ chức, cuộc thi sáng tạo nhanh của trường... Tham gia các cuộc thi sáng tạo sẽ có thêm kỹ năng và kinh nghiệm để các em tiếp bước trong tương lai.

Không nhớ mình có bao nhiêu giấy khen, phần thưởng từ các cuộc thi sáng tạo nhưng điều khiến Tuấn không quên là chính sân chơi này nhen lên niềm đam mê khám phá khoa học, kỹ thuật trong em, đặc biệt với lĩnh vực cơ khí. Từ đó, em càng theo đuổi giấc mơ trở thành kỹ sư cơ khí trong tương lai.

Cẩm Liên

  • Từ khóa
2325

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu