Thứ 6, 19/04/2024 11:42:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:56, 24/04/2018 GMT+7

Học sinh khá, giỏi có muốn trở thành nhà giáo!?

Thứ 3, 24/04/2018 | 06:56:00 231 lượt xem

BP - Từ năm 2018, chỉ học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên mới được đăng ký xét tuyển vào đại học sư phạm. Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp sư phạm, chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên. Đây là một trong những điểm mới của dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2018. Tuy nhiên, nội dung này rất khó khả thi, bởi chế độ đãi ngộ và bài toán đầu ra đối với sinh viên sư phạm hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

 

Tôi mang câu chuyện nâng chuẩn tuyển sinh đầu vào của ngành sư phạm trao đổi với cô Nguyễn Thị Thu Ngân, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Đồng Xoài. Cô Ngân chia sẻ: Muốn học sinh giỏi đầu quân vào ngành sư phạm thì bộ nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, giống như các ngành công an, quân đội. Khi thực hiện được những chính sách này, ngành sư phạm không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào vẫn có thể tuyển được học sinh khá, giỏi. Và để thể hiện quan điểm của mình, cô Ngân cung cấp cho tôi địa chỉ của 2 học trò cũ. Một người có trình độ thạc sĩ giáo dục nhưng mất một thời gian khá dài mới được tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Một người ngậm ngùi cất tấm bằng sư phạm loại giỏi để làm nghề kinh doanh vì không xin được việc.

Cất bằng giỏi, bán cám gạo

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Lịch sử năm 2015, Cao Thị Thu (nhà ở xã Long Bình, huyện Phú Riềng) hào hứng cầm tấm bằng loại giỏi về Trường THPT Đồng Xoài - nơi em từng học với mong muốn được cùng thầy cô giáo của mình góp sức xây dựng ngành giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, trường không còn chỉ tiêu, các trường khác ở Đồng Xoài cũng không tuyển dụng, Thu đành về xã Long Bình với hy vọng xin vào Trường THCS Long Bình. Không được, em lại mang hồ sơ tới Trường THCS Long Hà, xã Long Hà (Phú Riềng), cách nhà 8km, vẫn không được nhận vì không có chỉ tiêu. Suốt 2 năm, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng đã cạy cục nhờ vả, chạy vạy nhiều nơi với mong muốn Thu được toại nguyện đứng trên bục giảng, nhưng mọi cố gắng của Thu cùng gia đình đã không được đền đáp.

Em Cao Thị Thu trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học (ảnh trái)

Thu cho biết, khóa K37 Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh có 127 sinh viên tốt nghiệp. Toàn khóa chỉ 5 người đạt loại giỏi và Thu là một trong 5 người đó. Ngày được thầy hiệu trưởng trực tiếp trao bằng tốt nghiệp, Thu rất xúc động và tự nhủ sẽ nỗ lực để trở thành một giáo viên tốt. Nhưng bây giờ... Thu chớp chớp mắt và cố nhìn lên trần nhà để ngăn giọt nước mắt chực rơi. Lớp Sử K37B của Thu có 50 sinh viên, Thu được biết hầu hết phải tìm việc trái nghề. Những bạn xin được vào ngành sư phạm cũng chỉ làm các công việc không đúng chuyên môn như giám thị, quản lý học sinh ngoại trú hoặc dạy những môn không được đào tạo. Trong 5 bạn người Bình Phước cùng tốt nghiệp với Thu, 1 bạn ở Đồng Xoài không tìm được việc đã mở đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 2 bạn nhà ở Phước Long đang làm những công việc không đúng với chuyên môn tại Sài Gòn.

Tấm bằng loại giỏi vẫn được cất trong ngăn tủ và lâu lâu Thu lại mang ra ngắm với một sự tiếc nuối. Nhưng bây giờ Thu không còn thời gian để buồn nữa, bởi em khá bận rộn với đại lý cám gạo và đại lý phân bón - thuốc bảo vệ thực vật ở thôn 3, xã Long Bình, không những thế em còn phải chăm sóc con trai 2 tuổi rất hiếu động. Thu nói, trong gia đình còn 3 em chuẩn bị thi đại học. Thu đã tư vấn để các em chọn những trường được bảo lãnh đầu ra như công an, quân đội, biên phòng chứ không chọn những trường theo ý thích. Từng đoạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh, thi đại học khối C đạt 25,5 điểm, tốt nghiệp đại học loại giỏi và luôn mong muốn được đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức cho học sinh, nhưng tới đâu Thu cũng bị khước từ bởi không có chỉ tiêu... Chuyện học hành và xin việc của Thu đã trở thành bài học nhãn tiền cho các em rồi.

Thạc sĩ giáo dục và mức lương 2,8 triệu đồng/tháng

Đó là trường hợp em Nguyễn Thị Trúc Linh. Tốt nghiệp Khoa Sử K34 Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh năm 2012 với tấm bằng loại khá, Trúc Linh trở về Bình Phước với niềm tin sẽ được nhận vào dạy tại một trường THPT ở thị xã Đồng Xoài hoặc Đồng Phú. Nhưng năm Linh ra trường, Bình Phước không tuyển viên chức giáo dục nên em nộp đơn vào ngành văn hóa. Không trúng tuyển, Linh trở lại Sài Gòn và thi cao học. Năm 2014, Linh tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử thế giới. Vẫn không có một cơ hội nào ở tỉnh, Linh đành xin dạy ở trường tư tại Sài Gòn. Nhưng rồi ba bị bệnh nặng, gia đình muốn Linh về gần nhà để tiện chăm sóc ba. Và từ đây Linh bắt đầu một hành trình vất vả đi xin việc. Suốt một năm rưỡi, Linh cùng gia đình chạy đôn đáo nhưng vẫn không tìm được việc làm, chưa nói là đúng ngành nghề đào tạo. Tháng 2-2016, Linh được tuyển vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Phú với mức lương khởi điểm 2,8 triệu đồng/tháng.

Hằng ngày, em Nguyễn Thị Trúc Linh phải phụ việc tại tiệm tóc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống

Trúc Linh chia sẻ, em không buồn vì được phân công về Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện. Chỉ buồn là trong danh sách trên 100 người trúng tuyển viên chức ngành giáo dục của tỉnh năm 2016, nếu xét về bằng cấp thì Linh đứng ở vị trí thứ 2 và xét về điểm thì ở vị trí thứ 3. Thế nhưng Linh không được phân công về những vị trí công việc thuận lợi theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh. Với mức lương khởi điểm 2,8 triệu đồng/tháng, ba mẹ Linh phải nuôi cơm. Sau 2,5 năm giảng dạy, giờ lương của Linh đã tăng lên 3,7 triệu đồng nhưng vẫn rất chật vật với những khoản chi phí như đám cưới, tân gia, thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, gặp gỡ bạn bè... Không thể cứ xin ba mẹ nên hằng ngày ngoài giờ lên lớp, Linh lại phụ làm tại tiệm tóc của chị gái để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Những đồng nghiệp của Linh ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Phú, người thì làm thêm ở quán ăn, người làm ở tiệm photo, có người nhận việc gia công hạt điều để phụ vào đồng lương ít ỏi. Những người đã có gia đình càng chật vật hơn. Cùng khóa của Linh có 20 bạn và lớp Sử K34 có 3 bạn người Bình Phước. Hầu hết bạn bè đều làm trái ngành. Người bạn thân thiết suốt 4 năm đại học của Linh là Trần Thị Ngọc Dung, quê ở tỉnh Đồng Nai, sau 3 năm cầm hồ sơ đi khắp nơi xin việc không được đã chọn con đường xuất khẩu lao động. Một bạn người Phước Long tốt nghiệp loại khá chuyên ngành Sử - Giáo dục quốc phòng, giờ đành chấp nhận ở nhà nuôi heo, làm vườn vì không xin được việc.

Nguy cơ gặp khó trong tuyển sinh sư phạm

Cô Nguyễn Thị Thu Ngân cho biết thêm, bình quân mỗi năm, Trường THPT Đồng Xoài có khoảng 500 học sinh lớp 12, nhưng rất ít em đăng ký thi vào các trường sư phạm. Năm vừa rồi chỉ khoảng 10-12 em.

Cô Ngân cho rằng nếu việc xét tuyển trên cơ sở học bạ và điểm thi sẽ dẫn đến nạn chạy điểm, chạy thành tích ở bậc THPT. Hơn nữa, đồng lương nhà giáo ít ỏi (với những người đang giảng dạy) và áp lực xin việc, áp lực công việc hằng ngày khiến ngành sư phạm không còn hấp dẫn. Với tình trạng hiện nay của ngành (nạn chạy theo thành tích; bạo lực học đường; những tha hóa trong quan hệ thầy trò, phụ huynh với giáo viên...) khiến ngành giáo dục không còn sức hút nữa. Những học sinh thực sự giỏi sẽ tìm cơ hội học tập, việc làm ở các ngành công an, quân đội hoặc kinh tế, pháp luật... chứ không quan tâm đến ngành sư phạm. Cô Ngân ngậm ngùi nói, trường hợp em Trúc Linh, sau gần 7 năm học tập, có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm loại khá và thạc sĩ giáo dục mà giờ phải chấp nhận một môi trường làm việc ở trung tâm giáo dục thường xuyên - dạy nghề cấp huyện, với mức lương 3,7 triệu đồng/tháng thì quá tội nghiệp cho em. Và hẳn còn có rất nhiều trường hợp như em Thu, em Trúc Linh.

Từ sự tuyển sinh dễ dãi ở một số trường sư phạm thời gian gần đây, thậm chí mùa tuyển sinh năm 2017 có trường chỉ tuyển đầu vào 9 điểm, thì việc nâng chuẩn đầu vào sẽ góp phần hạn chế được việc tuyển sinh ồ ạt, kém chất lượng của ngành sư phạm. Tuy nhiên, quy định này là khó khả thi, bởi ngay cả khi chưa áp dụng quy định ngưỡng đầu vào khá, giỏi đã rất khó tìm kiếm người tài giỏi vào ngành trong bối cảnh quá nhiều áp lực tìm việc làm sau khi ra trường. Nếu vẫn còn tình trạng cử nhân, thạc sĩ bằng giỏi, thậm chí thủ khoa sư phạm ra trường thất nghiệp như 2 trường hợp đã nêu thì việc đặt ra tiêu chuẩn học sinh giỏi mới được xét tuyển vào ngành sư phạm sẽ dẫn tới nguy cơ phải đóng cửa một số ngành đào tạo bởi không có học sinh đăng ký dự thi.

Muốn tuyển được người giỏi vào ngành sư phạm thì cần nhiều giải pháp đồng bộ và cơ chế ưu tiên cả trong quá trình đào tạo lẫn giải quyết việc làm khi ra trường. Còn nếu chỉ nâng chuẩn đầu vào thì với những thông tin trong bài, liệu những học sinh khá, giỏi có còn muốn trở thành thầy cô giáo hay không!?

Thảo Linh

  • Từ khóa
87685

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu