Thứ 5, 18/04/2024 21:27:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:26, 21/02/2015 GMT+7

Học Bác để sống có trách nhiệm với cộng đồng

Thứ 7, 21/02/2015 | 08:26:00 1,899 lượt xem
BP - Phong cách giản dị, mộc mạc, cả đời cần mẫn lao động, ông chỉ mong con cháu tu chí làm ăn để xã hội bớt gánh nặng. Theo ông Điểu Tuồng, muốn xã hội tốt thì trước hết bản thân mỗi người hãy học Bác mà xây dựng gia đình no ấm và làm đẹp nơi MÌNH sinh sống.


Ông Điểu Tuồng rất vui vì phần đất ông hiến xây điểm trường mẫu giáo giúp con em trong thôn có nơi học tập sạch – đẹp

 

Hiến đất xây công trình công cộng

Ở thôn Sơn Trung, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập), ai cũng biết ông Điểu Tuồng (1961). Căn nhà cấp 4 đơn sơ, tiện nghi đơn giản nhưng trong nhà lúc nào cũng vang tiếng cười. Ông Điểu Tuồng bảo, như vậy cho dễ sống, nhà cao cửa rộng nhưng chỉ biết một mình thì thật buồn tẻ. Mình mang lại niềm vui cho cộng đồng là hạnh phúc rồi.

Hồi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Mơ, gia đình ông được đền bù một khoản tiền kha khá. Ông dành toàn bộ số tiền để trả nợ và mua đất cho con dựng nhà khi lập gia đình. Thời điểm đó, người dân trong thôn đa số còn nghèo, bữa đói bữa no. Các công trình công cộng phục vụ nhu cầu của người dân còn thiếu thốn. Trường lớp cũng tạm bợ, thậm chí còn mượn nhà dân. Sân chơi không có. Mỗi dịp lễ, hội của đồng bào, người dân không có nơi sum họp, giao lưu. Vì thế, ông Điểu Tuồng đã hiến đất xây nhà văn hóa của thôn. Do vậy, tất cả lễ, hội của đồng bào Xêtiêng được duy trì hoạt động, sinh hoạt đều đặn hơn. Trước nhà văn hóa còn một khoảng không gian khá rộng, làm sân chơi cho trẻ em trong thôn. Từ đó, hạn chế được tình trạng trẻ em tổ chức trò chơi bên lề các đoạn đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Năm 2009, nhận thấy đường vào đội 4 của thôn chỉ là lối mòn, rất khó đi nên ông hiến thêm 5m chiều sâu với mặt đường dài 100m và vận động người dân cùng hiến đất mở rộng đoạn đường dài gần 2km. Thấy được lợi ích thiết thực nên người dân ở hai bên đường tích cực làm theo, vừa hiến đất vừa góp công làm đường. Chỉ sau vài tháng, cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, đoạn đường sỏi đỏ rộng, bằng phẳng đã hoàn thành, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng. Ông còn tặng đất các hộ bà Thị Blé và anh Điểu Bưl cùng thôn xây nhà ở. Anh Điểu Bưl cho biết: Gia đình tôi không có đất ở nên dựng lều tạm trong vườn điều, hàng ngày đi làm công. Được ông Tuồng cho đất, vợ chồng tôi chuyển về dựng nhà tạm trong thôn để ổn định cuộc sống. Về khu dân cư mọi sinh hoạt rất thuận tiện, con cái đi học cũng dễ dàng.

Trưởng thôn năng động

Trước đây, đồng bào trong thôn thường bán đất, cầm cố vườn điều non lấy tiền tiêu xài nên không ít hộ rơi vào cảnh đói nghèo. Ông Điểu Tuồng đã kiên trì đến từng nhà thuyết phục người dân giữ đất sản xuất, không nghe kẻ xấu xúi giục, tập trung phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống. Ông còn nêu gương bằng cách đầu tư phân bón và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên cây điều cho năng suất cao để người dân làm theo.

Là người dân tộc thiểu số, gia đình lại nghèo nên từ nhỏ ông Điểu Tuồng không được đến trường học chữ. Thế nhưng, với sự năng động, làm việc có trách nhiệm, hết lòng vì cộng đồng nên ông được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn từ năm 1991 đến nay. Hơn 20 năm gánh vác công việc thôn ấp, ông luôn nhận được niềm tin và sự quý trọng của mọi người. Với ông, đó chính là hạnh phúc, là thành quả cao mà người dân đã dành tặng.

Thôn Sơn Trung có hơn 82% đồng bào Xêtiêng sinh sống lâu đời. Trước đây, nhiều hủ tục của đồng bào làm cho kinh tế gia đình ngày càng cạn kiệt. Thanh niên thất học nên suốt ngày lêu lổng chơi bời, không chí thú làm ăn. Phụ nữ đẻ nhiều, đẻ dày nên con cái nheo nhóc, còi cọc. Mỗi khi trong nhà có người đau bệnh thì gọi thầy mo đến cúng bái... Ông Điểu Tuồng đã phối hợp ban điều hành, các hội, đoàn thể của thôn, xã đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà vận động, tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để xây dựng cuộc sống mới. Ban đầu gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ “mưa dầm thấm lâu” nên cuối cùng ông đã thành công. Đồng bào trong thôn đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, chăm lo cuộc sống gia đình tiến bộ. Số hộ sinh con thứ ba trở lên giảm rõ rệt và tỷ lệ hộ gia đình văn hóa ngày càng tăng.

Tấm gương của đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Điểu Tuồng nói: Hiện kinh tế của đồng bào trong thôn ngày càng khá, mức sống được nâng cao hơn. Trước đây, đa số các hộ thuộc diện nghèo nhưng đến hết năm 2014, cả thôn có 300 hộ người Xêtiêng thì chỉ còn hơn 50 hộ nghèo. Tình trạng bán đất, cầm cố vườn điều non cũng giảm đáng kể, hiện chỉ còn 3 hộ do chưa có tiền chuộc lại. Nhiều người trong độ tuổi lao động được nhận vào làm việc tại cơ sở sản xuất tư nhân trên địa bàn hoặc chẻ điều thuê tại nhà, kiếm thêm thu nhập. Đến nay, kinh tế nhiều gia đình đã khấm khá, mua sắm được những đồ dùng sinh hoạt đắt tiền.

Ông Huỳnh Ngọc Trung, Phó chủ tịch UBND xã Đức Hạnh cho biết: Ông Điểu Tuồng là trưởng thôn năng động, nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc. Không chỉ tập hợp, đoàn kết được người dân trong thôn, ông còn nêu gương để mọi người học, làm theo. Từ tấm gương ông Điểu Tuồng, mong người dân hãy sống có trách nhiệm với cộng đồng, chia sẻ với hộ khó khăn và chủ động phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu để có cuộc sống ổn định.

Để bà con trong thôn đón tết trọn vẹn, vừa qua, ông Điểu Tuồng đã vận động người dân đóng góp dựng 73 trụ điện thắp sáng đường thôn với tổng kinh phí hơn 116 triệu đồng. Buổi tối ở thôn Sơn Trung, ánh sáng điện đã chiếu mọi ngõ ngách, làm cho mùa Xuân thêm rộn ràng, tràn đầy nhựa sống.

Năm 1994, ông Điểu Tuồng đã hiến đất xây nhà văn hóa thôn, điểm trường mẫu giáo, trường tiểu học với tổng diện tích 1.750m2. Từ chỗ tạm bợ, đến nay con em trong thôn đã được đến trường đầy đủ, ra lớp đúng độ tuổi 100%, chấm dứt cảnh thất học, mù chữ. Nhờ có đất gia đình ông hiến tặng cùng nguồn vốn của Nhà nước và vận động nhân dân đóng góp 30 triệu đồng, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng trong niềm hân hoan của người dân.

                    

 H.C

 

  • Từ khóa
1863

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu