Thứ 6, 29/03/2024 18:50:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:55, 04/08/2015 GMT+7

Hoạt động đối ngoại tháng 7: Bước tiến lịch sử trong quan hệ Việt - Mỹ

Thứ 3, 04/08/2015 | 15:55:00 1,205 lượt xem
BPO - Hoạt động đối ngoại tháng 7 diễn ra hết sức sôi động, với nhiều sự kiện quan trọng như chuyến thăm lịch sử Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Anh thăm Việt Nam...

Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư

Từ ngày 6-12/7, lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, một chức danh tương đương không có trong hệ thống quản trị của Hoa Kỳ, thăm chính thức Hoa Kỳ - một quốc gia vốn là cựu thù, có hệ thống chính trị khác biệt. Tổng thống Obama, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ đã đón Tổng Bí thư với nghi thức rất cao, rất trọng thị, với một chương trình làm việc rất phong phú và thực chất. 

Chuyến thăm nói lên rằng hai quốc gia có chế độ chính trị khác nhau vẫn có thể vượt qua khác biệt, hiểu biết và chấp nhận nhau, hợp tác với nhau vì lợi ích chung.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Obama

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Barack Obama; phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), gặp gỡ các tầng lớp xã hội Hoa Kỳ, gặp gỡ các nghị sĩ Hoa Kỳ, thăm gia đình cựu Tổng thống Bill Clinton, gặp gỡ bạn bè cánh tả có cảm tình với Việt Nam; hội kiến với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Hai bên đã nhất trí về các định hướng lớn nhằm phát triển quan hệ song phương, làm sâu sắc và phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trong thời gian tới, thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở các vấn đề đòi hỏi nỗ lực của cả hai bên như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên như nhân quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh... Hai bên thảo luận về việc giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo đảm thông thương trong khu vực và sự thịnh vượng của các quốc gia; và những vấn đề quan trọng toàn cầu khác.

Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết 14 văn kiện, thỏa thuận hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hàng không, thuế, ngân hàng, dầu khí, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về tương lai quan hệ thương mại giữa hai nước.

Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí, dư luận trong và ngoài nước. Tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn bình luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng ông hoan nghênh những hành động của Mỹ gần đây nhằm thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

"Chuyến công tác sẽ góp phần củng cố mối quan hệ đang ngày càng gần gũi giữa Mỹ và Việt Nam", AFP dẫn lời ông Josh Kurlantzick từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ và nhận định thêm rằng đây là sự kiện "rất đáng quan tâm".

Thúc đẩy hợp tác Mekong - Nhật Bản

Đầu tháng 7 (3 đến 5-7) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7.

Toàn cảnh Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7

Kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần này là các nhà lãnh đạo 5 nước Mekong: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản đã thông qua Chiến lược Tokyo 2015 với các định hướng rõ ràng cho hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn 2016-2018; với mục tiêu bao trùm là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại tiểu vùng Mekong. 

Trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong-Nhật Bản, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đại dương, một tài sản chung của thế giới; khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn để bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực; nhấn mạnh việc cần phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không, an toàn hàng hải, giao thương thông suốt và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn cầu, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Trong thời gian ở Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đến chào Nhà vua Nhật Bản, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản, dự Diễn đàn Năm nền kinh tế Mekong...

Cũng trong tháng 7 (23 đến 31-7), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản và đồng chủ trì phiên họp Ủy ban hợp tác Việt-Nhật lần thứ 7. Hai bên đã trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm làm sâu sắc, hiệu quả và thực chất hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.

Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Thái Lan phát triển toàn diện, thực chất

Thực hiện thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam, Thái Lan và nhận lời mời của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, ngày 23-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và đồng chủ trì họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3.

Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tổ chức trọng thể tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan

Chương trình của Thủ tướng Chính phủ bao gồm nhiều hoạt động: Họp hẹp, hội đàm giữa hai Thủ tướng, họp Nội các chung, gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Thái Lan, gặp Công chúa Thái Lan, phát biểu tại Đối thoại Doanh nghiệp, gặp một số doanh nghiệp lớn của Thái Lan.

Tại cuộc họp Nội các chung lần thứ 3 giữa Việt Nam-Thái Lan, hai bên đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỉ USD vào năm 2020. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, đầu tư vào các ngành thế mạnh như du lịch biển, vận tải hành khách; công nghiệp dệt may, da giày; nông nghiệp, thủy sản, chế biến nông sản thực phẩm; trồng và chế biến cao su; cơ khí chế tạo, hóa chất, nguyên vật liệu.

Hai nước đã ký những văn kiện rất quan trọng, đặc biệt là Tuyên bố chung Họp nội các chung Việt Nam-Thái Lan “Bước vào thập kỷ thứ 5 quan hệ Việt Nam-Thái Lan: Hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường”.

Tạo xung lực mới đưa quan hệ Việt-Anh lên tầm cao mới

Trong 2 ngày cuối tháng 7 (ngày 29 và 30), Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland David Cameron thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thủ tướng hai nước hội đàm chính thức

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Anh đương nhiệm, là cột mốc quan trọng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo xung lực mới đưa quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới.

Trong thời gian ở Việt Nam, Thủ tướng David Cameron đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thăm TPHCM. Thủ tướng Anh lần này sang Việt Nam mang theo một máy bay đầy doanh nhân.

Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã trao đổi và nhất trí nhiều phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác song phương trên rất nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, chính trị ngoại giao. Hai bên đã ra tuyên bố chung.

Thủ tướng David Cameron chính thức thông báo Chính phủ Anh đã quyết định miễn thị thực vào nước Anh cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao.

Tăng cường quan hệ hữu nghị với nước láng giềng

Trung tuần tháng 7, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong thời gian này, ông Trương Cao Lệ đã hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, và hội đàm với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên nhất trí thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh hợp tác thực chất cùng có lợi trên các lĩnh vực, đưa hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển ổn định, cân bằng, lành mạnh.

Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí nghiêm túc tuân thủ các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” và “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), sớm cùng các nước ASEAN hoàn tất xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC); xử lý thỏa đáng các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên biển; góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững.

* Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 13 đến 18-7, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachit thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6 đến 8-7-2015.

Trong thời gian ở Việt Nam, Thủ tướng Lào đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, thăm Đà Nẵng….

Hai Thủ tướng đã trao đổi và nhất trí cao các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để tăng cường, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thongsing Thammavong bày tỏ nhất trí sẽ cùng lắng nghe kết quả Nghiên cứu chung về tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong dự kiến công bố vào tháng 12/2015. Lãnh đạo hai nước nhất trí, nếu thực sự việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mekong có ảnh hưởng, tác động lớn tới môi trường và đời sống của nhân dân thì nhất định không nên làm.

* Ngày 27-7, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil M. L.Vieira đã thăm và làm việc tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng ngoại giao Brazil tiến hành hội đàm.

Hai bên đã đạt đồng thuận và nhất trí trên tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương, từ chính trị-ngoại giao đến kinh tế, thương mại, đầu tư. Brazil sẽ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; tích cực đàm phán để sớm ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 3 tỉ USD năm 2014 lên 10 tỉ USD vào năm 2020.

* Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm 3 nước châu Phi là Mozambique, Nam Phi và Angola. Chuyến thăm của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tới 3 nước châu Phi thể hiện Việt Nam coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống cũng như hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với 3 nước này cũng như khu vực châu Phi.

Các hoạt động đối ngoại sôi động thể hiện rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam là kiên trì hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Nguồn Chinhphu.vn

  • Từ khóa
13589

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu