Thứ 5, 25/04/2024 16:44:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:32, 23/12/2018 GMT+7

Hoạn quan lộng quyền

Chủ nhật, 23/12/2018 | 13:32:00 1,449 lượt xem

BP - Uy Nam vương Trịnh Giang là con trưởng của An Đô vương Trịnh Cương, mẫu thân là bà Vũ Thị Ngọc Nguyên, người xã Mỹ Thứ, huyện Đường Yên. Ông chào đời năm 1711, dưới triều Lê Dụ Tông. Khi ông còn làm thế tử, bảo phó của ông là Nguyễn Công Hãng đã dâng mật sớ nhận xét rằng ông là người ươn hèn, không thể gánh vác được ngôi chúa. Trịnh Cương có ý định thay đổi ngôi thế tử nhưng vẫn chưa kịp tiến hành. Mùa đông năm 1729, Trịnh Cương đi tuần du ở Như Kinh, giữa đường thì bị bệnh chết, các quan bí mật đưa về phủ chúa rồi phát tang. Trịnh Giang với tư cách thế tử lên nối ngôi chúa.

Sau khi lên ngôi, Trịnh Giang có ý thực hiện một số cải cách với quy mô nhỏ. Theo lời đề nghị của Nguyễn Công Hãng, đầu năm 1730, chúa ra lệnh giảm bớt thuế tô cho ruộng tư theo các hạng; Thanh Hóa và Nghệ An không có đường đê cũng miễn cho tiền thuế điệu, hạng chính đinh được giảm bớt một nửa, hạng hoàng đinh và hạng lão thì nhất luật miễn trừ; sau đó còn có lệnh định lại niên hạn làm sổ đinh. Về sau còn ra lệnh bãi một số thuế nặng như thuế thổ sản, thuế muối...

Thế nhưng sau này, Trịnh Giang làm nhiều việc mất lòng người như giết vua và các đại thần được trọng vọng; lại sa vào con đường ăn chơi xa xỉ, tin dùng hoạn quan, gian nịnh khiến chính sự ngày càng đổ nát, cơ đồ họ Trịnh rơi vào con đường suy vong. Đến nửa cuối giai đoạn trị vì của ông, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra thành một làn sóng mạnh mẽ khắp đàng Ngoài càng làm lung lay sự thống trị của họ Trịnh. Trước tình hình đó, năm 1740, mẹ ông là Thái phi Vũ thị cùng một số đại thần trong phủ chúa đã lật đổ ông và đưa em trai là Trịnh Doanh lên cầm quyền. Trịnh Giang được tôn làm thái thượng vương nhưng bị giam lỏng đến khi qua đời.

Khi còn ở ngôi, để có tiền chi xài, Trịnh Giang đẩy mạnh việc buôn bán quan tước. Năm 1736, chúa Trịnh Giang ra lệnh: Quan và dân đều cho phép nộp tiền, sẽ được cất nhắc trao cho chức phẩm: Các viên quan trong triều ban từ lục phẩm trở xuống, ai nộp 600 quan tiền sẽ được thăng chức một bậc; nhân dân, ai nộp 2.800 quan được bổ thụ tri phủ, nộp 1.800 quan được bổ thụ tri huyện.Trịnh Giang lại rất tin dùng hoạn quan Hoàng Công Phụ, nghe lời Phụ đặt ra giám ban ngang hàng với văn, võ ban đương thời. Sách “Cương mục” có đoạn viết về sự việc này như sau: Theo chế độ cũ, các quan chỉ có 2 ban văn và võ. Đến nay, bọn hoạn quan lộng quyền, Trịnh Giang mới đặt thêm giám ban. Các quan lấy làm hổ thẹn nhưng không ai dám nói.

Nhân lúc triều đình lâm vào cảnh rối ren, Hoàng Công Phụ đã cậy thế nắm quyền gièm pha cho Trịnh Giang giết chết hoạn quan Đỗ Bá Phẩm, rồi Trương Nhung. Tiếp theo, Phụ tìm cách giải tỏa sự cô lập bằng việc xúi Trịnh mở khoa thi ngay trong phủ chúa, lấy riêng Trịnh Tuệ, người trong họ đỗ trạng nguyên, để ông này vào làm tể tướng. Từ đó, triều đình vua Lê - chúa Trịnh “Kẻ trong người ngoài xướng họa với nhau”, tạo mối liên kết văn, giám ban, lũng đoạn triều cương.

Vì ham mê tửu sắc nên sức khỏe Trịnh Giang ngày càng kém sút. Một hôm bất ngờ Trịnh Giang bị sét đánh gần chết. Từ đó Giang mắc bệnh “kinh quý”, tâm thần bất định, hoảng hốt và hay sợ hãi. Hoàng Công Phụ nói dối rằng: “Đấy là vì dâm dục mà bị ác báo. Muốn không bị hại chỉ có cách là trốn xuống đất. Nhân đó, các hoạn quan hạ lệnh đào đất, làm hầm cho chúa, gọi là cung Thưởng Trì. Từ đó, Trịnh Giang ở hẳn dưới hầm, không hề ra ngoài. Nhờ vậy mà Công Phụ càng có điều kiện để lộng quyền.

Trước những việc làm ngang ngược của Trịnh Giang, nền chính trị ngày càng hủ bại, kinh tế cũng tuột dốc, mất mùa đói kém xảy ra, vì thế nên các cuộc khởi nghĩa cũng bắt đầu. Năm 1734, Quách Công Thi ở Lạc Thổ làm phản, hô hào tụ hợp nhiều người đi cướp bóc, đó là mầm mống đầu tiên của phong trào nông dân kéo dài hơn 30 năm ở đàng Ngoài. Khi loạn lạc nổi lên, Hoàng Công Phụ cậy thế tự mình đem quân đánh Nguyễn Tuyển ở Ninh Xá, thành Thăng Long bỏ trống. Quý Cảnh đem binh vào họp các quan phò lập Trịnh Doanh lên làm chúa, giết sạch bọn hoạn quan.

Lời bàn:

Trong số các đời chúa Trịnh thì Trịnh Giang là người tàn ngược, hiếu sắc, làm nhiều điều vô đạo, trái luân thường đạo lý, khi quân phạm thượng.Và theo nội dung của giai thoại này, chúa Trịnh Giang là kẻ vô cùng bạo ngược, phế vua nọ lập vua kia và sát hại các công thần như Nguyễn Công Hăng, Lê Anh Tuấn. Trịnh Giang còn thẳng tay truất bỏ và trừng trị những người dám can ngăn việc làm của ông như Bùi Sỹ Tiêm. Chính chúa Trịnh Giang đã làm thui chột đi những nhân tố tích cực trong quản lý xã hội thời bấy giờ. Trịnh Giang vu cho vua Lê tư thông với vợ của cha mình để phế truất nhưng rồi chính ông lại phạm vào điều cấm đó với Kỳ Viên họ Đặng.

Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến ông bị mất ngôi. Và điều gì đến sẽ phải đến, cơ nghiệp của họ Trịnh trượt dốc nhanh chóng từ thời chúa Trịnh Giang rồi bị Tây Sơn đánh đổ một cách dễ dàng. Cuối cùng là Trịnh Khải phải dùng dao cắt cổ tự tử. Thế mới hay rằng, cái gì vốn không thuộc về mình thì có muốn cũng không được hoặc dùng vũ lực để có thì cũng bị kẻ khác lấy mất bằng chính chiêu thức của mình hay tự nó rồi sẽ mất đi. Vâng, quy luật ở đời là thế! 

ND

  • Từ khóa
110130

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu