Thứ 3, 23/04/2024 21:14:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 16:33, 20/11/2018 GMT+7

Hoàn cảnh lập di chúc miệng

Thứ 3, 20/11/2018 | 16:33:00 307 lượt xem

BPO - Bộ luật Dân sự hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Trong bộ luật này đã dành trọn phần thứ tư, với 4 chương từ chương thứ XXI đến chương XXIV, gồm 53 điều (từ điều 609 đến điều 671) quy định về thừa kế và những vấn đề có liên quan đến thừa kế. Theo đó, Bộ luật Dân sự quy định có hai hình thức thừa kế là: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Về hình thức của di chúc, tại Điều 622 có quy định: Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Theo quy định trên, di chúc được xác lập bằng hai hình thức, thứ nhất là bằng văn bản và thứ hai là di chúc miệng. Nếu như di chúc bằng văn bản là hình thức di chúc được sử dụng phổ biến, có giá trị chứng cứ cao thì di chúc miệng lại là hình thức mang tính chất phòng ngừa - trao cho người lập di chúc cơ hội cuối cùng để lại ý nguyện định đoạt tài sản của mình, nên hình thức này không xảy ra phổ biến và không được khuyến khích nhiều (vì dùng lời nói nên giá trị chứng cứ không cao). Vì vậy, di chúc miệng không thể được lập trong mọi trường hợp thông thường như di chúc bằng văn bản, nghĩa là người lập di chúc phải ở trong hoàn cảnh đặc biệt do luật quy định mới được phép lập di chúc miệng. Cụ thể, tại Điều 629 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau: Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Như vậy, bản chất của hoàn cảnh quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 không thay đổi so với Bộ luật Dân sự năm 2005 trước đó, tức là vẫn giữ nguyên yêu cầu người có di chúc phải trong trường hợp tính mạng bị cái chết đe dọa, không thể lập di chúc bằng văn bản mới được di chúc miệng. Tuy nhiên, ở Bộ luật Dân sự năm 2015 có cách thể hiện đầy đủ và rõ nghĩa hơn. Vì, với yêu cầu thứ nhất là tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản và điều này hoàn toàn hợp lý khi luật cho phép một người đang cận kề cái chết, tính mạng bị đe dọa được dùng lời nói thể hiện ý nguyện của mình. Tuy nhiên, quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không cần thiết phải quan tâm nguyên nhân của việc tính mạng bị đe dọa là gì, bệnh tật hay nguyên nhân nào khác như trong Bộ luật Dân sự 2005. Vì trong trường hợp này nguyên nhân không đáng quan trọng, điều quan trọng là hệ quả “tính mạng bị cái chết đe dọa”. Vì vậy, việc Bộ luật Dân sự 2015 bỏ đi đoạn “do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác” là điều dễ hiểu.

Đối với yêu cầu thứ hai, trong Bộ luật Dân sự 2015 vẫn giữ nguyên nội dung nhưng thay thế từ “mà” thành từ “và”. Sự thay thế này tuy nhỏ nhưng làm rõ nghĩa, vì ngoài điều kiện tính mạng bị cái chết đe dọa thì còn phải đáp ứng điều kiện là “không thể lập di chúc bằng văn bản”, nếu người đó còn có thể lập di chúc bằng văn bản thì vẫn chưa được phép lập di chúc miệng. Cho nên việc dùng từ “và” để diễn đạt chính xác hai điều kiện cần và đủ này (ở đây thể hiện rõ sự bắt buộc là ngang nhau) để dẫn đến hoàn cảnh có thể lập di chúc miệng.

T. Nghĩa (Hội luật gia tỉnh)

  • Từ khóa
31459

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu