Thứ 5, 28/03/2024 23:22:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:30, 05/02/2017 GMT+7

Bà Thạch Thị Hồng - Hoa giữa đời thường

Chủ nhật, 05/02/2017 | 09:30:00 1,531 lượt xem
BP - Với tâm nguyện giúp người khuyết tật và người già neo đơn không nơi nương tựa có việc làm, chỗ ở ổn định, bà Thạch Thị Hồng ở xã Hưng Phước (Bù Đốp) đang nhận nuôi dưỡng, chăm sóc miễn phí 3 người già neo đơn, tạo việc làm cho 1 người khuyết tật. Bà như đóa hoa âm thầm tô sắc cho cuộc đời thêm đẹp.

Bà Thạch Thị Hồng chăm sóc các cụ neo đơn

Bà Thạch Thị Hồng sinh năm 1960, từng là chiến sĩ trinh sát thuộc Đội phòng chống ma túy Công an quận 3, TP. Hồ Chí Minh, nay đã nghỉ hưu. Năm 2005, nhận thấy Bù Đốp là vùng đất tiềm năng để phát triển kinh tế, bà cùng người bạn mở cơ sở mây, tre, lá thủ công, tạo việc làm cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Năm 2013, sau khi nghỉ hưu, bà về Hưng Phước ở hẳn. Bà Hồng cho biết, ban đầu cơ sở làm ăn được, nhân công có lúc đến 30 người, chủ yếu là khuyết tật. Khi kinh tế gặp khó khăn, cơ sở mây tre cũng khó phát triển, tận dụng diện tích cơ sở có sẵn, từ vốn vay của bạn bè, được Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh hỗ trợ 100 con heo giống, bà chuyển dần qua mô hình vườn - ao - chuồng, kết hợp trồng chuối, nuôi dê, heo, cá để gầy dựng lại kinh tế. Mục đích chính là tạo việc làm và có cơ sở để chăm lo các đối tượng khó khăn. Bà Hồng chia sẻ: Trước đây làm cơ sở mây, tre, lá nhưng dần nguyên liệu không có, tôi chuyển qua chăn nuôi, làm nông trại. Từng bước học hỏi và tự rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, đến nay kinh tế dần ổn định.

Anh Trái làm công trong trang trại gà của bà Hồng

Anh Huỳnh Công Trái sinh năm 1984, bị dị tật bẩm sinh teo chân trái, từ nhỏ không được học hành như các bạn cùng trang lứa. Với khiếm khuyết của mình anh rất khó tìm việc làm và thường tự ti về bản thân. Năm 2007, nhờ người quen giới thiệu, anh đến với cơ sở của bà Hồng. Từ khi được nhận vào làm, cuộc đời anh rẽ sang hướng khác. Không chỉ có việc làm và thu nhập ổn định, xóa dần mặc cảm về bản thân, điều quan trọng hơn là anh tìm thấy niềm vui vì trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Anh Trái cho biết: Tôi vào cơ sở làm đã được 10 năm, lương thưởng ổn định. Cô Hồng luôn nhiệt tình lo thuốc men, chỗ ăn, ở. Nhờ vậy, tôi có tiền lo cho hai đứa em đi học.

Ngoài anh Trái, bà Hồng đang nuôi dưỡng 3 cụ già neo đơn tuổi từ 70-80. Việc chăm sóc những người bình thường đã khó, đối với các cụ còn khó khăn gấp bội. Tuy tất bật với công việc hằng ngày nhưng bà Hồng vẫn dành thời gian chăm lo chu đáo cho các cụ với lòng yêu thương hết mực. Bà Hồng luôn coi họ như người thân, kiên nhẫn, dịu dàng chăm lo từ vệ sinh cá nhân, giặt giũ, thuốc thang đến bữa ăn, giấc ngủ.

Ông Hoàng Đức Vinh, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Bù Đốp nhận xét: Việc làm của bà Hồng có sức lan tỏa rộng, tạo phong trào chăm lo tốt đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Những việc làm của bà Hồng đáng để mọi người học tập và làm theo, để xã hội ngày thêm tốt đẹp.

Đ.Trung - T.Hoa

  • Từ khóa
2004

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu