Thứ 6, 29/03/2024 08:19:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 11:00, 20/08/2016 GMT+7

Họa đến từ trong nhà

Thứ 7, 20/08/2016 | 11:00:00 273 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua Trần Minh Tông có 7 vị hoàng tử. Năm 1329, Trần Minh Tông nhường ngôi cho hoàng tử trưởng là Thái tử Vượng, đó là vua Trần Hiến Tông (1329-1341) để lên làm Thái thượng hoàng. Ngày 11-6-1341(Tân Tỵ), vua Trần Hiến Tông mất, con thứ của Trần Minh Tông là hoàng tử Hạo lên ngôi, đó là vua Trần Dụ Tông (1341-1369). Về thế thứ, hoàng tử Hạo là con thứ tư, trên hoàng tử Hạo và vua Trần Hiến Tông đã mất, còn có Cung Túc Vương Dục và Cung Tín Vương Trạch.

Ngày 25-5 Kỷ Dậu (tức 29-6-1369), Trần Dụ Tông mất, trước khi mất vua ban chiếu truyền ngôi cho Dương Nhật Lễ. Tuy nhiên, trong tôn thất nhà Trần khi đó không ai chấp thuận. Vì thế, cuộc tranh giành quyền lực trong quý tộc nhà Trần bắt đầu. Hoàng hậu của Minh Tông lúc này được tôn là Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hoàng thái hậu là người đã ủng hộ con thứ của Cung Túc Vương Dục là Nhật Lễ lên nối ngôi. Bấy giờ, Cung Túc Vương Dục đã mất, Nhật Lễ cũng không phải là con đẻ của ông. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép rằng:

Nhật Lễ là con của người làm trò tên Dương Khương. Mẹ Nhật Lễ khi diễn trò có tên là Vương Mẫu. Sở dĩ có tên này vì bà hay diễn tích “Vương Mẫu hiến bàn đào” mà vai Vương Mẫu do bà đóng, nhân đó lấy làm tên mình. Bấy giờ, bà đang có thai, nhưng Cung Túc Vương Dục thích sắc đẹp nên lấy làm vợ, khi bà sinh, Vương Dục đã nhận Nhật Lễ làm con mình. Lúc ấy, Thái hậu bảo các quan rằng, Vương Dục là con đích trưởng mà không được nối ngôi vua, lại sớm lìa đời, Nhật Lễ chẳng phải là con Dục đó sao. Nói rồi, bà lệnh cho đón Nhật Lễ lên làm vua.

Cùng lúc này, sứ đoàn nhà Minh sang sắc phong cho Dụ Tông tới Việt Nam. Nhật Lễ (tên ngoại giao với nhà Minh là Nhật Kiên) xin được thụ phong nhưng sứ nhà Minh là Trương Dĩ Ninh không đồng ý. Nhật Lễ phải cử sứ là Đỗ Thuấn Khâm sang nhà Minh báo tang và cầu phong.

Nhật Lễ lên ngôi, tôn phong bà Hiến Từ Tuyên Thánh làm Thái hoàng thái hậu, nhưng chỉ được 6 tháng sau thì Lễ đánh thuốc độc giết chết bà ở trong cung. Nhật Lễ lấy lại họ Dương, hòng cướp ngôi báu của họ Trần. Cũng trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết rằng: Nhật Lễ tiếm vị, rượu chè dâm dật, hằng ngày chỉ rong chơi, thích các trò hát xướng, muốn đổi lại họ Dương, các bậc tôn thất và quan lại đều thất vọng. Tháng 11 năm Canh Tuất (1370), Nhật Lễ bị tôn thất nhà Trần và triều thần hợp sức lật đổ.

Khi đó, người anh khác mẹ của vua Trần Dụ Tông là Cung Định vương Trần Phủ, vì có con gái làm hoàng hậu của Nhật Lễ do sợ vạ lây đến mình nên tránh ra trấn Đà Giang (Hưng Yên ngày nay) và ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên vương Trần Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân. Trần Kính giúp ông đảm nhận việc sắm sửa mọi vũ khí, trang bị quân đội.

Khi ấy, Dương Nhật Lễ chuyên dùng thiếu úy Trần Ngô Lang mà không biết Ngô Lang đồng mưu với Trần Phủ. Mỗi khi sai quân tướng đi đánh bắt, Ngô Lang đều bí mật bảo họ theo Trần Phủ đừng về nữa. Rất nhiều lần sai các quân Nam, Bắc đi đánh, đều không một ai trở về. Do đó quân của Trần Phủ, Trần Kính mạnh thêm. Ngày 13 tháng 11 năm Canh Tuất (tức ngày 1-12-1370), Trần Phủ đến phủ Kiến Hưng, truất Nhật Lễ làm Hôn Đức công. Ngày 15, Trần Phủ lên ngôi, tức Trần Nghệ Tông. Ngày 21-12-1370, Trần Phủ cùng Trần Kính và Thiên Ninh công chúa dẫn quân về kinh và sai giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu.

Dương Nhật Lễ tới lúc đó mới biết mình bị Trần Ngô Lang phản bội. Trong khi bị giam giữ, ông lừa gọi Trần Ngô Lang đến gần rồi bóp cổ giết chết Trần Ngô Lang. Trần Nghệ Tông bèn lập tức hạ lệnh giết chết Dương Nhật Lễ và con ông là Liễu, rồi sai đem chôn ở núi Đại Mông. Khi đó, mẹ Nhật Lễ chạy vào cầu cứu Chiêm Thành, chiến tranh Chiêm - Việt từ ấy xảy ra triền miên.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại trên và các sử liệu còn lưu lại đến ngày nay, vào thời ấy quả là Cung Túc Vương Dục mê ca hát thì ít mà mê con hát thì nhiều. Vì thế ông đã cho bắt luôn con hát là vợ của Dương Khương về làm vợ mình, nhưng lại không hề hay biết rằng trước đó bà đã mang thai. Việc làm của Cung Túc Vương Dục chẳng những bị người đương thời mà cả hậu thế cùng chê bai, trách móc. Còn việc Dương Nhật Lễ khi còn nhỏ đã nhiễm thói hư ham mê sắc dục của Cung Túc Vương Dục thì khi lớn lên và lại có quyền hành trong tay thì làm sao có thể là người hiếu nghĩa thủy chung.

Không phải từ giai thoại trên đây, mà từ thượng cổ cho đến ngày nay, mầm họa của trăm họ và xã tắc vẫn thường nảy nở ở sự ăn chơi trác táng của những bậc quyền thế. Và thế mới hay rằng, trong mọi sự cần phải giữ gìn của mỗi con người dù ở bất cứ thời đại nào thì không khó gì bằng giữ đức. Đức nghiệp dòng họ Trần tích tu hơn một thế kỷ, bỗng chốc bị bọn hôn quân gian thần đổ hết. Cơ nghiệp của họ Trần đến lúc này không mất ngôi mới là điều khó hiểu. Và cái chết tức tưởi của bà Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hoàng thái hậu âu cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai cầm quyền mà quá cả tin và bất cẩn trong việc chọn người và dùng người.

ND

  • Từ khóa
109827

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu