Thứ 7, 20/04/2024 06:52:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:00, 28/02/2019 GMT+7

Hồ tiêu không như những cây trồng khác

Thứ 5, 28/02/2019 | 08:00:00 158 lượt xem

BP - Mặc dù hiện tại giá thuê đã lên từ 300-500 ngàn đồng/người/ngày công, cao hơn 30-40% so với vụ thu hoạch năm 2018 và vẫn đang có xu hướng tăng tiếp, thế nhưng tại các vựa tiêu trong tỉnh như Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Bình Long, nhà vườn vẫn đang “đỏ mắt” tìm kiếm nhân công thu hoạch hồ tiêu. Mắt của nông dân trồng tiêu năm nay càng đỏ hơn khi giá hạt tiêu tiếp tục giảm so với năm trước, hiện chỉ dao động khoảng 45-50 ngàn đồng/kg. Giá bán đó tương đương giá thành sản xuất, thậm chí còn dưới giá thành sản xuất của rất nhiều vườn. Những vườn năng suất dưới trung bình, mức giá này không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch. Chưa hết, trái chín mà không kịp thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và cả sinh trưởng của cây tiêu vụ sau... Vì thế, sau nhiều vụ liên tục liểng xiểng, nông dân trồng tiêu hiện lại càng liểng xiểng hơn.

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có diện tích trồng tiêu khá lớn, hơn 11 ngàn héc ta, bằng khoảng 2/3 diện tích hồ tiêu Bình Phước, song cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trước thực tế đó, cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên cùng hội viên các đoàn thể đã đồng loạt ra quân thu hoạch tiêu giúp nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại một số nơi ở Bình Phước - tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn thứ 3 cả nước với hơn 17 ngàn héc ta, cũng như các vựa tiêu lớn ở Tây Nguyên, cũng có ý kiến đề xuất giải pháp tương tự, theo cách truyền thông thường nói, là “giải cứu” cây tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến đồng tình ủng hộ, cũng có không ít ý kiến không nhất trí cách làm ấy.

Việc hỗ trợ nông dân trong lúc khó khăn là rất đáng quý, vì sao lại có ý kiến ngược chiều như vậy? Thực ra, không phải ý kiến ngược chiều đó không có lý, thậm chí xét ở góc độ nào đó còn là một giải pháp tình huống mang lại hiệu quả, phù hợp quy luật cung - cầu, quy luật thị trường.

Hiện nay, cả nước có hơn 152 ngàn héc ta hồ tiêu. Trong khi đó, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, diện tích hồ tiêu cả nước chỉ là 50 ngàn héc ta. Nguyên nhân dẫn tới diện tích thực tế gấp 3 lần quy hoạch là do có một thời gian hồ tiêu giá cao, đỉnh điểm năm 2012 lên tới 220 ngàn đồng/kg, khiến giấc mơ tỷ phú của người nông dân dễ dàng hơn bao giờ hết, kể cả với những người có diện tích đất ít để canh tác, nên nhà nhà đổ xô đi trồng tiêu. Tỷ phú hồ tiêu xuất hiện hay lụi tàn nhanh chưa từng thấy và cũng không ít người không muốn dừng lại, mà mạo hiểm tiếp tục chơi canh bạc lớn hơn. Khi vượt quy hoạch, có không ít khuyến cáo của chuyên gia, nhà quản lý đối với trường hợp có ý định trồng mới hoặc mở rộng diện tích trồng tiêu, đặc biệt là chi phí đầu tư cho 1 héc ta tiêu gấp nhiều lần loại cây trồng khác. Thế nhưng, trước sức hút của bài toán “siêu lợi nhuận”, hàng vạn hộ nông dân vẫn bỏ ngoài tai những cảnh báo đó.

Đây cũng là tình trạng xảy ra với nhiều cây trồng nông nghiệp khác và cũng đã có nhiều cuộc “giải cứu” nông sản bằng cách tiêu thụ, thu hoạch, bày bán, kêu gọi hỗ trợ - khi chủ số nông sản ấy là người bất chấp quy hoạch, khuyến cáo của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với cây hồ tiêu thì không thể. Bởi giá trị đầu tư vườn tiêu cho đến khi được thu hoạch quá lớn - khoảng 1 tỷ đồng mỗi héc ta, người nông dân phải đủ sắc sảo khi đưa ra quyết định đối với số vốn ấy, nếu không thì không nên mạo hiểm và hồ tiêu cũng không thể “giải cứu” như các nông sản khác.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu