Thứ 4, 24/04/2024 04:21:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:02, 21/03/2017 GMT+7

Họ không xứng đáng làm thầy

Thứ 3, 21/03/2017 | 08:02:00 1,653 lượt xem

BP - Khi đọc những nội dung liên quan đến bà - một người có hành vi bắt tay với các thế lực cơ hội, phản động trong và ngoài nước để chống lại Đảng, chống lại lợi ích dân tộc, tôi đã không dám tin người đó cùng quê với mình. Càng không dám tin đó là người từng đứng trên bục giảng để giảng giải những điều hay lẽ phải cho nhiều thế hệ học trò bậc THPT. Lại càng không dám tin người đó từng dạy ở ngôi trường mình đã học. Nhưng đó là sự thật - một sự thật chua xót. Bà là Trần Thị Thảo, sinh 1952 tại Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định; thường trú 33 Đào Duy Từ, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn và THPT Đào Duy Từ, Thanh Hóa từ năm 1975-1999.

Sau khi nghỉ hưu, bà Thảo đã có mối liên hệ khá mật thiết với những phần tử chống phá nhà nước như Phạm Thành với tài khoản facebook là “Bà Đầm Xòe”, Thảo Teresa, Huỳnh Ngọc Tuấn, Lê Thị Vuôn và một số đối tượng khác để tổ chức các hoạt động phá rối an ninh trật tự và tuyên truyền bôi nhọ lãnh đạo đất nước. Tôi đã cố tìm một lý do gì đó để biện minh cho sự khả dĩ có thể dẫn tới những hành vi điên rồ của bà, như bị trù úm hay bất mãn vì bị phân biệt đối xử chẳng hạn, nhưng không có lý do nào thuyết phục cả. Đặc biệt, một người từng là giáo viên một trường chuyên có tiếng trong cả nước mà lại dám có những lời lẽ, hành vi xúc phạm Bác Hồ, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng dân tộc, cổ súy cho các hành động vô luân khác thì không thể nào chấp nhận được.

Được biết sau khi nghỉ hưu, bà Thảo được một số đối tượng tự xưng là “nhà dân chủ, nhân quyền” trong nước xúi giục, lôi kéo hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước với lời hứa hằng tháng chúng sẽ gửi lương vào tài khoản của bà. Dù từng là một giáo viên, được hưởng lương hưu của Nhà nước, nhưng do ý thức chính trị kém và bị kích động, bà Thảo đã nhanh chóng trở thành một trong những “nhà dân chủ” trong nước. Để được nhận thù lao từ các thế lực bên ngoài, bà tích cực tham gia và xúi giục người khác tham gia các hoạt động biểu tình chống phá cách mạng Việt Nam. Cũng từ đây, Trần Thị Thảo nhiều lần ra Hà Nội tham gia “tung hứng” với giới “dân chủ”, thực hiện chiêu trò “biểu tình bờ hồ”, tung ra nhiều luận điệu tuyên truyền xuyên tạc nhằm kích động người dân “xuống đường”. Không chỉ có vậy, trên trang facebook của mình, bà Thảo liên tục chia sẻ các bài viết của các “nhà dân chủ” khác và đăng tải các thông tin sai sự thật, chống Đảng, Nhà nước.

Gần đây nhất, trên facebook của mình, khi nói về linh mục Nguyễn Văn Lý, bà Thảo đã viết: “Nếu bạn chỉ trích, hoặc nghi ngờ một ai đó trong những người có tiếng nói trái chiều với chính quyền cs (cộng sản) thì tôi không có ý kiến gì cả, vì đó là nhận thức của bạn. Nhưng nếu bạn lại chỉ trích cha Lý thì tôi không thể chấp nhận được và tôi muốn bạn cút khỏi trang facebook của tôi”. Thế nhưng với những việc làm “động trời” của mình, không ai còn lạ lẫm gì linh mục Nguyễn Văn Lý - một “nhà dân chủ” mặc áo linh hồn của các tín đồ Công giáo, người từng nhiều lần vào tù, ra tội vì các hành vi chống phá đất nước, gây mất an ninh trật tự, vậy mà “cô giáo” Thảo lại lớn tiếng bênh vực, ủng hộ thì đã rõ bà Thảo là người thế nào.

Trần Thị Thảo chỉ là một trong số nhà giáo bị suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống và có những hoạt động chống phá đất nước trong thời gian gần đây. Cách thức hoạt động chống phá của những “nhà giáo” này là sử dụng internet tuyên truyền, nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam. Như “cô giáo” Lê Thị Vuôn, giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường THPT Đông Sơn 1, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã lập facebook cá nhân mang tên Cương Biên đăng tải nhiều bài viết của những kẻ tự xưng “dân chủ” như các “nhà giáo” Nguyễn Đình Cống, Trần Thái Hưng hoặc chia sẻ những bài viết từ các trang mạng “lề trái” như Việt Tân, dân làm báo, basam, dân luận. Cách đây hơn 6 năm, một kẻ từng là giảng viên Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh - Phạm Minh Hoàng nhưng lại là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân đã âm mưu thực hiện kế hoạch “sang sông”, lật đổ chính quyền. Thế nhưng âm mưu này đã bị lật tẩy và sáng 29-9-2010, Tổng cục An ninh I - Bộ Công an đã công bố việc khởi tố, bắt tạm giam Phạm Minh Hoàng với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Tư cách của người thầy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến sự phát triển của học trò. Bởi cùng với việc dạy kiến thức, nghề dạy học còn góp phần rèn dũa nhân cách của những con người - vốn quý của dân tộc. Với thiên chức ấy, có những giáo viên dù đã nghỉ hưu từ lâu hoặc đã chuyển sang công tác khác vẫn được nhiều thế hệ học trò trân trọng, quý mến. Nhưng khi nhắc tới “cô giáo” Trần Thị Thảo hay “cô giáo” Lê Thị Vuôn, “giáo sư” Nguyễn Đình Cống... thì chắc rằng, những người từng là học trò của những người làm thầy, làm cô này sẽ cảm thấy buồn và thất vọng lắm. Bởi lẽ, người từng đứng trên bục để giảng giải cho mình đạo làm người năm nào mà nay lại trở nên thoái hóa, biến chất như vậy thì thật khó chấp nhận.

Hành vi của “cô giáo” Thảo cùng những người từng làm thầy đã nêu trên không những thể hiện sự sai đường lạc lối, lệch lạc về tư cách người giáo viên nhân dân mà còn trái với quy định pháp luật. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, xử lý để trả lại danh dự cho những người thầy chân chính, để ngành giáo dục được trong sạch hơn.

Thảo Linh

  • Từ khóa
2591

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu