Thứ 3, 16/04/2024 19:30:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 16:32, 20/12/2012 GMT+7

Tam giác mới Nhật - Mỹ - Hàn

Thứ 5, 20/12/2012 | 16:32:00 317 lượt xem

Cục diện địa chính trị khu vực Đông Á dự báo sẽ thay đổi lớn với những diễn biến mới trên chính trường Nhật và Hàn Quốc, hai đồng minh truyền thống của Mỹ trong khu vực.

 

Hai tàu tuần duyên Nhật Bản đuổi một tàu Trung Quốc (trên cùng) trên biển Hoa Đông ngày 24-9-2012

 

Tại Nhật, phe cánh hữu trở lại nắm quyền sau chiến thắng của Đảng Dân chủ tự do (LDP) và cựu thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc bầu cử vừa qua. Ở Hàn Quốc, bà Park Geun Hye thuộc Đảng Saenuri vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 19-12. Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn dự báo có nhiều thay đổi, đặc biệt trong thời điểm tranh chấp lãnh thổ đang leo thang nghiêm trọng ở khu vực Đông Bắc Á.

Cả ông Abe và bà Park đều cam kết sẽ thắt chặt hơn quan hệ đồng minh với Mỹ và bảo vệ lãnh thổ quốc gia đến cùng. Những diễn biến mới này đang buộc cả Washington và Bắc Kinh phải xem xét lại chiến lược của mình.

Quan hệ Nhật - Trung

Một số nhà quan sát, như báo Guardian dẫn lời, cho rằng sự trở lại của ông Abe đang khiến Bắc Kinh lo ngại. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Abe đã cảnh báo về mối đe dọa từ Trung Quốc trên biển Hoa Đông và biển Đông. Ông nhấn mạnh Nhật sẽ đảm bảo “cán cân quyền lực ở châu Á” không bị mất ổn định. Chuyên gia Michael Green, phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), dự đoán ông Abe có thể sẽ tái bố trí các tàu khu trục và các tàu tuần tra của Lực lượng phòng vệ biển Nhật để đối phó với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo báo Japan Times, các khảo sát cho thấy người Nhật đang lo lắng về mối đe dọa từ Trung Quốc và muốn chính quyền Abe sẽ có những biện pháp mạnh mẽ. Hãng tin Jiji dẫn lời chuyên gia Kuni Miyake, từng là cố vấn cho ông Shinzo Abe, đánh giá năm 2012 là năm đầu tiên người dân Nhật cảm thấy mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc lớn hơn bao giờ hết. “Trước đây, khi Trung Quốc gây hấn, chúng tôi luôn lùi bước. Còn nay Bắc Kinh gây áp lực, chúng tôi phản kháng” - ông Miyake nhấn mạnh.

Một câu hỏi đang được đặt ra: Liệu sự trở lại nắm quyền của ông Abe sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ Nhật - Trung về chính trị và kinh tế? Báo Le Monde của Pháp ngày 17-12 dẫn lời ông Yo Jung Chen - nhà ngoại giao kỳ cựu từng làm việc ở nhiều nước châu Á, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản - cho rằng sự trở lại này có thể sẽ khiến quan hệ với Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.

Trong ba năm qua, Đảng Dân chủ Nhật Bản (PDJ) của Thủ tướng Noda bị xem là đã phá hỏng liên minh quân sự với Washington qua việc tìm cách quan hệ hòa hoãn với Trung Quốc và phản đối các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa. Bởi vậy trong dư luận giờ đang có một sự đồng thuận cho rằng cần phải củng cố trở lại mối quan hệ với Mỹ.

Sự thất bại của PDJ vừa qua như càng củng cố một quan điểm đã ăn sâu trong giới chính trị Nhật thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 là mọi chính trị gia quay lưng với Washington thì sẽ có kết thúc thảm họa. Bởi vậy, Nhật Bản sẽ định vị trở lại trong một liên minh quân sự mạnh mẽ với Mỹ và điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc trong khuôn khổ cho phép của liên minh quân sự được thắt chặt này.

Chuyên gia Hitoshi Tanaka, chủ tịch Viện Chiến lược quốc tế Tokyo, cảnh báo: “Nguy cơ đối đầu quân sự là rất lớn nếu cả hai nước không hành xử đúng đắn”.

Thế nhưng theo ông Yo Jung Chen, vẫn có thể có những rào cản khác cho con đường của thủ tướng tương lai Abe. Nhìn từ phía Trung Quốc, mặc dù LDP là “diều hâu” đi nữa thì đây vẫn là một đảng có nhiều “kênh quan hệ” với Trung Quốc. Trong nội bộ LDP cũng có những nhân vật có thế lực và có xu hướng ôn hòa sẽ là những cái phanh để kiềm chế ông Abe, như ông Masahiko Komura - phó chủ tịch đảng, cựu bộ trưởng ngoại giao và là chủ tịch Liên đoàn Hữu nghị Nhật - Trung...

Bởi vậy, điều này có thể khiến LDP cuối cùng sẽ phải tìm một giải pháp thực tế với Trung Quốc. Ngoài ra, cũng không thể không lưu ý đến mong muốn của giới chủ muốn có một không khí hòa hoãn với Trung Quốc để tiếp tục làm ăn với thị trường khổng lồ này, vốn đang được xem là cần thiết để Nhật Bản thoát khỏi tình trạng trì trệ kinh tế. Bởi vậy, họ không thấy có lợi ích gì khi mối quan hệ với nền kinh tế thứ hai thế giới trở nên tồi tệ hơn.

Quan hệ Nhật - Hàn

Yonhap cho biết bà Park Geun Hye cũng khẳng định sẽ tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, nâng cấp quan hệ với Trung Quốc và xử lý khéo léo quan hệ với Nhật. Bà Park nhấn mạnh chủ trương đoàn kết dân tộc và bảo vệ đất nước.

Quan hệ Nhật - Hàn đã trở nên xấu đi vào tháng 8-2012 do tranh chấp chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo, đặc biệt sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đến quần đảo này. Cả hai nước đều cảnh báo sẽ đưa nhau ra tòa án quốc tế phân xử. Căng thẳng gay gắt đến mức Washington phải lên tiếng can ngăn. “Đây là vấn đề có thể giải quyết nếu các bên kiềm chế. Chúng tôi hi vọng các bên sẽ tiếp tục tìm giải pháp hòa bình và ngoại giao có lợi cho cả đôi bên” - Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Chuyên gia Michael Green cảnh báo những ưu tiên của Mỹ ở châu Á, nhất là các mối quan hệ đồng minh với Nhật và Hàn Quốc, có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu ông Abe cứng rắn về vấn đề chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo. Nhưng chắc chắn Washington sẽ giữ quan hệ Nhật - Hàn diễn ra trong khuôn khổ cho phép và không để quan hệ này xấu đi, ảnh hưởng đến chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ.

(Theo TTO)

  • Từ khóa
69351

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu