Thứ 6, 29/03/2024 12:54:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:56, 09/05/2015 GMT+7

18 năm tìm chỗ đứng cho Bảo tàng tỉnh

Thứ 7, 09/05/2015 | 08:56:00 1,153 lượt xem
BP - Sự có mặt của bảo tàng ở trung tâm tỉnh là một điểm nhấn của ngành văn hóa Bình Phước trong tương lai, trả lại đúng vị trí của một bảo tàng cấp tỉnh, là nơi lưu giữ, tổng hợp các di sản văn hóa của địa phương giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh hiểu biết sâu sắc hơn về tổ tiên, cội nguồn, đặc trưng văn hóa của các dân tộc sinh sống trên đất Bình Phước.

Bảo tàng tỉnh được xây dựng ở đường vành đai Hồ Suối Cam, sẽ khánh thành trước ngày 19-5-2015 - Ảnh: B.L

Gian truân một chặng đường

Theo thống kê của cơ quan chức năng, cả nước có khoảng 130 bảo tàng. Hệ thống nhà bảo tàng hầu như được phủ khắp các tỉnh, thành. Mỗi nhà bảo tàng như thế, nếu nhỏ thì chiếm khoảng 1 ha, còn “hoành tráng” thì lên đến 7 ha, phần lớn đều nằm ở vị trí đắc địa nhất của tỉnh. Thế nhưng ở Bình Phước lại chưa có bảo tàng đúng nghĩa. Được thành lập cùng năm tái lập tỉnh, mặc dù là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa - thông tin (nay là Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) nhưng Bảo tàng tỉnh lại ở huyện biên giới, mượn tạm một di tích quốc gia là Nhà giao tế để làm trụ sở. Chính vì thế, cái tên Bảo tàng tỉnh Bình Phước được mọi người thường gọi là “Bảo tàng Lộc Ninh”. Cũng vì lẽ đó mà một số người dân Bình Phước không biết tỉnh mình có bảo tàng hay không! Ngay cả học sinh từ cấp tiểu học đến THPT cũng rất mơ hồ khi được hỏi về Bảo tàng tỉnh. Đáng buồn là ngay người sinh sống ở Lộc Ninh mà hỏi đến Bảo tàng tỉnh dường như họ cũng không biết mà chỉ biết đến di tích Nhà giao tế. Ông N.H.Q, cựu chiến binh ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh chia sẻ: “Tôi thường đến Nhà giao tế vào những dịp lễ, tết nhưng không biết Bảo tàng tỉnh lại nằm ở đây. Vừa rồi có một người bạn ở Hà Nội vào chơi nói tôi dẫn đi tham quan Bảo tàng tỉnh, tôi nói không có”.

Anh Nguyễn Văn Mạnh ở thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh cho biết: Mặc dù sống ở đây 15 năm, bên cạnh Bảo tàng tỉnh nhưng tôi không biết. Chỉ thấy mấy chiếc xe tăng, đuôi máy bay phơi nắng phơi sương...

Mặc dù đã đi vào hoạt động được 18 năm nhưng Bảo tàng tỉnh còn khó khăn từ nguồn nhân lực đến cơ sở vật chất. Nhiều hiện vật có giá trị không được phát huy tác dụng dần đi vào quên lãng. Tiêu biểu như đàn đá Lộc Ninh, trống đồng... gần như không ai biết đến.

Hiện vật sẽ sớm được trưng bày

Sau 2 năm khởi công xây dựng, Bảo tàng tỉnh đã có vị trí trang trọng bên bờ hồ Suối Cam tại trung tâm tỉnh. Về cơ bản được hoàn thành, theo dự kiến, Bảo tàng tỉnh sẽ khánh thành và đi vào hoạt động trước 19-5-2015. Đây là niềm vui lớn đối với những người làm công tác bảo tàng và nhân dân Bình Phước khi chính thức có một bảo tàng cấp tỉnh nằm ở trung tâm hành chính tỉnh sau nhiều năm bị lãng quên. Với không gian rộng sẽ là nơi di sản vô giá được tôn vinh, đánh thức sau nhiều năm ngủ quên. Theo kế hoạch, Bảo tàng tỉnh dự kiến có 3 phòng trưng bày với diện tích 682,6m2 và trưng bày ngoài trời khoảng 2.600m2. Phần trưng bày trong nhà có các mảng chủ đề: Điều kiện tự nhiên Bình Phước với các tài nguyên khoáng sản như đá tổ ong, đá bazan, đất đỏ bazan, đất cát, các loại gỗ quý; đời sống kinh tế - văn hóa các cộng đồng dân tộc chính của tỉnh như Kinh, Xêtiêng, Khơme, Mơnông... Văn hóa khảo cổ học với đặc trưng di chỉ thành đất đắp tròn. Bình Phước trong kháng chiến chống Pháp với các sự kiện tiêu biểu như phong trào đấu tranh của công nhân cao su; thành lập Chi bộ Phú Riềng Đỏ; phong trào đấu tranh của đồng bào dân tộc Xêtiêng, Khơme, Mơnông; phong trào của quân và dân Bình Phước trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Bình Phước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quá trình xây dựng lực lượng, căn cứ cách mạng; các chiến dịch, trận đánh tiêu biểu như (Phước Long - Đồng Xoài (1965), Nguyễn Huệ (1972), đường 14 Phước Long (1974), chốt chặn Tàu Ô (1972); Bình Phước trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam; Bình Phước trên đường phát triển và hội nhập...

Phần trưng bày bên ngoài gồm các hiện vật: pháo 105 ly, xe giải phóng, máy bơm xăng dầu, các loại máy bay F5E, UH1 được xây dựng khang trang, bố trí trưng bày đẹp, nội dung phong phú, hấp dẫn... và được mở cửa thường xuyên. Bảo tàng sẽ trở thành điểm hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, tạo đà cho ngành du lịch phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong hiện tại và tương lai. Đây cũng là niềm tự hào của người Bình Phước, tạo thêm điểm đến cho du khách mỗi dịp ghé thăm.                  

Đình Tâm

  • Từ khóa
91173

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu