Thứ 5, 25/04/2024 23:57:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:44, 01/02/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Hình thức và thời điểm sở hữu

Chủ nhật, 01/02/2015 | 14:44:00 2,896 lượt xem
BP - Về hình thức sở hữu, tại Điều 213 trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi có quy định như sau: 1. Trong bộ luật này, hình thức sở hữu bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. 2. Sở hữu toàn dân là sở hữu đối với tài sản công, bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý. 3. Sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân. 4. Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với một tài sản.

Về vấn đề này, ngay sau khi dự thảo bộ luật được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, có nhiều người, trong đó có cả những chuyên gia pháp luật cũng cho rằng, việc dự thảo quy định có ba hình thức sở hữu, gồm: sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng là không cần thiết. Theo đó, chỉ cần chia thành hai loại hình thức là sở hữu chung và sở hữu riêng là đủ. Vì xét về hình thức thì sở hữu toàn dân cũng là một loại sở hữu chung trên quy mô lớn, hoặc là những tài sản có giá trị đối với sự tồn tại và phát triển ổn định của quốc gia.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì việc quy định có ba loại hình thức sở hữu như trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi là đúng, là phù hợp với thực tế của nước ta hiện nay. Vì sở hữu toàn dân là loại hình sở hữu rất đặc thù của nước ta, không thể coi đó cũng như sở hữu chung được, sẽ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người còn đang có những băn khoăn rằng “thế nào là sở hữu toàn dân”. Bởi nếu không thì những tài sản thuộc sở hữu toàn dân sẽ thành tài sản “vô chủ” vì không xác định chủ thể cụ thể chịu trách nhiệm. Vì vậy, tôi đề nghị ban soạn thảo cần làm sáng tỏ, rõ ràng, cụ thể hơn nữa về khái niệm thế nào là sở hữu toàn dân và những loại tài sản nào thuộc sở hữu toàn dân, trách nhiệm đối với những loại tài sản này như thế nào? Ai sẽ thực hiện quyền đại diện sở hữu toàn dân? Nếu không làm rõ điều này thì sẽ rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, những tài sản nào của toàn dân thì chẳng có ai quản lý, giữ gìn và rồi bị khai thác, chiếm dụng bừa bãi... như lâu nay.

Liên quan đến vấn đề sở hữu, tôi đề nghị trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi cần quy định rõ về thời điểm chuyển quyền sở hữu được xác lập ngay sau khi hoàn thành việc giao dịch dân sự. Vì nếu quy định như trong dự thảo là phải đăng ký tài sản thì mới được bảo hộ quyền sở hữu, tức là quyền sở hữu tài sản được xác lập khi người chủ của tài sản đó đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu quy định như vậy thì không thuận với nguyên tắc “mọi quyền dân sự đều được bảo hộ”, được quy định ngay trong dự thảo Bộ luật dân sự. 

Hơn nữa, trong thực tiễn cho thấy có rất nhiều lý do khiến không ít loại tài sản không được đăng ký quyền sở hữu sau khi hoàn thành giao dịch chuyển quyền sở hữu. Do đó, nếu quy định như trong dự thảo sẽ rất khó giải quyết tranh chấp trong thực tế vì không có giấy tờ liên quan xác nhận rõ thời điểm sở hữu.

Vì vậy, tôi đề nghị trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi cần quy định rõ ba loại sở hữu là: sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng. Đồng thời, trong dự thảo cũng quy định cụ thể và thời điểm xác lập quyền sở hữu được xác lập ngay sau khi hoàn thành việc giao dịch dân sự. Có như vậy mới thuận lợi cho các loại giao dịch dân sự của nhân dân trong cuộc sống.    

Kim Chi

  • Từ khóa
12536

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu