Thứ 3, 23/04/2024 15:13:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:00, 19/12/2014 GMT+7

Hiệu ứng từ việc đánh giá học sinh tiểu học (Bài 2)

Thứ 6, 19/12/2014 | 14:00:00 259 lượt xem

BP - Ngày 28-8-2014, Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT (Thông tư 30) quy định việc đánh giá học sinh tiểu học được chuyển từ chấm điểm số sang nhận xét trong đánh giá thường xuyên. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tiễn có nhiều vấn đề nảy sinh. Một trong những vấn đề đang “nóng” là sự quá tải của các giáo viên bộ môn. Và đã có những đề xuất, kiến nghị với ngành giáo dục. Trong khi đó lãnh đạo phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT) lại cho rằng giáo viên đang... tự làm khó mình!

Giáo viên bộ môn quá tải

Thông tư 30 bước đầu có hiệu ứng tích cực, được học sinh và phụ huynh đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, điều này đang gây áp lực, quá tải đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên bộ môn.

>> Bài 1: Học sinh hào hứng, phụ huynh hài lòng

PHẢI NHẬN XÉT QUÁ NHIỀU

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên môn Âm nhạc, trường Tiểu học Tân Đồng (TX. Đồng Xoài) cho biết: Việc nhận xét đối với từng học sinh theo Thông tư 30 nặng về sổ sách và mất nhiều thời gian. Là giáo viên môn chuyên nên một mình cô Hiền phải đảm nhận 959 học sinh với 24 tiết/tuần. Ngoài việc phải nhận xét bằng lời, cô còn phải ghi nhận xét hàng ngày vào sổ nhật ký, cuối mỗi tháng tổng hợp vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục trước khi giao cho giáo viên chủ nhiệm đánh giá từng học sinh trong tháng. Do ghi nhận xét vào 2 cuốn sổ nên mỗi tháng cô Hiền phải làm tương đương cho gần 2.000 học sinh. Để hoàn thành công việc đúng thời gian, cô chỉ có thể viết từ đầu tháng, nhưng muốn đánh giá chính xác năng lực, phẩm chất của học sinh thì phải có cơ sở từng tiết học.

Thông tư 30 không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hàng tháng. Tuy nhiên, theo cô Thu Hiền không thể “bỏ quên” mà ít nhất mỗi học sinh cũng phải được nhận xét một lần/tháng. Với khối lượng công việc nhiều như thế, cô Hiền phải tranh thủ ngày đêm, cả ngày nghỉ lễ mà vẫn không kịp.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên môn Âm nhạc, trường Tiểu học Tân Đồng (TX. Đồng Xoài) phải gồng mình để mỗi tháng đánh giá 959 học sinh vào 2 cuốn sổ/học sinh

Lời nhận xét không thể lặp đi lặp lại mà phải giúp phụ huynh thấy con mình có tiến bộ hay chưa. Khó nhất là với những em học lực giảm sút. Nếu nhận xét không khéo sẽ làm các em mặc cảm, phụ huynh hoang mang. Hơn nữa, khi ghi nhận xét không chỉ lời văn chuẩn xác mà chữ viết của giáo viên phải đúng mẫu và đẹp. Để làm được như vậy, giáo viên mất rất nhiều thời gian.

Nguyễn Thị Huê, Hiệu phó trường Tiểu học Tân Đồng

Giáo viên môn Mỹ thuật còn nhiều việc hơn. Cô Lê Thị Hiền, giáo viên môn Mỹ thuật, trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Bù Đăng) cho biết: Việc thay đổi cách đánh giá học sinh như hiện nay sẽ giảm áp lực cho học sinh, song có sự trùng lắp giữa các khâu nhận xét. Ngoài nhận xét vào vở học sinh, giáo viên còn phải viết nhận xét vào sổ nhật ký và cuối tháng tổng hợp vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Do một mình cô Hiền phải đảm nhận 600 học sinh/22 lớp nên khối lượng công việc tăng lên gấp nhiều lần so với trước đây.

Cô Nguyễn Thị Huê, Hiệu phó trường Tiểu học Tân Đồng (TX. Đồng Xoài) đánh giá: Dù đã được tập huấn cách đánh giá theo Thông tư 30 nhưng một số giáo viên vẫn còn lúng túng trong nhận xét. Yêu cầu nhận xét phải “cụ thể, rõ ràng, chỉ cho học sinh biết mình làm tốt phần nào, phần nào phải khắc phục”. Vì thế, khi viết nhận xét phải trăn trở với từng câu từ. Cô Huê kiến nghị Sở GD-ĐT  nên thiết kế lại sổ nhật ký, có thể ghi theo các mục “đạt” hay “chưa đạt”, “hoàn thành” hay “chưa hoàn thành” để giáo viên, nhất là giáo viên bộ môn giảm áp lực vì hầu như giáo viên đã ghi nhận xét hàng ngày vào vở học sinh.

GIÁO VIÊN KHÔNG NÊN TỰ LÀM KHÓ MÌNH

Bà Nguyễn Thị Nhị, Phó phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT) cho rằng: Bước đầu triển khai thực hiện Thông tư 30 không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, gặp nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng hiện thông tư đang thực sự có hiệu ứng tích cực, được dư luận đồng tình cao. Một số trường triển khai thực hiện tốt nên được giáo viên, học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Tuy vậy, vẫn còn nhiều cán bộ, giáo viên quen với việc đánh giá bằng điểm số, chưa sẵn sàng thích ứng việc đánh giá học sinh bằng nhận xét. Đặc biệt là nhiều giáo viên chưa nắm rõ nội dung Thông tư 30 nên tự làm khó mình khi ghi nhận xét tất cả học sinh vào sổ nhật ký và sổ theo dõi chất lượng giáo dục.

Học sinh trường Tiểu học Tân Phú (TX. Đồng Xoài) trong giờ học

Thông tư 30 quy định, yêu cầu giáo viên phải quan tâm đánh giá tất cả học sinh, không được “quên” em nào, nhưng khi viết vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hàng tháng. Sổ nhật ký nhằm giúp giáo viên ghi nhận thông tin một cách tập trung, khoa học trong quá trình theo dõi thường xuyên hàng ngày đối với những học sinh chưa hoàn thành các nhiệm vụ học tập, cần quan tâm hỗ trợ kịp thời, hoặc những em có năng khiếu đặc biệt cần được bồi dưỡng và những học sinh chưa có sự tiến bộ, sa sút trong học tập. Sổ nhật ký không bắt buộc, tùy theo yêu cầu của mỗi giáo viên có thể thiết lập cuốn sổ khác, nhưng yêu cầu giáo viên phải theo dõi hàng ngày, hàng tuần đầy đủ và hỗ trợ kịp thời các học sinh trên.                  

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
84807

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu