Thứ 4, 24/04/2024 01:29:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:19, 18/04/2018 GMT+7

Hiệu ứng từ một đề án

Thứ 4, 18/04/2018 | 06:19:00 1,338 lượt xem

BP - Trong số những nội dung được Thường trực Tỉnh ủy truyền đạt tại hội nghị triển khai các đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII vào cuối tuần qua, tất cả đại biểu tham dự đều quan tâm đặc biệt tới Đề án thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 về sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy. Và ngay tối thứ sáu, sau thời điểm bản tin thời sự của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước về hội nghị trực tuyến triển khai các kế hoạch, đề án của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 được phát đi, tôi đã nhận được cuộc gọi của ông chú. Ông lo lắng bởi cậu con trai mới được nhận vào làm ở Khoa Đông y Bệnh viện đa khoa tỉnh. Sắp tới, Khoa Đông y sẽ được “cắt” sang Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh theo đề án sáp nhập của ngành, không biết thằng bé có bảo toàn được chỗ làm không? Vậy là đề án này đã tác động trực tiếp, ngay lập tức tới gia đình tôi chứ không còn là chuyện xa xôi nữa.

Bộ máy phình to và mất cân đối chi

Lý do khiến việc sắp xếp lại bộ máy trở nên rôm rả trong các quán cà phê ngày cuối tuần và trở thành nỗi lo lắng của ông chú tôi là bởi Thường trực Tỉnh ủy đã quyết liệt chỉ đạo phải bắt tay thực hiện ngay với lộ trình cụ thể cho từng địa phương, đơn vị. Và khi bắt tay vào thực hiện đề án này, từng cơ quan, địa phương, đơn vị sẽ phải đối mặt với một vấn đề hết sức cần thiết nhưng cũng hết sức khó khăn. Đó là sàng lọc, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, giảm biên chế nhưng phải phát huy được hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị và con người trong bộ máy. Theo đó, sẽ có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã bị loại ra khỏi bộ máy hoặc đang từ chức vụ cao chuyển xuống chức vụ thấp hơn; những người sau sàng lọc được giữ lại trong bộ máy sẽ phải kiêm nhiệm thêm công việc. Bởi khi thực hiện đề án, cấp tỉnh và cấp huyện sẽ phải giảm 134 đầu mối cơ quan hành chính và giảm 113 đơn vị sự nghiệp.

Đại biểu dự hội nghị triển khai các đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII - Ảnh: P.D

Việc tinh giản bộ máy là một tất yếu không chỉ đối với Bình Phước và cũng không phải đến bây giờ mới được đặt ra. 17 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, với mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Từ đó đến nay, đã nhiều lần Đảng, Nhà nước, Chính phủ đưa ra các nghị quyết, chương trình, kế hoạch tinh giản và nâng chất bộ máy, nhưng hiệu quả chưa cao. Tại hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đưa ra một con số đã khiến nhiều người giật mình. Đó là số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách trong cả nước (năm 2017) khoảng 4 triệu người, chưa tính quân đội và công an. Điều đáng nói, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 39 của Trung ương về tinh giản bộ máy (mỗi năm phải tinh giản 70.000 người) thì cả nước không những không giảm mà lại tăng thêm 96.000 biên chế.

Ngoài phình to bộ máy, tình trạng “lạm phát” lãnh đạo cũng diễn ra phổ biến không chỉ ở địa phương mà cả ở cấp bộ, ngành. Những kiểu “chọn người nhà không chọn người tài”, bổ nhiệm “thần tốc” người nhà... khiến dư luận bức xúc. 2 năm trước, dư luận xôn xao trước thông tin Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 biên chế thì đến 44 người được bổ nhiệm làm lãnh đạo quản lý với chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên. Cùng thời gian này, UBND tỉnh Bình Định đã phải chuyển công tác và cho nghỉ hưu non đối với 5 phó giám đốc của Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, bởi 2 sở này có đến... 11 phó giám đốc. Đáng lo ngại là tình trạng nêu trên không chỉ diễn ra ở Hải Dương, Bình Định!

Bộ máy quá cồng kềnh khiến ngân sách nhà nước ngày càng căng thẳng. Dù đã có những nỗ lực cắt giảm chi tiêu, nhưng chi thường xuyên cho bộ máy vẫn quá cao. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng chi ngân sách nhà nước 177.675 tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó chi thường xuyên 147.783 tỷ đồng, chiếm 83,1% tổng chi ngân sách nhà nước, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ 7.487 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng chi ngân sách. Những con số này cho thấy cơ cấu chi đang rất đáng lo ngại khi chi đầu tư phát triển ngày càng nhỏ lại và chi thường xuyên cho bộ máy chiếm tỷ trọng rất lớn, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tại Bình Phước, tình trạng cũng không sáng sủa hơn khi tỷ lệ người tham gia bộ máy từ tỉnh tới cấp xã so với số dân chiếm tới gần 5%. Không chỉ có thế, nhiều sở, ngành có số công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhiều hơn số làm chuyên môn. Nhiều phòng, ban chỉ có trưởng, phó phòng, không có chuyên viên. Các ban Đảng Tỉnh ủy đều có văn phòng và số lượng biên chế bộ phận này chiếm 22,8% biên chế toàn cơ quan. Vì thế, mặc dù tỉnh đã có những nỗ lực cắt giảm chi tiêu, nhưng chi thường xuyên cho bộ máy vẫn quá cao nên hạn chế nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển.

Khó - không có nghĩa không làm được

Từ nhiều năm qua, việc giảm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển đã được nêu ra tại nhiều diễn đàn từ Quốc hội đến Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và luôn là bài toán không có lời giải. Điều ai cũng thấy rõ là dù ở địa phương hay cấp Trung ương, muốn chi thường xuyên giảm xuống chỉ còn cách tinh giản bộ máy. Và đó chính là lý do ra đời của Nghị quyết số 18, 19 về sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy.

Theo báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, trong quý 1-2018, tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt 1.890 tỷ đồng - một con số được coi là cao nhất của quý 1 từ trước tới nay khi tăng tới 66% so với cùng kỳ. Thế nhưng con số ấy vẫn không thấm vào đâu so với mức chi 2.106 tỷ đồng trong quý. Đáng nói là trong tổng nguồn chi của quý 1 thì chi thường xuyên cho bộ máy đã hết 1.276 tỷ đồng, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ khiêm tốn 799 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, việc tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả lãnh đạo là nhu cầu tất yếu, bức thiết cho mục tiêu kiến tạo, phát triển của Chính phủ. Hơn 2 năm trước, tỉnh Quảng Ninh đã bứt phá đi đầu trong việc tinh gọn bộ máy qua mô hình nhất thể hóa một số cơ quan, chức danh tương đồng về công việc. Dù xa xôi, Bình Phước cũng đã cử nhiều đoàn tới Quảng Ninh học tập kinh nghiệm. Khi người ta đã quá quen với một bộ máy cồng kềnh, lề lối làm việc qua nhiều tầng nấc thì việc cắt bỏ các khâu trung gian sẽ thấy khó chịu, khó khăn. Nhưng khó không có nghĩa không làm được. Thực tế là ở Bình Phước, nhiều địa phương, đơn vị cũng đã chủ động thu gọn bộ máy. Như xã Bù Nho (Phú Riềng) đã chủ động thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn từ năm 2016; thị xã Phước Long chủ động xây dựng đề án tinh giản bộ máy quyết liệt hơn cả tỉnh khi ghép chung bộ phận văn phòng cả khối đảng, HĐND, UBND vào một đầu mối... Với việc giảm 134 đầu mối cơ quan hành chính và 113 đơn vị sự nghiệp theo đề án, rõ ràng mỗi năm cả tỉnh sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi cho bộ máy.

Kết thúc bài viết này, xin được nhắc lại câu ví von của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 30-10-2017: “Ngân sách dù có trở thành nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh hiện nay”. Vâng, hy vọng rằng sau những quán triệt rất quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy Đảng của tỉnh; sau những câu chuyện về sáp nhập, tinh gọn bộ máy trong quán cà phê buổi sáng cuối tuần hay những lo lắng đi - ở, những người được giữ lại trong bộ máy hành chính nhà nước ở Bình Phước cũng như cả nước sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình khi nhận những đồng lương từ ngân sách, để không thấy có lỗi với 95% số dân trong tỉnh đang đóng góp để nuôi mình.

Thảo Linh

  • Từ khóa
20432

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu