Thứ 6, 29/03/2024 12:40:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:06, 10/12/2016 GMT+7

Hiệu ứng Đomino

Thứ 7, 10/12/2016 | 08:06:00 118 lượt xem
BP - Sau khi clip về việc một bạn trong lớp bị đánh hội đồng đến ngất xỉu được tung lên mạng và được chia sẻ đến chóng mặt, ban giám hiệu nhà trường đã mời đại diện hội cha mẹ học sinh của lớp và của trường lên làm việc để thống nhất phương án xử lý đối với những học sinh vi phạm kỷ luật. Ngay sau đó, cha mẹ của những em tham gia đánh bạn và cả cha mẹ của em bị đánh được mời đến trường.

Khi mọi người đã yên vị trong phòng họp thì đoạn clip được mở lại để mọi người cùng xem, trên cơ sở đó xác định xem em nào là thủ phạm chính, em nào bị lôi kéo. Mới chỉ xem được một lúc, bỗng trong phòng họp nghe tiếng khóc nấc. Mẹ của em bị đánh không thể chịu đựng nổi cảnh con gái mình bị giật tóc, bị đá vào bụng, bị bạn dùng dép đập vào mặt, bị xé áo nên đã gục mặt xuống bàn và khóc nấc lên. Lập tức việc xem clip được dừng lại. Những người bố, người mẹ có con tham gia đánh bạn cũng bị sốc và họ thay nhau xin lỗi người mẹ có con bị đánh. Khi đã bình tĩnh trở lại, người mẹ có con bị đánh rành rọt nói: Tôi yêu cầu nhà trường xử lý thật nghiêm đối với những em đã đánh con tôi dã man. Nhưng còn một em dù không tham gia đánh con tôi, chỉ ngồi trơ mắt nhìn bạn bị đánh thì nhà trường cũng phải xem xét kỷ luật. Tôi không thể chấp nhận được sự vô cảm của em này, nhất là đó lại là bạn thân của con tôi.

Cuộc họp bỗng chuyển sang một hướng khác. Hiệu trưởng thống nhất sẽ có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những em trực tiếp tham gia đánh bạn. Gia đình các em cũng phải có trách nhiệm về mặt tài chính để thuốc thang, chăm sóc những ngày em bị đánh nằm viện. Nhưng còn em ngồi nhìn bạn bị đánh mà không phản ứng gì thì cần phải bàn xem có thể kỷ luật được không. Có hai ý kiến đề nghị khiển trách vì thái độ vô cảm của em này và cũng có hai ý kiến đề nghị không áp dụng biện pháp kỷ luật với lý do em này từ trước tới nay luôn là con ngoan trò giỏi; vả lại em còn quá nhỏ nên không thể đòi hỏi ở em trách nhiệm xã hội như ở người lớn được. Ai cũng có lý do để bảo vệ ý kiến của mình và ý kiến nào nghe ra cũng thấy có lý.

Để giải quyết tình huống khó xử này, hiệu trưởng đề nghị giáo viên chủ nhiệm mời em lên phòng họp. Em rụt rè bước vào phòng giữa những ánh mắt vừa cảm thông vừa soi mói. Sau khi nghe cô hiệu trưởng truyền đạt nội dung mà mọi người đang bàn có liên quan tới mình, ngập ngừng một lúc rồi em đứng dậy nói một hơi dài: Thưa các thầy cô, thưa các bác, các cô chú, nếu định làm một việc mà biết chắc là sẽ không thành thì liệu các thầy cô, các bác, cô chú có làm không? Em chơi thân với bạn ấy nên rất hiểu bạn bị đánh oan. Chỉ vì bạn có một chiếc dây cột tóc giống hệt của bạn nữ là đại ca trong lớp nhưng không chịu vứt đi theo yêu cầu nên bị đánh. Em không thể làm gì hơn, vì chỉ cần có biểu hiện bênh vực bạn là em cũng bị đánh như vậy. Thực ra, tình trạng bị ăn hiếp trong lớp, trong trường diễn ra từ lâu rồi. Đã có rất nhiều bạn bị đánh nhưng vì không có clip nên các thầy cô không biết. Chúng em không dám phản ánh, vì có thể bị đánh bất cứ lúc nào mà thầy cô lại không thể bảo vệ được chúng em. Vì thế, nếu có kỷ luật thì phải xem xét từ phía nhà trường chứ không thể kỷ luật chúng em được ạ.

Mọi ánh mắt đổ dồn vào cô hiệu trưởng. Thì ra tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” đã diễn ra ở ngôi trường này từ lâu mà ban giám hiệu không hề hay biết gì. Người mẹ có con bị đánh đứng dậy nói dứt khoát: Tôi sẽ làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ chuyện này. Vì nếu chỉ giải quyết nội bộ thì sẽ còn nhiều em phải chịu oan ức như con tôi!

L.T

  • Từ khóa
92490

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu