Thứ 5, 25/04/2024 12:46:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:23, 09/02/2017 GMT+7

Hiệu quả và những bất cập trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể

Thứ 5, 09/02/2017 | 13:23:00 8,144 lượt xem
BP - Qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội”, công tác giám sát và phản biện xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song còn nhiều bất cập, khó khăn đặt ra cần có những giải pháp thiết thực.

KẾT QUẢ NỔI BẬT

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo và xây dựng Hướng dẫn số 01-HD/BDVTU ngày 16-6-2014 để MTTQ, các đoàn thể, ban dân vận các cấp tổ chức thực hiện. Đến nay, MTTQ, các đoàn thể đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh được trên 3.000 lượt, trong đó cấp tỉnh 414 lượt, cấp huyện 2.645 lượt cho đội ngũ cán bộ mặt trận, đoàn thể cơ sở, thôn, ấp. Từ đó giúp đội ngũ dân vận cơ sở hiểu rõ hơn quy định, quy trình, các bước tiến hành giám sát và lĩnh vực trọng tâm cần tổ chức giám sát, nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân.

Lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh tặng bằng khen cho các ban thanh tra nhân dân có thành tích xuất sắc trong 2 năm 2015-2016 - Ảnh: Gia Nghĩa

Những năm qua, MTTQ và đoàn thể các cấp đã phối hợp với HĐND các cấp giám sát, khảo sát chuyên đề ở nhiều lĩnh vực như: giám sát công trình đầu tư cộng đồng; giám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; việc thực hiện chế độ chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công theo Chỉ thị số 23/CT-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các chương trình 134, 135, Quyết định 33 về định canh định cư; chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và người nghèo, người cao tuổi; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; ý kiến kiến nghị của cử tri... UBMTTQVN tỉnh đã trực tiếp tổ chức 2 hội nghị chuyên đề để giám sát Dự án đường Đồng Phú - Bình Dương thông qua việc tổ chức đối thoại với cơ quan quản lý dự án, chủ đầu tư và phối hợp với huyện Đồng Phú tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự án. Tổ chức giám sát việc thực hiện nguồn quỹ cứu trợ hạn hán ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng... Qua đó, nắm bắt tình hình nhân dân, việc triển khai các chương trình, dự án, để kiến nghị, đề xuất chính quyền có giải pháp hiệu quả, kịp thời.

Để nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội, MTTQ các cấp đã tăng cường củng cố tổ chức, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban đầu tư cộng đồng ở cơ sở, do đó chất lượng hoạt động từng bước nâng lên rõ rệt. 3 năm qua, ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã phát hiện, kiến nghị, giám sát xử lý nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực vận động, thu - chi tài chính sai quy định của một số đơn vị cơ sở, trong thiết kế công trình dân sinh, cấp tiền hỗ trợ người nghèo ăn tết không kịp thời... Toàn tỉnh đã tổ chức giám sát 2.000 đợt, giám sát chuyên đề 192 đợt, tổ chức đoàn giám sát đối với 645 công trình xây dựng, đã phát hiện 77 công trình có sai phạm và kiến nghị ngành chức năng xem xét, xử lý. Riêng năm 2016, ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức giám sát 1.067 đợt theo kế hoạch và phát hiện kiến nghị ngành chức năng xử lý 18 vụ sai phạm. Ban giám sát đầu tư giám sát 683 đợt đối với 399 công trình, phát hiện 11 trường hợp vi phạm và đã kiến nghị xử lý theo quy định.

Nổi bật trong các hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng là các đơn vị huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Xoài, Bình Long... Ban giám sát đầu tư cộng đồng thị xã Đồng Xoài đã tổ chức tốt việc giám sát triển khai 11,9km đường giao thông với tổng kinh phí 22 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp 30%; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài hơn 1km với kinh phí làm đường, giải tỏa, đền bù trên 310 tỷ đồng. Tại huyện Lộc Ninh, ban giám sát đã tham gia nhiều công trình trọng điểm của huyện, trong đó có giám sát việc xây dựng Nhà máy nước Lộc Hiệp. Qua đó đã có ý kiến phản biện đối với việc thiết kế đường ống nước của nhà máy và đơn vị thi công đã tiếp thu, chỉnh sửa. Ở huyện Hớn Quản, ban giám sát đã tiếp nhận thông tin phản ánh và tham gia giám sát chặt chẽ việc thanh lý 2 phòng học ở ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi.

NHỮNG BẤT CẬP VÀ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Khi bàn về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, theo đánh giá của ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân như: Việc xác định nội dung; hình thức giám sát còn lúng túng, cơ chế phối hợp giữa chính quyền và MTTQ, các đoàn thể còn hạn chế; chất lượng giám sát và phản biện chưa đáp ứng yêu cầu, sự mong đợi của nhân dân. Mặt khác, cơ chế giám sát đã có nhưng còn thiếu. Các quy định về hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ còn rải rác ở rất nhiều văn bản. Luật MTTQVN quy định: MTTQVN giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định số 50/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật MTTQVN chưa quy định rõ về nội dung giám sát, phạm vi giám sát, các cơ chế, điều kiện đảm bảo hoạt động giám sát, nhất là việc xử lý các kiến nghị sau giám sát... Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước về vai trò, tác dụng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ chưa đầy đủ, đúng đắn. Đội ngũ cán bộ của MTTQ, đoàn thể các cấp còn thiếu và chưa đồng bộ về chất lượng chuyên môn. Nhiều người chưa qua đào tạo, chế độ đãi ngộ còn thấp, chưa đủ động viên cán bộ yên tâm, gắn bó công việc. Kinh phí hỗ trợ ban thanh tra, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh chưa bố trí được.

Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tôi cho rằng trước hết MTTQ, các đoàn thể cần tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 30-6-2016 về tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW. Cần xây dựng kế hoạch phối hợp nhịp nhàng giữa HĐND, UBND với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội để có cơ chế thuận lợi giúp các bên đều thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác MTTQ, các đoàn thể, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò, tầm quan trọng của việc giám sát và phản biện xã hội. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ MTTQ và đoàn thể ở cơ sở và bố trí kinh phí hoạt động cho ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở để khuyến khích, động viên thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Khắc Hạnh
Ban Dân vận Tỉnh ủy

  • Từ khóa
1322

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu